Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 03:16 (GMT +7)
Hoạt động du lịch biển đảo được khôi phục ngay sau bão
Thứ 4, 18/09/2024 | 05:22:12 [GMT +7] A A
Để tiếp tục khẳng định điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với khách du lịch, các cảng tàu trên địa bàn tỉnh vừa song song triển khai khắc phục, vừa tổ chức đón khách an toàn.
Có lẽ, trong số gần 24.000 tỷ đồng thiệt hại được Quảng Ninh tạm tính đến ngày 14/9 vừa qua khi báo cáo Chính phủ, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc do bão số 3 gây ra thì nặng nề nhất vẫn là các hoạt động kinh tế biển. Bão số 3 đổ bộ đã khiến hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm, trong đó có 27 tàu du lịch. Các cảng cửa ngõ du lịch biển của tỉnh như Tuần Châu, Hạ Long, Ao Tiên đều có những tổn thất đáng kể từ cơ sở vật chất đến các hạ tầng cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đón, trả khách, giao thông ra các tuyến đảo và tham quan Vịnh Hạ Long.
Ông Đặng Tuấn Hà, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cho biết: Mặc dù đã chủ động các biện pháp phòng chống, nhưng với cường độ mạnh trong thời gian dài, cơn bão đã gây ảnh hưởng hết sức nặng nề đến hạ tầng, phương tiện tại cảng. Xác định vai trò là cửa ngõ của Vịnh Hạ Long, động lực quan trọng để sớm phục hồi du lịch sau bão, tập thể cán bộ, nhân viên cảng đã tạm gác các công việc bộn bề tại gia đình để ưu tiên cho việc khắc phục hoạt động tại cảng. 100% quân số có mặt ngay khi bão số 3 đi qua để tiến hành dọn dẹp, sửa chữa tạm thời; thực hiện công tác hỗ trợ, cứu hộ; làm việc với các đội tàu, đơn vị lữ hành để triển khai ngay các hoạt động đón tiếp khách du lịch với cam kết đảm bảo các điều kiện tốt nhất. Trong 3 ngày mở cửa hoạt động trở lại (từ 13 đến 16/9) Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã đón gần 8.000 lượt khách tham quan.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hạ tầng sau bão, từ đó thực hiện đánh giá công tác an toàn và tiến hành tổ chức đón khách du lịch từ ngày 13/9. Sau 3 ngày, cảng đã có hơn 7.000 khách du lịch qua cảng để đi thăm Vịnh Hạ Long. Các hoạt động dịch vụ - du lịch cơ bản khôi phục hoàn toàn như trước thời điểm bão đến.
Tại Cảng Ao Tiên (Vân Đồn), để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, đi lại của nhân dân, du khách ra các tuyến đảo, ngay sau bão cảng đã liên hệ với các phương tiện là những tàu lớn, cấp độ vượt sóng cao để tham gia vào hoạt động vận chuyển. Tuy lượng khách du lịch ra các đảo thời điểm này chưa nhiều, nhưng hoạt động đi lại của nhân dân đã rất thuận lợi, những chuyến hàng là nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu khắc phục sau bão lần lượt rời cảng để đến Cô Tô, Minh Châu, Quan Lạn… Đây là những khu vực “đầu sóng, ngọn gió”, nơi đón nhận cơn bão đầu tiên với rất nhiều thiệt hại. Hiện công tác khắc phục sau bão vẫn tiếp tục, nhưng hoạt động đón khách du lịch tại cảng đã trở lại bình thường với các điều kiện đón tiếp tốt nhất, an toàn nhất.
Để nắm bắt tình hình, động viên và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ nhân dân, doanh nghiệp trong hoạt động du lịch, thể hiện sự trăn trở, lo lắng của tỉnh đối với ngành kinh tế mũi nhọn này, ngay sau bão UBND tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ và có nhiều giải pháp chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục sau bão. Trong bối cảnh mạng viễn thông đứt gãy, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo đứng đầu tỉnh đã có mặt tại hầu hết các điểm nóng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục sau bão; chỉ đạo các chiến dịch làm sạch thành phố, sạch vịnh…
Những hình ảnh đẹp, nhân văn, những hành động thiết thực và giải pháp động viên kịp thời, hiệu quả cộng với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, ý chí tự lập, kiên cường vượt khó… cả hệ thống chính quyền tỉnh cùng doanh nghiệp, nhân dân đã tranh thủ từng giờ, thậm chí từng phút để sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi sớm nhất. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để bù đắp cho những thiệt hại của cơn bão gây ra, đảm bảo tính bền vững của các ngành kinh tế, trong đó có ngành du lịch.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()