Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:17 (GMT +7)
Hoạ sĩ đất Cảng say sưa với đề tài Vùng mỏ
Chủ nhật, 17/07/2016 | 09:00:14 [GMT +7] A A
Hoạ sĩ Lê Bá Hạnh sinh năm 1941 tại Đồ Sơn, Hải Phòng nhưng phần lớn quãng đời sáng tác của ông lại gắn với Quảng Ninh. Bây giờ, ông đã trở lại đất Cảng Hải Phòng định cư và tiếp tục sáng tác nhưng Vùng mỏ vẫn là một đề tài thường trực trong hội hoạ và văn chương của Lê Bá Hạnh.
Họa sĩ Lê Bá Hạnh bên một bức tranh vẽ biển. |
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hoạ sĩ Lê Bá Hạnh làm ở Nhà máy Cơ khí Hòn Gai. Ông học hội hoạ xuất phát từ công tác tuyên truyền, triển lãm, vẽ phông, sáng tác tranh cổ động khi còn là công nhân. Ông kể lại những ngày đầu mình được đi học vẽ: “Chúng tôi được tập trung về mỏ Mạo Khê. Mấy tuần đầu ôn cơ bản, vẽ hình hoạ, vào lò lấy tư liệu xây dựng bố cục… Tổng kết trại là một triển lãm treo tranh ngay tại nhà giao ca cửa lò, nhiều người thợ lần đầu tiên biết thế nào là vẽ tranh”.
Từ vốn liếng học được, những năm chiến tranh ác liệt, ông lại mang cặp vẽ đến những chỗ Mỹ thường xuyên bỏ bom như: Tuyển than Cửa Ông, Cơ khí Cẩm Phả, phà Bãi Cháy, trận địa pháo Đặng Bá Hát v.v.. để ký hoạ. Những bức tranh ấy được treo ở ngay cửa hang, cửa hầm, ở giao thông hào đã góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ lạc quan chiến đấu. Ông kể: Chiến tranh phá hoại của Giôn-xơn còn ác liệt đến cực điểm. Anh em hoạ sĩ nghiệp dư chúng tôi phải bàn giao công việc nhà máy, khoác ba lô cặp vẽ về Khe Hùm, tập trung làm nhiệm vụ: “Ghi chép tội ác của đế quốc Mỹ, ca ngợi sản xuất và chiến đấu của quân dân ta…”. Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, cuối năm 1979, hoạ sĩ Lê Bá Hạnh lại tham gia chuyến thực tế sáng tác ở biên giới do Sở Văn hoá - Thông tin và Hội VHNT Quảng Ninh tổ chức. Nhiều bức tranh đẹp của ông đã ra đời trong những năm tháng vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới phía Bắc, như: “Xóm núi” (sơn dầu), “Trận địa anh hùng Đặng Bá Hát” (lụa), “Mất điện vẫn sản xuất” (sơn dầu), “Phố mỏ” (màu nước), “Bến tàu Không số” (sơn dầu), “Cầu ngầm Đầm Hà” (màu nước), “Cầu treo Hà Cối” (màu nước), “Thị trấn Quảng Hà” (màu nước), “Cầu Ka Long” (màu nước), “Bến phà Bãi Cháy” (chì màu), “Chuyển máy vào hang” (thuốc nước), “Nhà máy cơ khí Cẩm Phả anh hùng” (bút sắt) v.v..
Khi nghỉ hưu, ông trở về quê hương Đồ Sơn (Hải Phòng) vẽ tranh và sáng tác văn chương. Ông nhớ lại từng chuyện cũ, chắp nối ký ức với nhau để viết về cuộc đời đầy sóng gió của mình. Ông cũng thường xuyên trở về Quảng Ninh tham gia những chuyến thực tế sáng tác để cập nhật những đổi mới của vùng đất đã từng gắn bó mà đưa vào tác phẩm của mình. Gần đây, ông có những tác phẩm như “Bến phà Hòn Gai” (bột màu), “Móng Cái hôm nay” (sơn dầu), “Cảng than Hòn Gai” (lụa) v.v.. Ông tâm sự: “Hơn bốn chục năm đã qua, tôi đã nghỉ hưu, thời gian còn lại gần như dành hết cho hội hoạ. Khá nhiều bức tranh của tôi thành công đã lấy từ ký hoạ trong những chuyến đi thực tế ở các cơ sở thời chiến tranh phá hoại”. Một trong số đó là bức tranh “Trận địa anh hùng Đặng Bá Hát” (tranh lụa) vẽ về Quảng Ninh đã lọt vào triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội năm 2000. Gần đây ông còn quay sang tập trung viết văn, làm thơ. Về sáng tác văn chương, ông đã có tập truyện ngắn “Bức tranh không bán” vừa xuất bản, trong đó có nhiều truyện ngắn kể lại những năm tháng sáng tác hội hoạ ở Quảng Ninh. Cuốn sách được bạn đọc đón nhận nhiệt tình bởi chất tự truyện gần gũi, mộc mạc của nó.
Về cả hội hoạ và văn chương, tác phẩm của Lê Bá Hạnh đều thể hiện sự chân thành, vốn sống đa dạng và giàu trực cảm. Nhà văn Trần Nhương nhận xét về ông như sau: “Lê Bá Hạnh là người trong cuộc, đẫm mình trong bộn bề công việc mà anh trải nghiệm để từ đó anh gạn lọc ra những câu văn lấp lánh nhưng đây đó còn chút thô nhám, bề bộn của cuộc sống. Nói cho dân dã là văn, hoạ của Lê Bá Hạnh như một thứ “rau vườn” tươi ngon đến tận gốc”.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()