Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:22 (GMT +7)
Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Thứ 6, 17/11/2023 | 12:44:44 [GMT +7] A A
Sáng nay, 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Dự họp trực tuyến tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Tại hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để nghe và đánh giá lại kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023. Theo đó, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2023 đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch. Lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn các chương trình bắt đầu triển khai thực hiện; qua đó, thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ để tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện các Chương trình. Hoạt động “giám sát lại” được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc xem xét báo cáo được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể.
Bên cạnh đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã chủ động cải tiến, đổi mới, triển khai hoạt động giám sát của mình nhằm thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với các hình thức giám sát đa dạng, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát, khảo sát chuyên đề với hoạt động giải trình. Các Đoàn ĐBQH đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát theo quy định. Các vị ĐBQH tích cực tham gia hoạt động giám sát, chủ động chất vấn tại các phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm, phản ánh được tình hình thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Đối với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2023 đã triển khai 4 cuộc giám sát theo Chương trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao liên quan đến huy động, quản lý sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo… Qua giám sát đã kiến nghị những vấn đề bất cập trong quy định của chính sách, pháp luật và những giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc với các cấp có thẩm quyền ở Trung ương và tỉnh.
Theo kế hoạch chương trình giám sát năm 2024, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xẫ hội về một số dự án quan trọng quốc gia; quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề liên quan đến đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn ĐBQH cũng sẽ triển khai các chương trình giám sát theo quy định. Ngoài ra, hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tập trung vào tổ chức các phiên chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri…
Để triển khai hiệu quả các chương trình giám sát, hội nghị đã nghe nhiều ý kiến của các đại biểu kiến nghị về những giải pháp liên quan, như: công tác tổ chức triển khai; chuẩn bị đề cương, báo cáo; hoạt động phối hợp giữa các Đoàn ĐBQH, bộ, ngành, địa phương với đơn vị được giám sát; ứng dụng CNTT trong giám sát; theo dõi kết quả sau giám sát… Liên quan đến nội dung này, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải quy định cụ thể về hoạt động giám sát tránh để chồng chéo, có khoảng thời gian đủ để các Đoàn ĐBQH địa phương có thời gian giám sát đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về báo cáo, kết luận giám sát của các Đoàn ĐBQH đảm bảo thống nhất; tăng cường tuyên truyền về hoạt động giám sát của Quốc hội và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc phối hợp cung cấp tài liệu, hồ sơ phục vụ giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ trong hoạt động giám sát.
Ngoài các giải pháp được thảo luận tại hội nghị, kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh trong năm 2024 cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát; chú trọng hoạt động thẩm tra báo cáo từ xa, từ sớm; theo dõi sát sao thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Các Đoàn giám sát chuyên đề cần tập trung vào giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống và thực hiện nghiêm. Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()