Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:28 (GMT +7)
Du lịch Quảng Ninh hướng đến “mùa vàng” mới
Thứ 2, 13/01/2025 | 00:46:28 [GMT +7] A A
Năm 2024 chứng kiến sức bật vượt trội của ngành du lịch tỉnh nhà với những con số tăng trưởng ấn tượng. Đó cũng là minh chứng thuyết phục cho định hướng đúng đắn và tầm nhìn dài hạn của Quảng Ninh trong quá trình bứt phá mạnh mẽ. Bước sang năm 2025, ngành du lịch lấy kinh tế di sản làm động lực phát triển bền vững, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế.
Hiện thực hóa mục tiêu 20 triệu lượt khách
Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, sự cạnh tranh của các điểm đến mới đặt ra nhiều thách thức cho ngành Du lịch . Điều đó cũng đòi hỏi ngành Du lịch phải tăng tốc bứt phá, đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tìm kiếm thị trường khách mới; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số; tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch cao cấp, dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống...
Trong năm 2025, ngành Du lịch dự kiến tiếp tục hoàn thiện, xây dựng các sản phẩm du lịch mới như: Điểm du lịch hoài niệm nhà chờ phà và tuyến phà Bãi Cháy; Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập - chùa Lôi Âm; triển khai các tuyến du lịch mới trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long… Cùng với đó, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để gia tăng trải nghiệm mới cho du khách như: Khai thác 3 bãi tắm Soi Sim, Hang Cỏ, Trinh Nữ trên Vịnh Hạ Long; tổ chức biểu diễn nghệ thuật kết hợp tiệc nhẹ trong một số hang động đủ điều kiện trên vịnh; xác định 7 khu vực đảo hoang sơ và bãi tắm dành cho phân khúc khách tỷ phú, siêu sang thuộc 1% dân số thế giới...
Ngành Du lịch cũng sẽ tập trung đầu tư các khu điểm du lịch trọng điểm; triển khai hiệu quả những chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, phát triển ngành công nghiệp văn hóa.... Đồng thời, tham mưu phát triển các sản phẩm du lịch xanh, triển khai thực hiện các đề án phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh như: Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024 trong phát triển du lịch bền vững; Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024; Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030…
Ngành du lịch cũng đặt ra mục tiêu phát triển đa dạng thị trường khách. Trong đó, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa thông qua việc tổ chức chương trình làm việc với các tỉnh miền Trung, miền Nam; kết nối với các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân. Cũng như, khai thác tối đa hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tuyến du lịch bằng đường biển. Đồng thời, đón và làm việc với các đoàn khảo sát du lịch, báo chí và triển khai các chương trình kích cầu du lịch. Ngành Du lịch cũng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường khách quốc tế, trong đó chú trọng đến thị trường truyền thống Đông Bắc Á gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, châu Âu và từng bước mở ra các thị trường mới như khách Halal.
Trong những năm qua, định vị thương hiệu du lịch Quảng Ninh đang dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Các tín hiệu tích cực là một số tỷ phú và nhiều du khách quốc tế có mức chi tiêu cao đã lựa chọn Quảng Ninh để tổ chức các sự kiện quan trọng. Năm qua, đã có nhiều tỷ phú Ấn Độ tổ chức đám cưới ở khách sạn Vinpearl, trên siêu du thuyền đẳng cấp ở Vịnh Hạ Long. Hay như sự kiện đoàn khách gồm 4.500 nhân viên của tỷ phú Ấn Độ đã tới TP Hạ Long vào tháng 8 để tham quan vịnh di sản trong nhiều ngày.
Có thể thấy, ngành du lịch đã dần định hướng phân khúc khách quốc tế cao cấp là một trong những thị trường hấp dẫn và đầy tiềm năng. Vì vậy, trong năm tới, tỉnh sẽ xác định ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, du khách chi tiêu cao, tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, chú trọng yếu tố độc đáo, nguyên bản, cá biệt, cá nhân hóa, tinh tế gắn với văn hóa, hài hòa với thiên nhiên, môi trường, mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho khách du lịch cao cấp.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Huyền Anh, ngành du lịch Quảng Ninh xác định các giải pháp đồng bộ, các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cao cấp; cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái cung cấp sản phẩm du lịch cao cấp; có các chiến dịch quảng bá tập trung vào phân khúc thị trường, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp của Quảng Ninh. Bên cạnh đó, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, như: du lịch tàu biển; du lịch golf; du lịch MICE; du lịch mua sắm, giải trí... mang tầm quốc tế. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là khuyến khích các doanh nghiệp du lịch phải chủ động liên kết chặt chẽ với nhau và với địa phương để hình thành hệ sinh thái cung cấp sản phẩm dịch vụ cao cấp - một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch bứt tốc.
Tiếp tục khẳng định điểm đến hấp dẫn
Sau 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và gần nhất là tổn thất nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi) nhưng ngành du lịch vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực sự lột xác về mọi mặt, khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới. Lĩnh vực du lịch tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đóng góp tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, kinh tế di sản chính là cơ hội để Quảng Ninh chuyển hóa nguồn lực tài nguyên di sản thành động lực cho sự phát triển.
Để tạo tiền đề cho động lực này, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 11/2/2023), trong đó xác định Quảng Ninh là “trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...”. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; trong đó đã đưa ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đến năm 2030 gắn với lĩnh vực kinh tế di sản.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương cho rằng, trong thời gian tới, để kinh tế di sản Quảng Ninh thực sự cất cánh, cần tiếp tục rà soát, đổi mới quy hoạch hạ tầng du lịch văn hóa, đặc biệt là quy hoạch các tuyến du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cao theo hướng tăng cường tính liên kết vùng. Cùng với đó, xây dựng một số địa phương gắn với các di tích quốc gia đặc biệt hoặc có nhiều di tích quốc gia như: Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Quảng Yên trở thành các đô thị “cộng sinh di sản”, kết hợp hài hoà giữa các khu vực bảo tồn, toàn vẹn giá trị và các khu vực phát triển khác. Đồng thời, tăng cường phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cần tập trung triển khai phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành gắn với thế mạnh về di sản của Quảng Ninh như: du lịch văn hóa, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ… gắn với thí điểm mô hình Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên xây dựng thương hiệu di sản văn hóa Quảng Ninh mang tính đặc trưng, nổi bật hơn và không ngừng đổi mới chiến lược tiếp thị di sản văn hóa phù hợp với môi trường tương tác mạng liên kết toàn cầu để du lịch Quảng Ninh là sự kết hợp tổng hoà của các loại hình. Đồng thời, khuyến khích tăng cường các nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tu bổ, nâng cấp các công trình văn hóa, cơ sở du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, có dấu ấn trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, bên cạnh việc khai thác nguồn thu từ vé tham quan, tỉnh Quảng Ninh cần phát triển các dịch vụ lưu trú và ẩm thực, đặc biệt là mua sắm các loại hàng hóa và dịch vụ (nghệ thuật biểu diễn, vui chơi - giải trí, đồ thể thao, đồ chơi - lưu niệm, chăm sóc sức khoẻ, quần áo, phụ kiện, cửa hàng bách hóa…). Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo với các dịch vụ chất lượng cao, đẩy mạnh hiện đại hóa công cụ quản lý và khai thác giá trị di sản, ứng dụng công nghệ; tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp văn hóa với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tại hội thảo về kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào tháng 12/2024, PGS. TS Nguyễn Thị Song Hà (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã đưa ra gợi ý cho Quảng Ninh để phát triển kinh tế di sản hài hòa với phát triển kinh tế xã hội: Khai thác các giá trị di sản cần chú ý nguyên tắc phát triển bền vững, lấy phát triển bền vững làm cốt lõi, cân bằng giữa bảo vệ di sản với phát triển du lịch, giữa lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường, không làm ảnh hưởng đến tính nguyên bản, tính toàn vẹn và giá trị của di sản. Điều đó có nghĩa kiên trì nguyên tắc bảo vệ di sản văn hóa gắn với du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, phải đặt lợi ích của di sản, văn hóa di sản, bảo vệ di sản trước lợi ích kinh tế. Phát triển kinh tế, phát triển du lịch thông qua di sản nhưng không được quá tải so với sức chứa của di sản, văn hóa tinh thần của cộng đồng...
Xác định di sản như một loại tài sản đặc biệt, di sản là hàng hóa có giá trị ngày càng gia tăng theo thời gian có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế du lịch bền vững, tỉnh Quảng Ninh cần nhìn nhận và định hướng một cách rõ ràng, đúng đắn để bảo vệ, quản lý, khai thác một cách hiệu quả, từng bước đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn toàn cầu, để kinh tế du lịch di sản nói riêng, kinh tế du lịch nói chung trở thành ngành kinh tế trọng điểm và tỉnh Quảng Ninh là trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực, từng bước cất cánh trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()