Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:20 (GMT +7)
Học nghề hay học đại học?
Thứ 7, 24/06/2023 | 06:52:52 [GMT +7] A A
Những ngày qua, câu chuyện xung quanh kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập luôn thu hút nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm. Chưa bao giờ kỳ thi vào lớp 10 lại “nóng”, căng thẳng như những năm qua. Nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng giờ thi vào lớp 10 còn khó hơn cả thi vào đại học. Cùng với những câu chuyện đỗ vào trường THPT công lập, hay đủ điều kiện vào trường tư thục thì câu chuyện học nghề cũng được nhiều phụ huynh, học sinh tìm hiểu nhiều hơn.
Trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay, sau khi đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh, toàn tỉnh có 15.403 thí sinh đăng ký dự thi trên tổng số hơn 22.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Toàn tỉnh còn 9.990 chỉ tiêu cho 30 trường THPT công lập tổ chức thi tuyển. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập được đánh giá là “nóng” bởi tính cạnh tranh khá quyết liệt, với trên 5.400 thí sinh dự thi không đỗ vào lớp 10 công lập.
Trong khi đó, số học sinh vào các trường ngoài công lập cũng được ngành Giáo dục giới hạn, cùng với đó nhiều trường tư thục cũng có những tiêu chuẩn xét riêng, nên một điều chắc chắn rằng có rất nhiều học sinh THCS không đỗ vào cả trường công lập lẫn tư thục THPT.
Chính vì vậy, giờ đây câu chuyện học nghề kết hợp học văn hoá ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề, hay học nghề sau khi tốt nghiệp THPT cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các gia đình, phụ huynh, học sinh.
Học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề hay học đại học luôn được nhắc đến nhiều trong mỗi mùa tuyển sinh. Một tín hiệu tích cực là những năm gần đây, nhiều học sinh đã lựa chọn học các trường nghề thay vì vào đại học. Thực tế cũng cho thấy, lao động qua đào tạo nghề có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Đã có rất nhiều học sinh, sinh viên nghề ngay sau khi tốt nghiệp đã được doanh nghiệp mời, tuyển dụng về làm việc với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, với một sinh viên đại học, sau 4 năm ngồi trên giảng đường, tiêu tốn vài trăm triệu đồng, sau khi ra trường nếu may mắn tìm được việc làm với mức lương khởi điểm 2,34 sẽ nhận gần 3,5 triệu đồng/tháng.
Để đẩy mạnh phân luồng học sinh, khuyến khích học nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Trong đó, Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh “Về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng” là một trong những chính sách quan trọng khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia học nghề, nhất là với những nghề mà tỉnh đang cần thu hút, đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh khuyến khích đào tạo 15 nghề, chia làm 3 nhóm gồm: Công nghệ kỹ thuật, cơ khí chế tạo, vận tải, xây dựng; du lịch, dịch vụ; nhóm nghề sức khỏe.
Khi theo học các nhóm ngành nghề này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú Quảng Ninh được hỗ trợ học phí, chi phí học nghề bằng 40-50% mức lương cơ sở/tháng tùy theo hệ đào tạo và 100% học phí học văn hóa trung học phổ thông chương trình giáo dục thường xuyên.
Như tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, mức hỗ trợ cao nhất cho học sinh, sinh viên học hệ chính quy học một trong các nghề: Cắt gọt kim loại, hàn, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, công nghệ ô tô có thể lên đến 150 triệu đồng/người.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, một trong những điểm sáng của giáo dục nghề nghiệp ở Quảng Ninh là tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt từ 85% trở lên. Trong đó có những ngành nghề ra trường là có việc làm 100%. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, hỗ trợ chi phí đào tạo, cam kết tuyển dụng sinh viên ngay từ khi tuyển sinh nhập học. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng ngày càng được nâng cao, mang lại nhiều lợi ích cho người học.
Có một thực tế là hiện nay xu thế chủ đạo vẫn là học sinh học xong THCS là vào THPT công lập, tư thực, học sinh học xong THPT là vào đại học, cao đẳng. Do vậy, việc triển khai thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS cần phải được tăng cường hơn nữa. Cùng với đó là công tác thông tin, tuyên truyền, vận động học nghề tại các trường THCS, THPT cần được đẩy mạnh, để phụ huynh, học sinh nắm được những lợi ích, cơ chế, chính sách ưu tiên, từ đó lựa chọn đúng đắn cho con em mình, tránh lãng phí thời gian, tiền của.
Quảng Ninh hiện đang có các cơ chế, chính sách ưu đãi mang tính vượt trội thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn Quảng Ninh. Đây chính là cơ hội rút ngắn thời gian, giảm chi phí học tập, sớm có được việc làm và thu nhập ổn định.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()