Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:22 (GMT +7)
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa tỉnh Quảng Ninh và Bình Thuận
Thứ 2, 31/10/2022 | 17:23:41 [GMT +7] A A
Ngày 31/10, tại TP Hạ Long, đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận do đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển KT-XH. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Quảng Ninh và Bình Thuận có nhiều điểm tương đồng từ diện tích, dân số, chiều dài đường bao biển... Do vậy, hai địa phương chắc chắn sẽ có nhiều định hướng, cơ hội, mục tiêu phát triển giống nhau, kinh nghiệm chia sẻ sẽ bổ trợ, hoàn thiện cho nhau để cùng phát triển. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hai tỉnh Quảng Ninh, Bình Thuận cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, cùng đóng góp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.
Thông tin đến đoàn công tác tỉnh Bình thuận, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã nêu bật thuận lợi, khó khăn, thách thức của Quảng Ninh trong quá trình xây dựng và phát triển. Cụ thể, Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh cũng phải đối diện với không ít thách thức như: Nhu cầu giải phóng các nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với sự trói buộc của thể chế cơ chế, chính sách hạn hẹp; giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng xung đột với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn...
Nhận diện được những cơ hội, thách thức, Quảng Ninh đã xác định triết lý phát triển đó là: Tích cực chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; bảo đảm phát triển bền vững dựa vào lợi thế khác biệt về dịch vụ, du lịch, văn hóa, công nghiệp giải trí và công nghiệp sáng tạo.
Quan điểm phát triển là dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng...
Quảng Ninh đã bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, xây dựng và triển khai các mô hình mới, cách làm mới; phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, kế thừa, đoàn kết, đổi mới và phát triển; sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển KT-XH. Từ đó, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong phát triển KT-XH.
Cụ thể, kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, bình quân 5 năm 2011-2015 là 9,2%, giai đoạn 2016-2020 đạt 10,7%, đều cao hơn so với bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương; kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách được tăng cường; bảo đảm cân đối vững chắc thu, chi ngân sách địa phương. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước...
Tại buổi làm việc, trên cơ sở cởi mở, thẳng thắn nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm khắc phục, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Bình Thuận đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể hóa phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; huy động nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại như đầu tư sân bay, làm đường cao tốc; công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư; cải cách hành chính và phát triển du lịch; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải bài toán mẫu thuẫn giữa các mỏ titan và phát triển du lịch…
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, cùng các đồng chí trong đoàn công tác đã bày tỏ ấn tượng đối với thành tựu mà Quảng Ninh đã đạt được thời gian qua. Đặc biệt là tư duy mạnh dạn, đổi mới, đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên đã đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.
Đồng chí cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, kế hoạch, định hướng phát triển KT-XH của Bình Thuận. Trong đó, xác định trọng tâm, thế mạnh của Bình Thuận là công nghiệp năng lượng. Vì thế, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển năng lượng điện gió khu vực ngoài biển; thu hút đầu tư du lịch khu vực đường bao biển, công nghiệp chế biến chế tạo...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: Những kinh nghiệm Quảng Ninh chia sẻ là tài liệu quý báu, được chứng minh thực tiễn trong quá trình hình thành và phát triển, đã được Trung ương và cả nước biết đến, đánh giá cao. Đồng chí mong muốn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bình Thuận sẽ lập các kênh kết nối, tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ bài học, kinh nghiệm trong phát triển KT-XH để cùng gắn kết, phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của đất nước.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()