Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:25 (GMT +7)
Học sinh lớp 1 học trực tuyến có phù hợp không?
Thứ 5, 11/11/2021 | 16:40:00 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương, riêng đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ học chủ yếu trên truyền hình, và đây cũng chỉ là 1 giải pháp. Dạy trực tuyến chỉ áp dụng đối với các trường có đầy đủ điều kiện và được đồng ý của giáo viên.
Dạy lớp 1 trên truyền hình chỉ là 1 giải pháp
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo sáng 11/11, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Liên (Long An) nêu ý kiến cử tri cho rằng, việc cho trẻ em lớp 1 học trực tuyến là chưa đạt hiệu quả như mong muốn, làm khó khăn nhiều mặt cho các bậc phụ huynh, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong việc chuyển trạng thái của ngành giáo dục để ứng phó dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương, riêng đối tượng học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ học chủ yếu trên truyền hình. Các trường có đầy đủ điều kiện và được đồng ý của giáo viên mới dạy trực tuyến.
Trong vòng hơn 2 tháng vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng được 166 bài giảng, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu các bài giảng của lớp 1 và lớp 2. Theo Đài truyền hình Việt Nam thống kê, mỗi môn học có hàng triệu lượt học sinh vào học.
Bộ trưởng cho rằng đây là 1 trong rất nhiều giải pháp, cũng sẽ khó có 1 giải pháp nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu. Do đó, chúng ta phải chọn giải pháp tối ưu hơn cả.
“Kể cả đối với các cháu học sinh lớp 1, 2 khi quay trở lại trường hoặc tiếp tục học qua truyền hình, sẽ củng cố kiến thức rồi kiểm tra, đánh giá thi một cách phù hợp. Chúng tôi đã có hướng dẫn cho việc này. Khi các cháu đến trường vẫn phải có hỗ trợ, củng cố mới có thể đáp ứng được yêu cầu”, Bộ trưởng nói.
Liên quan tới việc giảng dạy qua truyền hình, Bộ trưởng cho rằng cần phải được tiếp tục triển khai cũng như tiến hành rà soát để thực hiện đúng các thông tư và quy định hướng dẫn của Bộ trong việc bảo đảm thời gian, nội dung chương trình giảng dạy.
Tăng cường trang bị những kỹ năng mềm cho học sinh ngay khi quay trở lại trường
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) về giải pháp trang bị các kỹ năng mềm cho học sinh trong bối cảnh phải chuyển sang học trực tuyến do dịch Covid-19, Bộ trưởng cho biết, trong giáo dục phổ thông, đặc biệt là các chương trình theo chương trình phổ thông 2018 thì các yêu cầu về năng lực và kỹ năng là yêu cầu rất quan trọng.
“Mục tiêu trong đổi mới của chúng ta là cần tăng cường các phương diện này. Đúng là dạy học trực tuyến trong thời gian vừa qua cũng rất tác động, rất ảnh hưởng đến việc trang bị các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng chỉ được hình thành thông qua tương tác trực tiếp và trực quan thực hành”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng thừa nhận đây là một điểm mà dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay thế được cho dạy học trực tiếp. Cho nên nếu như học sinh quay trở lại được trường học thì một trong những việc cần tăng cường, cần củng cố, ngoài các kiến thức đã được rút gọn, đã được trang bị là đặc biệt tăng cường trang bị các kỹ năng sống, kỹ năng mềm.
“Đó chính là một trong các nội dung quan trọng cần phải hỗ trợ khi học sinh được quay trở lại trường”, ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, việc này đương nhiên là cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc trang bị các kỹ năng, và một phần phụ thuộc vào trách nhiệm của cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh.
“Bộ cũng đang tiến hành ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp với tình hình dạy trực tuyến kéo dài”, ông Sơn cho hay.
Tiến tới chấm dứt, ngăn chặn dạy theo văn mẫu
Trả lời đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) về vấn đề không dùng văn soạn mẫu trong việc dạy và học môn ngữ văn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đây là vấn đề rất chuyên môn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và vấn đề bảo đảm chất lượng trong dạy và học.
Ông Sơn khẳng định, ngữ văn là một môn học có tầm quan trọng trong việc bồi đắp tình cảm, các năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người, trong định hướng giáo dục của nước ta. Cũng như ở bậc tiểu học thì môn tiếng Việt có vai trò hết sức quan trọng.
“Tăng cường năng lực ngoại ngữ là vô cùng quan trọng, nhưng trước hết, các thế hệ học sinh của chúng ta phải giỏi tiếng Việt trước đã”, ông Sơn nêu quan điểm.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua trong chỉ đạo công việc có nêu việc cần phải chấm dứt, ngăn chặn việc dạy theo văn mẫu: “Dạy theo văn mẫu nghĩa là giáo viên đọc cho học sinh chép những bài văn mẫu do giáo viên soạn sẵn, rồi cho học sinh học thuộc, điều đó rất tai hại cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo những cảm xúc và những tình cảm chân thực, chân thành của học sinh”.
Theo đó, ông Sơn cho biết ngành giáo dục sẽ có một loạt các biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn và kỳ vọng sẽ lan tỏa trong thời gian sắp tới. Cùng với đó là các công tác về kiểm tra, đánh giá, việc tổ chức dạy và học, việc biên soạn học liệu cũng phải được triển khai. Bên cạnh đó, theo ông Sơn, việc chấm dứt dạy theo văn mẫu cũng là một nhân tố chuyên môn để hạn chế việc dạy thêm, học thêm.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()