Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:20 (GMT +7)
“Khu vườn” nghệ thuật sơn mài của họa sĩ Vũ Văn Tịch
Chủ nhật, 23/10/2022 | 14:17:32 [GMT +7] A A
Triển lãm “Trong vườn” của họa sĩ trẻ Vũ Văn Tịch diễn ra từ nay đến hết 15/11 tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội), giới thiệu tới công chúng yêu tranh 20 tác phẩm sơn mài độc đáo.
Bén duyên với sơn mài từ năm 2011, từng có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2018 và Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2019, hoạ sĩ Vũ Văn Tịch thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội và đặt tên là “Trong vườn”. Theo tác giả thì "Tôi muốn vẽ những khu vườn mà thực ra là vẽ cho chính mình, tôi muốn có những khoảng riêng để kết nối giữa con người và thiên nhiên". Ở những bức tranh “Trong vườn”, tất cả rất nhẹ nhàng, ẩn hiện trong những lớp chồng xếp đầy chiều sâu như thế mạnh vốn có của chất liệu quý này.
Giám tuyển của triển lãm Vân Vi cho biết: “Từ đầu, Văn Tịch đã nói với chúng tôi rằng sự chuẩn bị không thể nào ngắn hơn được, vì những đòi hỏi phức tạp trong các kỹ thuật thể hiện nghệ thuật trên chất liệu sơn mài. So với các loại tranh khác, tranh sơn mài rất khó thực hiện, có nhiều công đoạn mài ủ và các yếu tố phụ thuộc bao gồm cả độ ẩm và thời tiết. Vật liệu được sử dụng trong sơn mài là các thành phần đến từ tự nhiên như: sơn ta, son, vàng, bạc, xà cừ, vỏ trứng, vỏ trai…
Một điều nữa là thời gian kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng tới cảm hứng, tâm trạng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, Vũ Văn Tịch đã giữ được mạch sáng tác xuyên suốt, nhuần nhuyễn. Triển lãm giờ đây có thể trình diện là nhờ vào sự kiên trì, được dẫn dắt bằng niềm đam mê và tính kỷ luật của họa sĩ. Các kỹ thuật sơn mài cơ bản không nhiều, nhưng để phát triển các kỹ thuật lên đến hàng nghìn ứng dụng khác nhau, phù hợp với tư duy và phong cách tạo hình của mỗi họa sĩ, đó là một phần của việc phát triển tranh sơn mài Việt Nam trên con đường nghệ thuật".
Ngắm 20 tác phẩm, người xem dễ thấy một bảng màu rực rỡ, sống động của thiên nhiên trong nhiều khoảnh khắc, từ buổi bình minh sương mờ, giữa ban ngày tươi sáng, cho đến hoàng hôn kỳ ảo hay đêm tối thẳm sâu. Có một điều hơi khác lạ so với sơn mài truyền thống thường thấy đó là sự xuất hiện của nhiều gam mầu lạnh: xanh lục, xanh lam, xanh xám… Họa sĩ cho biết đã dành một quá trình nghiên cứu để học hỏi và chọn lọc để ứng dụng từ nghệ thuật sơn mài Nhật Bản. Hai bức tranh khổ lớn nhất triển lãm là “Trong vườn” và “Xuân về” đều được tác giả lấy cảm hứng từ chuyến đi Tây Bắc.
Trong bức “Xuân về”, họa sĩ chia sẻ rằng ghi lại trong trí nhớ của mình là cảnh những cây lê mọc tự nhiên ở ven đường trong tiết trời lạnh sâu. Khi ánh mặt trời chiếu xuống, những tán cây ấy dần hiện lên dưới làn sương tan phủ mờ. Để thể hiện điều đó lên tranh sơn mài, Vũ Văn Tịch dùng kỹ thuật chủ đạo là “bạc mịn”, là cách dùng những hạt bạc xay ở các mức độ nhỏ nhất để tạo ra một nền chuyển êm.
Các bức tranh khác như “Xương rồng tím”, “Ngày gió”, hay “Đêm”... lại tập trung vào vẻ đẹp tinh tế hoặc các trạng thái, cá tính khác nhau của những loài cây ở trong vườn. Trên nền tối lạnh, bức tranh “Chiều buông” nổi bật màu cam đỏ của bụi hoa. Những tán lá lẩn khuất phía sau trong một màn đêm huyền bí. Bức tranh gợi nhắc người xem nhớ về những cảm giác xa vắng đâu đó trong ký ức.
Trong khi đó, “Mai vàng” là bức tranh được sáng tác lấy cảm hứng từ một sự kiện cá nhân đặc biệt. Họa sĩ sử dụng các lớp màu tím mỏng đa sắc độ nhuộm trên bề mặt, cùng lớp bạc/vàng phía bên dưới phản quang xuyên thấu, tạo nên một nền trời trong suốt và sâu thẳm. Bên cạnh các tác phẩm vẽ cỏ cây hoa lá thiên nhiên, triển lãm cũng trưng bày một tác phẩm chân dung thiếu nữ (Giấc mơ trưa) và một tác phẩm tự hoạ của họa sĩ (Gom những ước mơ nhỏ).
Tại triển lãm, họa sĩ chia sẻ thêm với khán giả: “Với “Trong vườn”, tôi muốn kể câu chuyện riêng của mình bằng ngôn ngữ hội hoạ và bằng kỹ thuật truyền thống của sơn mài Việt Nam. Tôi dành cả tâm huyết, thời gian của mình cho mỗi tác phẩm. Có những bức làm rất lâu, mỗi ngày tôi mài một chút. Có những bức như "Trong vườn", "Xuân về" và "Xương rồng tím" được vẽ trong gần 3 năm mới hoàn thành...”.
Bằng cách sử dụng các kỹ thuật trên sơn mài như kỹ thuật dùng bạc mịn, vẽ xuyên lớp, kết hợp 3 sắc son, cùng việc kết hợp các thủ pháp nghệ thuật như đảo ngược những mảng tối sáng, dùng ngôn ngữ biểu tượng… Văn Tịch đã tạo ra một khu vườn lãng mạn, nên thơ suốt cả bốn mùa trong tranh của mình.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()