Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:22 (GMT +7)
Hội nghị kết nối sản xuất, cung ứng với tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn
Thứ 3, 01/11/2022 | 15:07:12 [GMT +7] A A
Sáng 1/11, tại TP Hạ Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất, cung ứng với tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022; triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 với sự tham gia của đông đảo đại diện các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn.
Quảng Ninh là tỉnh có thế mạnh và tiềm năng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2022, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, trong đó 16/17 vùng tăng quy mô diện tích so với kế hoạch. Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có gần 1.065ha diện tích vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; trên 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; 419 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp; 189 đơn vị sản xuất tham gia chương trình OCOP với 499 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 đến 5 sao.
Đặc biệt, năm 2022, trên cơ sở UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hướng dẫn các địa phương nhân rộng, mở rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đảm bảo tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, số điểm bán nhằm tăng thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, đã cấp 16 giấy chứng nhận chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 59 loại sản phẩm thực phẩm nông nghiệp.
Một số mô hình liên kết chuỗi điển hình: Mô hình HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (TX Đông Triều) sản xuất và tiêu thụ củ khoai tây Atlantic sang Công ty ORION Hàn Quốc với sản lượng 1.200 tấn/năm, doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng; Chuỗi liên kết hàu và các sản phẩm từ hàu hiện có 6 chuỗi sản xuất, thu mua và chế biến hàu với diện tích nuôi trên 445ha...
Mạng lưới các cửa hàng và điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các địa phương trong tỉnh được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Các điểm bán hàng OCOP đã quảng bá giới thiệu và tiêu thụ lượng lớn hàng hóa cho người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Hằng năm, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm an toàn được ngành và cộng đồng các doanh nghiệp triển khai đồng bộ, hiệu quả bằng nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực, với quy mô khác nhau nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương được quảng bá rộng rãi đến thị trường ngoài tỉnh và khách quốc tế. Đến nay, đã có trên 40 cơ sở với trên 60 mã sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn công nghiệp…
Hội nghị là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; tìm giải pháp khắc phục trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và cung ứng hàng hóa ra thị trường. Đồng thời là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường, kết nối với bạn hàng tin cậy, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Trên cơ sở những ý kiến tham gia, đóng góp của các đại biểu, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Quảng Ninh tiếp tục quan tâm rà soát, cơ cấu lại vùng sản xuất tập trung, đa dạng hóa các sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trên các phương tiện thông tin, sàn thương mại điện tử; phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm nông sản thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo ATTP…
Trên cơ sở tìm hiểu, tại hội nghị, 5 cặp đại diện cơ sở sản xuất và đơn vị tiêu thụ đã thực hiện ký biên bản ghi nhớ, cam kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đây sẽ là dịp mở ra cơ hội để ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh và bền vững.
Mai Hương
Liên kết website
Ý kiến ()