Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 16:32 (GMT +7)
Hoài niệm Tết xưa
Chủ nhật, 11/02/2024 | 08:59:08 [GMT +7] A A
Tết tràn về trong làn gió xuân và trong những kỷ niệm khó phai về những ngày tháng đã cũ. Hoài niệm Tết xưa với những dấu ấn thế hệ cùng biết bao kỷ niệm thân thương, khiến cho ngày Tết trở nên ấm cúng hơn và nuôi nấng ta bằng những cảm xúc sum vầy.
Tết cổ truyền ngày xưa có những nét đẹp truyền thống khó phai mờ. Nhiều người vẫn luôn hoài niệm về Tết xưa với những hương vị, sắc màu, phong tục đậm chất Việt Nam. Hương vị Tết xưa trong ký ức của nhiều người là hộp mứt Tết, nồi bánh chưng xanh, là những ngày giáp Tết được thức thâu đêm luộc bánh, háo hức đợi chờ trong ánh lửa bập bùng và mùi khói quện trong vị Tết...; tiếng pháo đì đùng giây phút giao thừa, xác pháo đỏ cả một con ngõ nhỏ. Trẻ con trong bộ quần áo mới, túm năm tụm bảy vui đùa hồn nhiên.
Với anh Lê Huy Hoàng (TP Hạ Long), ký ức Tết gắn với chiếc máy khâu hiệu Butterfly (con bướm) mà mẹ và dì của anh thường sử dụng để may quần áo mới cho con, cháu mỗi dịp Tết đến. Cuộc sống khi xưa còn nhiều thiếu thốn, nên với trẻ con ngày Tết đơn giản là có quần áo mới, có bánh kẹo, lì xì... Chiếc máy khâu kỷ vật này vẫn được anh trân trọng giữ gìn trong bộ sưu tập đồ xưa của mình và luôn gợi lại cho anh thật nhiều cảm xúc mỗi lần nhắc nhớ về nó.
Anh Huy Hoàng chia sẻ: "Những đồ vật này gắn với mình từ thuở nhỏ, che chở cho mình, nuôi mình khôn lớn. Dì của mình làm thợ may, nên chiếc máy khâu này không chỉ là công cụ làm việc, mà nó còn gắn với những kỷ niệm của mẹ và dì, may cho chúng mình bộ quần áo mới để diện Tết. Những ký ức đó thật đẹp. Mình muốn giữ những ký ức đẹp đó để mỗi lần nhìn vào nó mình lại nhớ về những kỷ niệm, để có thể sống tốt hơn trong hiện tại".
Còn với anh Trần Quang Duy (TX Quảng Yên), Tết là âm thanh của bản nhạc xuân phát ra từ chiếc đài chạy băng cassette đã cũ mà gia đình anh thường dùng, là mùi vị của ly trà mạn nhâm nhi ngày Tết, ngắt thêm bông nhài ngoài vườn thả vào cho thơm hương. Cái vị chát chát, ngọt hậu rất ấm lòng và dư vị của nó dường như vẫn còn vẹn nguyên mỗi khi anh nhớ về. Những ngày Tết sum vầy, cả nhà lại cùng quây quần bên nhau, xem chương trình qua chiếc tivi đen trắng chỉnh kênh bằng núm vặn, xoay chiếc ăng ten tứ phía để đón sóng. Thiếu thốn là vậy nhưng đầy ắp niềm vui bé nhỏ.
Ngày xưa, trang trí đón Tết trong nhà trang trọng nhất là câu đối đỏ rồi đến tranh Tết. Nội dung câu đối Tết đều gửi gắm những hy vọng trong năm mới. Còn tranh Tết thì không thể thiếu các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Thêm chút cành đào cắm lọ hoặc lọ hoa cúc chi là không khí Tết đã về.
Anh Lê Minh Thứ (TP Hạ Long) vẫn còn giữ được nhiều kỷ vật gắn với Tết và cuộc sống giản dị khi xưa; từ bộ bàn ghế cũ, chiếc phích Rạng Đông đựng nước nóng pha trà, chiếc đèn dầu, bếp dầu, chiếc cân đĩa, đến chiếc mâm đồng các gia đình thường sử dụng.
Anh Thứ cho biết: “Tôi còn nhớ hồi nhỏ, cứ dịp giáp Tết là mẹ tôi lại tất bật chuẩn bị mâm ngũ quả. Tôi với bố thì trang trí chiếc tủ ly bằng những dây kim tuyến, chăng đèn nhấp nháy để nó sáng bừng lên đón Tết. Ngày đấy Tết thật đặc biệt. Tôi vẫn còn giữ chiếc mâm đồng trong bộ sưu tập đồ xưa và sử dụng nó để ăn cơm mỗi khi muốn trải nghiệm lại cảm giác của ngày xưa".
Hoài niệm Tết xưa chợt ùa đối với nhiều người trong những ngày cận kề Tết nay. Nhớ về Tết xưa để biết gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông qua nhiều thế hệ, để những điều đẹp đẽ không bị mất đi, mà vẫn tiếp tục hiện diện trong mỗi gia đình ngày nay, nuôi nấng tâm hồn những người trẻ, trở thành sợi dây kết nối thế hệ trong những ngày Tết sum họp, đoàn viên.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()