Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:26 (GMT +7)
Họa sĩ Lê Na và những nét vẽ đồng quê
Chủ nhật, 20/11/2022 | 19:04:26 [GMT +7] A A
Khá bình lặng và khiêm nhu cùng với những nét cọ mộc mạc dân dã, tranh vẽ của họa sĩ Lê Na như thứ hương đồng cỏ nội lặng thầm len lỏi vào tâm trí người yêu mỹ thuật Quảng Ninh.
Những bức tranh tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của ông vừa được tập hợp và được Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh tổ chức trưng bày triển lãm tranh “Quảng Ninh xưa và nay” cùng con trai Lê Tuấn. Triển lãm giới thiệu 100 tác phẩm, trong đó có các ký họa được hoạ sĩ Lê Na sáng tác từ những năm 1967, 1970 đến nay bằng tâm huyết của mình và cảm xúc về quê hương, về con người Quảng Ninh kiên cường chống giặc ngoại xâm, năng động sáng tạo trong xây dựng quê hương. Triển lãm đã tạo nên sự phong phú về đề tài, nội dung và chất liệu thể hiện, nhất là đề tài về chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, về gia đình, nông thôn, kinh tế - xã hội, về đồng bào các dân tộc Quảng Ninh hơn 50 năm qua.
Họa sĩ Lê Na sinh năm 1942 tại xã - nay là phường Phong Cốc, TX Quảng Yên. Ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh từ năm 1970 - một năm sau khi thành lập Hội. Họa sĩ Lê Na từng có tranh tham gia các triển lãm mỹ thuật của tỉnh, của khu vực Đồng bằng sông Hồng và triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Ông đã 2 lần được trao giải khuyến khích, 2 lần được nhận giải ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Bạn bè, đồng nghiệp vẫn gọi họa sĩ Lê Na là hoạ sĩ của đồng quê. Ông vẽ nhiều về đồng quê chỉ trong khoảng chục năm nhưng đã tạo thành một phong cách riêng. Ông thuộc lớp hoạ sĩ đầu tiên của “Làng tranh Yên Hưng”, một phong trào vẽ tranh theo lối lệ thực, rất gần với dòng tranh dân gian. Làng tranh Yên Hưng trước đó đã sinh ra nhiều hoạ sĩ tài năng nhưng theo đuổi dòng tranh phong cảnh đồng quê với chất liệu bột màu thì chỉ duy nhất Lê Na. Có lẽ đồng đất Hà Nam, Quảng Yên - một vùng quê trù phú thơ mộng, nơi ông sinh ra và lớn lên ấy đã góp phần tạo nên chất đậm đà, mềm mại, êm ả trong tranh của ông. Không bằng lòng với lối tranh lệ thực, họa sĩ Lê Na đã tự “nâng cấp” mình lên và còn thành công ở nhiều đề tài biên giới, người lính, Vịnh Hạ Long .v.v..
Nhớ về những tháng ngày đầu tiên cầm cọ, họa sĩ Lê Na kể: Tôi vốn là một anh chàng làm công tác thông tin cổ động ở huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên). Thời ấy, tôi vẽ hàng trăm bức tranh cổ động các loại. Nhưng rồi tôi nghĩ, cứ vẽ cổ động mãi sẽ chẳng ai nhớ đến mình, tôi hướng đến vẽ tranh về phong cảnh làng quê nơi tôi đang sống.
Xem tranh của Lê Na, công chúng yêu mỹ thuật chợt thấy một ký ức tuổi thơ ùa về với bao gợi nhớ, từ cây đa làng thả rễ từng chùm cho đám trẻ con đánh đu đến những buổi chiều quê chăn trâu, tắm sông, thả diều... dường như ai trong chúng ta cũng quen thuộc. Đồng quê trong tranh của ông mang cái chất quê rất thuần hậu với giếng nước, gốc đa, bờ tre, đàn gà, với những bờ ruộng, con trâu, cái cày, những ao làng, mương máng... Vẽ những nét thân quen ấy, Lê Na vẽ rất nhanh, chỉ vài ba hôm là xong một bức.
Không hề dễ dãi với nghề, bứt ra hẳn khỏi lối tranh tả thực, họa sĩ Lê Na vẽ tranh từ tình yêu tha thiết cái khung cảnh làng quê quanh mình. Tâm hồn Lê Na hiền hoà, yêu quê hương, ông cầm cọ vẽ lên bức tranh đồng quê như để thoả lòng mình, mỗi bức vẽ là một trang ký ức, cảm xúc dâng đầy, ông cầm cọ với lòng thơ thới dùng màu trải lòng mình lên giá vẽ. Hồn quê trong tranh của Lê Na cũng dễ làm người ta xốn xang khi ông bắt được nhiều nét quê gần gũi từ những con đường quê đất đỏ hiền hoà trải rộng, những dòng sóng uốn lượn con đò êm trôi, những nếp nhà mái lá đơn sơ, vàng ruộm, là thảm lúa chín, cây rơm quê, mái đình cong cong gợi nhớ, ngõ chùa tĩnh lặng, cây cầu gỗ đơn sơ, bờ tre đổ nắng, đàn cò bay trên đồng nước hiền hoà... Những bức tranh quê của Lê Na có cái đẹp của hoà sắc êm dịu, mang đậm chất thơ. Màu vẽ ông dùng thành những mảng miếng chứ không tỉa tót theo từng tiểu tiết nhằm đạt tới thể hiện cái hồn của cảnh vật, cái tình của người vẽ chứ không mô phỏng hiện thực một cách khô cứng...
Họa sĩ Lê Na đã tích cực vẽ phục vụ sản xuất và chiến đấu của quê hương. Ông hiện còn lưu lại rất nhiều tài liệu sách báo in tranh của ông những năm ấy, từ tranh vẽ “Đàn lợn gia đình”, “Làm thuỷ lợi” rồi “Điện về làng”...
Cuộc sống mới của người nông dân đi vào tranh Lê Na hết sức bình dị. Tranh đồng quê ông vẽ sau này có nhiều tính nghệ thuật hơn, cũng chính là mang tinh thần từ sự đổi đời ấy của người nông dân quê hương ông. Những khung cảnh bình dị ấy trong tranh của họa sĩ Lê Na ẩn chứa những tình cảm gắn bó, tha thiết của ông, những hoà sắc êm dịu, lung linh và ấm áp ấy có được là bởi một tình yêu quê hương, làng nước mộc mạc, giản dị mà sâu nặng.
Khoảng năm 1964-1975 là thời điểm đỉnh cao sáng tác mỹ thuật chuyên dòng tranh đồng quê của họa sĩ Lê Na. Ông hiện có khoảng 300 bức tranh đồng quê cả phong cảnh thiên nhiên lẫn sinh hoạt của con người. Đồng quê ngấm trong ông quen thuộc đến độ bây giờ cứ nhắm mắt mà vẽ, ông cũng hình dung ra từng cảnh vật làng quê...
Những năm tháng cầm cọ vẽ tranh dưới bom đạn chiến tranh ắp đầy kỷ niệm trong tâm trí Lê Na. Họa sĩ xúc động nhớ lại: Có lần, mải đi vẽ mà suýt chết vì bom. Lần ấy, tôi cầm đồ nghề ra bến phà Chanh đang định vẽ thì máy bay ập đến. Tôi vội vã núp vào một ngôi nhà gần đó. Mặt đất rung chuyển. Nhà đổ. Cây đổ. May mà tôi không sao. Khi máy bay đi, trước mắt tôi cảnh đổ nát hoang tàn, người chết thê lương. Không cầm được nước mắt, tôi ngồi đó vẽ lại cảnh tượng trước mặt để tố cáo tội ác của giặc. Ấy là vào buổi chiều 20/4/1967...
Chia sẻ lý do đam mê theo đuổi đề tài làng quê, họa sĩ Lê Na cho biết: Tôi sinh ra ở Phong Cốc, nơi làng quê yên bình, hiền hoà. Quê hương đã cho tôi những kỷ niệm tuổi thơ rất đẹp. Tôi yêu những mái đình, cây đa, con đò, bến sông, ao làng, giếng nước, bờ tre, gốc rạ của làng quê tôi. Tôi muốn vẽ những cái thân thuộc nhất với mình. Vẽ là cách trải lòng mình về những gì bình dị nhất khi chọn đề tài phong cảnh làng quê.
Sau này, từ Quảng Yên ra Hạ Long định cư, họa sĩ Lê Na chuyển sang vẽ đề tài Vịnh Hạ Long nhiều hơn. Tuy nhiên, người xem vẫn nhận ra ở những bức vẽ về đề tài Hạ Long một bút pháp quen thuộc thường thấy của họa sĩ Lê Na khi thể hiện đề tài làng quê.
Họa sĩ Lê Na lý giải: Khi vẽ Hạ Long, tôi không chú ý nhiều đến cái kỳ vỹ, mạnh mẽ mà đi vào nét mềm mại, hiền hoà. Điều đó sẽ hướng nét cọ đến những đường cong, sự phối màu hoà sắc theo kiểu vẽ tranh đồng quê của tôi trước đó. Nhưng vẽ phong cảnh đồng quê, tôi chủ yếu vẽ với chất liệu bột màu, còn vẽ Vịnh Hạ Long tôi vẽ sơn dầu. Vẽ sơn dầu mới dám mong thể hiện được cái hồn cốt của Vịnh Hạ Long.
Ở mảng tranh này, ông cũng được bạn bè đánh giá là thuộc Hạ Long, thể hiện được nét đẹp riêng có của Hạ Long. Ví dụ như bức tranh sơn dầu Hạ Long sau cơn mưa hay như bức tranh bột màu Hạ Long bến và thuyền dẫu nét vẽ có mạnh mẽ, phóng khoáng hơn nhưng ông vẫn giữ lối pha màu, hoà sắc mang chất vẽ đồng quê. Tranh của ông đã tham gia nhiều các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, khu vực, cả tranh phong cảnh đồng quê lẫn tranh về Hạ Long. Vậy nhưng, trong dòng chảy của hội hoạ Quảng Ninh hôm nay, bạn vẽ và công chúng vẫn nhớ nhiều hơn tới Lê Na ở mảng tranh đồng quê với khung cảnh dân dã, màu sắc ấm áp.
Những năm sau này, mảng tranh ký hoạ những năm chiến tranh biên giới phía Bắc ghi nhận sự thành công của hoạ sĩ Lê Na. Năm 1978, Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) điều động hoạ sĩ Lê Na ra Móng Cái vẽ tranh tuyên truyền. Ông vốn được biết đến với biệt danh "họa sĩ của đồng quê" nên nói đến tranh ông vẽ biên giới, chiến tranh thì ít người nghĩ đến. Ấy vậy mà họa sĩ Lê Na đang là chủ nhân của bộ tranh ký họa về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc khá đẹp.
Vẽ dưới bom đạn chiến tranh nên Lê Na sử dụng chủ yếu bột màu hoặc thuốc nước để có hiệu quả nhanh. Bằng cây cọ của mình, ông đã góp phần đấu tranh chống lại quân xâm lược. Hình ảnh thời chiến tại các huyện biên giới miền Đông được ông miêu tả chân thực thông qua rất nhiều bức ký họa. Ông vẽ nhiều về người lính pháo binh, dân công hỏa tuyến, có cả phong cảnh đồng quê biên giới trong phút yên bình, người lính lau súng sau giờ chiến đấu, người lính ngả lưng trên cánh võng.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()