Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:10 (GMT +7)
Hoa hậu Hoàn vũ ra sao sau loạt quyết sách đổi mới của tỷ phú chuyển giới?
Thứ 6, 03/03/2023 | 10:28:51 [GMT +7] A A
Chính sách đấu thầu bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ đang gây ra nhiều xáo trộn với các quốc gia. Nhiều quốc đổi chủ sở hữu cuộc thi nhưng cũng có nhiều nước lựa chọn không tham gia Hoa hậu Hoàn vũ 2023.
Đại diện Pháp sẽ vắng mặt tại Hoa hậu Hoàn vũ 2023?
Mới đây, thông tin Pháp có thể từ bỏ quyền cử đại diện thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) vì những bất đồng với cách điều hành cuộc thi của nữ tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakrajutatip trở thành tâm điểm trên các diễn đàn sắc đẹp. Nguyên nhân là BTC cuộc thi Hoa hậu Pháp không chấp thuận những quy định của chủ mới cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Với tuổi đời hơn 100 năm, Hoa hậu Pháp có lịch sử lâu đời hơn cả hai cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới hiện nay là Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ. Cuộc thi được tổ chức lần đầu vào năm 1920. Cuộc thi duy trì được một năm sau đó rồi bị ngừng tổ chức. Đến năm 1926, cuộc thi quay trở lại với tên gọi mới - Miss France (Hoa hậu Pháp).
Hoa hậu Pháp nhanh chóng gây tiếng vang và là một trong những đấu trường nhan sắc có quy mô lớn nhất thế giới. Sự kiện đánh dấu chiến thắng của đại diện đến từ Pháp tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 1953. Đến năm 2016, đại diện Pháp vinh dự giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ sau một khoảng thời dài chờ đợi.
Trong khi tại nhiều quốc gia châu Âu, các cuộc thi sắc đẹp không còn sức hút mạnh mẽ thì Hoa hậu Pháp vẫn duy trì được lượt theo dõi ấn tượng. Nhiều năm qua, Hoa hậu Pháp vẫn là một trong những sự kiện nhận được sự quan tâm bậc nhất tại quốc gia này.
Người chiến thắng của Hoa hậu Pháp thường được cử tham dự Hoa hậu Thế giới hoặc Hoa hậu Hoàn vũ. Đôi khi, người chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Pháp sẽ tham dự cả hai cuộc thi. Tuy nhiên, chính sách đấu thầu bản quyền mới được nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrajutatip có thể khiến Ban Tổ chức Hoa hậu Pháp gặp khó khăn.
Chủ nhân mới của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ yêu cầu, đại diện của các quốc gia tại đấu trường Hoa hậu Hoàn vũ phải là người giành vương miện, các Á hậu không có quyền tham dự. Ngoài ra, những người đẹp giành danh hiệu tại Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia không được phép tham dự các cuộc sắc đẹp quốc tế khác. Bà Anne muốn đảm bảo chất lượng và sự độc quyền của Hoa hậu Hoàn vũ.
Trong nhiều năm qua, Pháp không tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới hoặc Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia để chọn ra các đại diện cử tới các đấu trường này. Với họ, Hoa hậu Pháp là cuộc thi đẳng cấp nhất và người đăng quang sẽ giành đặc quyền chọn tham dự cuộc thi mà họ muốn.
Theo bà Anne, bất kỳ công ty, đơn vị nào bỏ tiền cao hơn sẽ được sở hữu bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ. Do vậy, không loại trừ khả năng, khán giả sẽ được thấy một cuộc thi mới mang tên Hoa hậu Hoàn vũ Pháp ra đời bên cạnh Hoa hậu Pháp. Một số ý kiến khác lại cho rằng, Pháp có thể từ chối cử đại diện tới Hoa hậu Hoàn vũ vì không muốn chiều theo những yêu cầu khắc nghiệt của tỷ phú người Thái Lan.
Chủ nhân mới của Hoa hậu Hoàn vũ liên tục hứng chỉ trích
Hoa hậu Hoàn vũ là một trong những cuộc thi sắc đẹp được yêu thích và uy tín nhất thế giới hiện nay. Từ tháng 10/2022, cuộc thi thuộc về chủ nhân mới, tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakrajutatip, sau vụ mua bán trị giá ước tính hàng chục triệu USD.
Kể từ khi nắm quyền sở hữu Hoa hậu Hoàn vũ, tỷ phú người Thái Lan liên tục đưa ra những thông báo thay đổi về format tổ chức cuộc thi cũng như việc đấu thầu bản quyền cuộc thi tại các quốc gia. Sự cải cách của bà Anne gây ra nhiều tranh cãi.
Các đơn vị từng nắm bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ suốt nhiều năm ở các quốc gia như Indonesia, Malaysia và gần đây nhất là Việt Nam đã bị mất bản quyền. Trong khi đó, nhiều quốc gia kém phát triển ở châu Phi và châu Á quyết định từ bỏ quyền gia hạn bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ do không đủ tiềm lực kinh tế.
Trong chuyến công tác tại Indonesia hồi tháng 2/2023, bà Anne yêu cầu các quốc gia chỉ được cử Hoa hậu đăng quang tới tham dự Hoa hậu Hoàn vũ. Bà còn muốn các cuộc thi cấp quốc gia không áp danh hiệu của các cuộc thi khác cho các Á hậu.
Thông thường, các cuộc thi cấp quốc gia sẽ cử người chiến thắng tới Hoa hậu Hoàn vũ, trong khi đó các Á hậu sẽ được cử đi thi cuộc thi khác như Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Hòa bình hay Hoa hậu Trái Đất. Tuy nhiên, với quy định mới của bà Anne, Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia sẽ không được tham dự cuộc thi khác.
Nhiều chỉ trích nhằm vào nữ tỷ phú, đánh giá bà độc đoán kể từ khi nắm quyền điều hành tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. Bên cạnh đó, nữ tỷ phú chuyển giới còn bị nhận xét "làm màu" và lợi dụng thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ.
Gần đây, bà Anne giới thiệu chuyên cơ riêng dành cho các Hoa hậu, Á hậu Hoàn vũ trong chuyến công tác tại Malaysia. Trong hình ảnh được công bố trong sự kiện, chiếc chuyên cơ cỡ lớn được dán logo của Hoa hậu Hoàn vũ ở phần thân và đuôi. Đây được xem như một việc làm chưa có tiền lệ trong lịch sử cuộc thi.
Sự việc này gây tranh cãi trên các diễn đàn sắc đẹp. Nhiều khán giả thừa nhận choáng ngợp trước sự đầu tư của nữ tỷ phú người Thái Lan nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là sự phô trương không cần thiết.
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2023 dự kiến diễn ra tại El Salvador vào cuối năm nay. Tính tới tháng 2/2023, mới chỉ có 6 quốc gia xác nhận cử đại diện tham dự cuộc thi. Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ - R'Bonney Gabriel (người Mỹ) sẽ trao vương miện cho người kế nhiệm.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()