Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:11 (GMT +7)
Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hóa không chỉ để tự hào, phải biến thành sức mạnh mềm của đất nước
Thứ 4, 24/11/2021 | 15:28:46 [GMT +7] A A
Nhận diện những tồn tại, yếu kém của văn hóa để đề xuất giải pháp biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, đó là mục tiêu quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra sáng 24/11. Đại biểu các bộ, ngành, văn nghệ sỹ, nhà văn hóa đã cùng hiến kế để xây dựng, phát triển văn hóa.
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng: Chọn lọc điều tinh tế, tốt đẹp
Trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa…
Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn. Cơ chế chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú, giàu có của Việt Nam thành sự đa dạng, giàu bản sắc và có khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ.
Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình về phát triển văn hóa mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, trong thời gian tới đây, Bộ VH-TT&DL xin được kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành nỗ lực, tập trung thực hiện các nội dung như sau:
Một là, tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020.
Hai là, xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án Luật, Nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa.
Ba là, định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Khi nhiệm vụ xây dựng văn hoá trở thành thường trực, nền tảng văn hoá được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa; “hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại” đó chính là biểu hiện thuyết phục nhất sức mạnh nội sinh của văn hóa.
Bốn là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Năm là, phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Sáu là, quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang: Tâm lý bình quân, cào bằng cản trở phát triển
Di tồn văn hóa dưới dạng tập quán của sản xuất nông nghiệp, một loại hình tương đối tự do, còn được biểu hiện ở tác phong tùy tiện, kỷ luật không chặt chẽ... Cho đến nay dù đã thay đổi rất nhiều nhưng ảnh hưởng của lối sống nông nghiệp còn đậm nét trong mọi mặt của đời sống xã hội. Văn hóa cộng đồng làng xã còn là mảnh đất màu mỡ dung dưỡng tâm lý bình quân chủ nghĩa và một số hạn chế cố hữu khác.
...Trước hết, trở ngại chính là những thói quen, tập tính của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong đó một điểm rất lớn, gây hậu quả tai hại là rất ngại nói tới tầm nhìn xa, tâm lý ăn xổi. Ngoài ra, một trong những di tồn văn hóa khác có hại cho sự phát triển là tâm lý "bình quân cào bằng". Trong lịch sử, sự bình đẳng đôi khi tạo ra một không khí hòa thuận nhưng quan niệm "dàn hàng ngang mà tiến", "xấu đều hơn tốt lỏi" đôi khi chính là sự cản trở cho phát triển.
...Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc.
...Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển, đưa đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ như tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh.
Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế...
Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời và rực rỡ, có truyền thống dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng, gắn với nó là vô vàn những di tích quý giá. Tuy nhiên đến nay những di sản đó chưa được khai thác hiệu quả.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Nhiều đơn vị nghệ thuật rất vất vả, tồn tại chênh vênh
Chúng tôi nhận rõ hiện nay, đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, dày dặn vốn sống, giỏi nghề, vẫn hết sức thiếu vắng.. và đang bị đứt gẫy về sự kế tục.
Để hoạt động sân khấu vượt qua khó khăn, thách thức, chúng tôi xin đề xuất mấy vấn đề cần thiết. Về chế độ, chính sách: Những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật đang tồn tại rất vất vả và chênh vênh. Chính sách tiền lương dù đã “cải cách”,vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến.
Vì vậy, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đảm bảo đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác.
Ngoài ra còn cần đầu tư nguồn nhân lực, đầu tư đào tạo khán giả, đầu tư “Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật : Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho “Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật ”; đầu tư mạnh mẽ cho tác phẩm về đề tài hiện đại: Vì sự thôi thúc khẩn thiết của đòi hỏi xã hội, nên sân khấu phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại nhằm tổ chức đối thoại với người xem, bằng những vở diễn phản ánh sâu sắc, sinh động vấn đề đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là đề tài chính luận về thế sự, mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng của Đảng.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()