Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 05:46 (GMT +7)
Học người thầy báo chí cách mạng
Thứ 7, 20/06/2015 | 05:42:31 [GMT +7] A A
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Với việc sáng lập ra Báo Thanh Niên (Cơ quan ngôn luận của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội), số đầu ra ngày 21-6-1925, Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và ngày 21-6 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã sáng lập 9 tờ báo: Người cùng khổ (1922); Quốc tế nông dân (1924); Thanh Niên (1925); Công nông (1925); Lính Kách mệnh (1925); Thân ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam độc lập (1941); Cứu quốc (1942).
Không chỉ là người sáng lập, trực tiếp viết báo, Người còn tham gia các công việc làm báo từ A đến Z. Người đã dùng khoảng 150 bút danh, công bố hơn 2.000 bài báo các loại ở trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt..., với nhiều thể loại như chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký và thơ.
Trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (6-1949), Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ của báo chí: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”.
Về những người làm báo, Hồ Chí Minh khẳng định không chỉ là những người trực tiếp viết bài và yêu cầu đều phải có lập trường chính trị vững chắc: “Báo chí chúng ta thì phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế những người làm báo (người viết tin, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc”. Về vai trò của nhà báo, Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang”.
Báo chí thông tin, tuyên truyền phải có hiệu quả. Theo Người, “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”. Trong bối cảnh hiện nay, đọc lại lời dạy này của Hồ Chủ tịch, chúng ta càng thêm quyết tâm thực hiện quy hoạch lại hệ thống báo chí, sao cho báo chí phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả.
Những câu hỏi mà Bác Hồ đặt ra cho người làm báo rất cụ thể. Đó là: “Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời ba câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Người đã nói với các nhà báo: “Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội, của bạn ta. Đồng thời phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội, không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”. Cùng với khách quan trong đánh giá sự việc, sự kiện, nhà báo cần trung thực “Nêu cái hay cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại”. Đồng thời khi phê bình “phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”.
Những tác phẩm báo chí của Bác Hồ đã chứng tỏ Người là bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ. Về ngôn ngữ, văn phong báo chí, Bác Hồ dạy: “Lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo có thú vị mà lại có bổ ích”.
Cùng với nhiệm vụ chính trị là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, báo chí còn là cơ sở để thực thiện dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật. Vừa đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị, vừa tăng cường dịch vụ quảng cáo để giảm bớt ngân sách đầu tư cho báo chí đang là bài toán khó giải đối với không ít các cơ quan báo chí hiện nay. Vấn đề quảng cáo trên báo chí từng được Hồ Chí Minh đề cập. Báo Người cùng khổ từ ngày 1-1-1923 quyết định ra 2 kỳ một tháng và ra 4 trang, trang 4 dành đăng quảng cáo “để tờ báo có thể sống được”. Hồ Chí Minh đã tin tưởng đồng chí của mình trong tòa soạn Báo Người cùng khổ “trong tương lai gần, việc nhận đăng quảng cáo không những có thể giúp trang trải tiền thuê in báo mà còn có thể trả công cho một đồng chí chuyên trách gánh mọi công việc của tờ báo như gửi thư đi kiểm soát, giữ thường trực, v.v… và còn trả được tiền thuê nhà”.
Những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về báo chí đã trở thành cẩm nang hoạt động báo chí cho các cơ quan báo chí, cho từng nhà báo.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()