Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 15:31 (GMT +7)
Hội nghị trực tuyến Chính phủ đánh giá công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Chủ nhật, 08/09/2024 | 12:19:20 [GMT +7] A A
Ngày 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 26 địa phương khu vực miền Bắc. Dự tại đầu cầu Quảng Ninh có đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố), dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn. Để ứng phó, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành 3 công điện khẩn để chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
Các lực lượng, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành khối lượng công việc trước khi bão đổ bộ. Cụ thể, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 23.581 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.743 người, Ninh Bình: 2.685 người); huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện các loại để ứng phó với bão, phân công lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu.
Tuy nhiên do là cơn bão mạnh, sức tàn phá lớn vì thế đã gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho các khu vực bão đi qua. Cụ thể, bước đầu xác định đã có 5 người chết; 186 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 400 cột điện bị gãy đổ, nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái…
Báo cáo tình hình bão tại Quảng Ninh, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là cơn bão lớn nhất trong nhiều năm qua xảy ra trên địa bàn tỉnh, có cường độ tăng nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài. Theo thống kê ban đầu, Quảng Ninh có 3 người chết, 157 người bị thương. Đặc biệt trong đó nhiều phương tiện là tàu, thuyền đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bị trôi dạt. Ngay trong đêm, các lực lượng thường trực tại tỉnh đã gấp rút tổ chức tìm kiếm trên quy mô lớn, cứu được 46 người, công tác rà soát, tìm kiếm vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Về tài sản, sơ bộ tại các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; 70% cây xanh tại các đô thị của 4 địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên) bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hầu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng. Cùng với đó, nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; hệ thống thông tin, liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được; mất điện trên diện rộng, rất khó khăn trong chỉ đạo và nắm bắt thông tin.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục hỗ trợ Quảng Ninh trong công tác khắc phục thiệt hại từ cơn bão; bố trí máy bay trực thăng để rà soát tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long; sớm thực hiện nâng cấp đê Hà Nam hiện đang xuống cấp để đảm bảo an toàn cho hơn 60.000 hộ dân trên 8 xã của TX Quảng Yên. Đồng thời, sớm ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn đối với các công trình trên biển, trên đất liền có thể chịu đựng được cấp bão cao như cơn bão số 3, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT đề nghị Chính phủ sớm thành lập Ban chỉ đạo khắc phục bão để hỗ trợ các địa phương và bà con nhân dân sớm vượt qua hậu quả do bão số 3 gây ra; ần sớm ban hành bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn hạ tầng đô thị đảm bảo sẵn sàng ứng phó với những cơn bão cấp lớn, siêu bão; có biện pháp hỗ trợ ngay các địa phương vận hành lại điện lưới và thông tin liên lạc để nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đến các gia đình có sự mất mát, thiệt hại từ cơn bão; biểu dương các đơn vị, địa phương, các lực lượng đã tập trung, triển khai công tác phòng chống hiệu quả; biểu dương nhân dân, đã chấp hành sự hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão.
Đánh giá về cơn bão, Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơn bão lớn, cường độ mạnh, nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài trên diện rộng. Tuy nhiên công tác dự báo, ứng trực, chỉ đạo, truyền thông về cơn bão cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Giai đoạn mục tiêu hiện nay, cần tập trung cho công tác tìm kiếm, cứu hộ, quan tâm đến các gia đình nạn nhân.
Quan điểm không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh thiếu nơi khám chữa. Do vậy, trước mắt cần khắc phục về điện, viễn thông, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sử dụng ngay nguồn lực dự trữ, dự phòng theo quy định chung từ trung ương và địa phương để sử dụng vào mục đích cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho nhân dân.
Đặc biệt, đồng chí cũng chỉ đạo hỗ trợ ngay tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng mỗi địa phương 100 tỷ đồng để tạm thời triển khai công tác khắc phục; kêu gọi người dân, doanh nghiệp không bị thiệt hại hỗ trợ người dân bị thiệt hại trên tinh thần tương thân, tương ái; tập trung thống kê thiệt hai, có các giải pháp cụ thể, khách quan; tập trung đối phó với hoàn lưu sau bão.
Chính quyền các cấp, các ngành dành ưu tiên cho công tác khắc phục hậu quả sau bão, thực hiện nghiêm quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, đặc biệt trong việc hướng dẫn, căn cứ vào những điểm mới, điều chỉnh; tiếp tục ứng trực, khắc phục hậu quả sau bão, chú ý là mưa lũ, sạt lở đang diễn ra phức tạp; duy trì, tăng cường công tác dự báo, truyền thông, chú ý bổ sung công tác hướng dẫn kỹ năng, phương pháp phòng chống; yêu cầu triển khai ngay các tổ công tác để trực tiếp đến địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục theo phương án nhanh chóng, hiệu quả.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số bài học sau cơn bão số 3, đó là: phải bám sát, kiên quyết, quyết tâm, quyết liệt, hiệu quả; chấp hành nghiêm các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động, tích cực, sáng tạo; đảm bảo công tác huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ trong các tình huống đối phó với thiên tai, địch họa; làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong, sau cơn bão…
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()