Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:44 (GMT +7)
Hỗ trợ vốn phát triển vùng đồng bào DTTS
Thứ 3, 12/12/2023 | 13:39:59 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương của Quảng Ninh đã tạo mọi điều kiện giúp người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, xóa dần khoảng cách vùng miền trên địa bàn toàn tỉnh.
Với nguồn ngân sách các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tổng ngân sách tỉnh bố trí trực tiếp cho Chương trình và Nghị quyết số 06-NQ/TU giai đoạn 2021-2023 là 2.902,751 tỷ đồng.
Trong số này, có 165,048 tỷ đồng vốn sự nghiệp dành cho Chương trình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, 300 tỷ đồng vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện cho vay đối với 4.090 hộ dân để tạo việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã đảo trên địa bàn tỉnh.
Cùng với nguồn trên, tỉnh, các địa phương còn vận động các ngân hàng cho vay tại các xã để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người dân ở những vùng này. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách tín dụng tại địa bàn 65 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến ngày 30/7/2023, dư nợ cho vay tại các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 4.284,9 tỷ đồng, với 32.446 khách hàng còn dư nợ, đạt mức dư nợ bình quân 132 triệu đồng/khách hàng.
Về phía Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã huy động các nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn tín dụng chính sách triển khai cho vay tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Từ năm 2021 đến nay đã triển khai cho 18.502 lượt khách hàng vay số tiền 1.203,1 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2023, tổng dư nợ là 1.662,1 tỷ đồng, với 36.170 khách hàng vay còn dư nợ; bình quân dư nợ 25,6 tỷ đồng/xã.
Để hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho bà con, Hội Nông dân tỉnh cũng tích cực vào cuộc, sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giải ngân 78,451 tỷ đồng cho 154 dự án mới, với 1.146 hộ vay; tổng dư nợ cho vay đạt 78,185 tỷ đồng, với 1.238 hộ vay qua 191 dự án.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay phát triển sản xuất của bà còn, tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đề án giao đất giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến 2025, tầm nhìn đến 2030… Đến nay, tổng diện tích rừng, đất rừng đã được UBND cấp huyện giao, cho thuê là 139.313,79ha với 34.309 hộ; diện tích các hộ đang quản lý nhưng chưa giao, cho thuê là 18.163,69ha, với 6.344 hộ.
Nhờ vậy, diện tích trồng rừng tập trung hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã trồng hơn 39.413ha rừng. Chất lượng rừng được nâng lên thông qua việc trồng 7.097,04ha rừng tập trung bằng các loài cây bản địa. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hằng năm đều tăng, trong đó năm 2023 đạt 809.425m3.
Thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh theo Nghị quỵết số 337/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh, sau hơn 2 năm triển khai, đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.768,53ha. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 896 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ để tham gia chính sách trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa đạt 38,47 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh, các địa phương còn vận động bà con vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, trên cơ sở phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương với đa dạng hàng hóa các sản phẩm của tỉnh, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…
Đến nay vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh có 76 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh, với 62 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao. Sở KH&CN tiếp tục triển khai thực hiện 25 nhiệm vụ KHCN liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của các sản phẩm ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn.
UBND tỉnh còn ban hành Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 10/12/2021 về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025; giao Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Ủy ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu thực hiện thí điểm dự án “Trung tâm kết nối giao thương thương mại, du lịch và quảng bá sản vật vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Bên cạnh huy động nguồn vốn hỗ trợ bà con vùng đồng bào DTTS, miền núi phát triển kinh tế gia đình, tỉnh còn huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ bà con khó khăn; lồng ghép các chương trình để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, từ đó tạo hiệu quả phát triển, bền vững nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()