Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 07/01/2025 23:41 (GMT +7)
Hội thảo bảo tồn, phát huy bền vững giá trị Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Thứ 2, 03/11/2014 | 05:11:38 [GMT +7] A A
LTS: Hội thảo quốc tế “Bảo tồn, phát huy bền vững Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long” là một nội dung trong chương trình Kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, do tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Báo Quảng Ninh xin trích đăng một số tham luận tại hội thảo.
Du khách quốc tế trải nghiệm tham quan Vịnh Hạ Long bằng thuyền nan. Ảnh: Đại Dương |
Quản lý một tương lai bền vững cho khu Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long
KATHERINE MULLER-MARIN, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam
...Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long (VHL) không chỉ biểu trưng cho sự thành công của việc bảo tồn và phát huy di sản thiên nhiên và văn hoá ở Việt Nam và trên thế giới, mà còn là một ví dụ hoàn hảo của hệ đa dạng sinh học độc đáo và quý báu được gìn giữ ở Việt Nam.
Ban Quản lý VHL và tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc ứng phó với những thách thức được tạo nên bởi cảnh quan thiên nhiên và phát triển không ngừng thay đổi ở Việt Nam. Trong quá trình bảo vệ thắng cảnh này giữa bối cảnh phát triển đô thị và công nghiệp gia tăng, duy trì quản lý du lịch bền vững, giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy một mối quan hệ lành mạnh giữa các cộng đồng địa phương và môi trường tự nhiên xung quanh, các cơ quan quản lý đã có những bước tiến đáng kể để tiếp tục bảo tồn VHL.
Những thành công này không chỉ minh chứng cho những thành tựu của các nhà quản lý VHL và Việt Nam nói chung, mà còn cho ta những cách thức thực hành tốt nhất cùng những bài học kinh nghiệm có thể được chia sẻ với các khu di sản khác trên toàn quốc và trong cộng đồng quốc tế.
Đánh giá mới đây của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã tuyên dương tỉnh Quảng Ninh và các nhà quản lý khu di sản này về các biện pháp quản lý và bảo tồn tích cực trong khi xác định những khu vực cần quan tâm và thực hiện hơn nữa.
Tiếp tục đánh giá và giải quyết các tác động của phát triển đô thị và công nghiệp, ô nhiễm môi trường, tăng trưởng dân số và của việc phát triển du lịch là những bước cần thiết nhằm đảm bảo nỗ lực dài hạn bảo tồn VHL và hạn chế rủi ro đối với khu di sản này.
Một quyết định được đưa ra trong Kỳ họp thứ 38 của Uỷ ban Di sản Thế giới phản ánh những ý kiến này, hoan nghênh tiến bộ đáng hài lòng đã đạt được trong việc tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho những thách thức đặt ra cho khu di sản này và đánh giá cao sự lãnh đạo cùng nỗ lực của tất cả các bên tham gia. Đồng thời, Ủy ban xác định các vấn đề quan trọng tạo ra cơ hội cho những nỗ lực bảo tồn được tiếp tục tăng cường.
Uỷ ban khuyến khích tăng cường năng lực quản lý của Ban Quản lý VHL để cho đơn vị có một mức độ tự chủ, thẩm quyền và quyền quyết định lớn hơn, nhằm quản lý một cách hiệu quả và thực thi các nỗ lực bảo tồn Vịnh. Quyết định của Uỷ ban cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục giảm sức ép về khách du lịch xuống một mức độ tương thích với các nỗ lực bảo tồn lâu dài cũng như việc tăng nguồn lực mà Ban Quản lý và cộng đồng địa phương nhận được từ doanh thu có được từ các du khách này.
Tôi khuyến khích tất cả các bên hữu quan cùng làm việc với nhau để đạt những mục tiêu này và xin đảm bảo với quý vị và các bạn là UNESCO sẽ tiếp tục ủng hộ việc xây dựng tương lai bền vững này cùng quý vị và các bạn.
Sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương là điều thiết yếu. Khu vực tư nhân phải có một vai trò tích cực và có trách nhiệm, phải đóng góp với nhận thức rằng cách duy nhất để có sự liên tục trong phát triển là thông qua đầu tư dài hạn và đảm bảo rằng những thứ mà khách du lịch gần xa đến để chiêm ngưỡng, sẽ hiện hữu ở đó để họ thưởng ngoạn ngày hôm nay cũng như mai sau…
Xây dựng và định vị Hạ Long trở thành thương hiệu du lịch quốc gia
Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam
…Để xây dựng thương hiệu du lịch mang tầm vóc, có khả năng định vị hiệu quả, du lịch Việt Nam phải có những bước đi chắc chắn trong việc quản lý và phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch. Thương hiệu du lịch quốc gia phải giới thiệu được những giá trị nổi bật nhất, được đón nhận nhiều nhất từ thị trường. Định vị Hạ Long là thương hiệu du lịch quốc gia, đại diện cho du lịch Việt Nam để tập trung phát triển trong thời gian này là giải pháp quan trọng, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.
Bối cảnh và trình độ phát triển hiện nay của du lịch Việt Nam đang là thời điểm thuận lợi và cần thiết để phát triển và định vị thương hiệu. Chúng ta đã xúc tiến hình ảnh trong một thời gian dài và được ghi nhận từng bước. Trong đó, Hạ Long là một trong những cái tên được ghi nhớ nhất và mong muốn nhất trong thị trường.
Hạ Long có cơ sở để phát triển thành thương hiệu du lịch quốc gia với những lý do: Có giá trị và sức hấp dẫn lớn về tài nguyên du lịch; là điểm đến được nhận biết tốt nhất trong thị trường du lịch Việt Nam; là địa bàn có nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư và phát triển du lịch thành công; hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, với thị trường đa dạng và thường xuyên; các yếu tố và xu hướng phát triển du lịch của Hạ Long phù hợp với quan điểm và các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Nếu được tập trung phát triển thương hiệu sẽ có thể phát huy được hiệu ứng của quá trình truyền thông và lan toả thông tin, hình ảnh của VHL cho phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.
Để định vị Hạ Long trở thành thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam cần các giải pháp sau:
- Về quản lý và phát triển sản phẩm du lịch
Hạ Long phải là điểm đến mẫu mực về chất lượng sản phẩm du lịch. Để đạt được như vậy cần tổ chức quản lý chặt chẽ, điều tiết hoạt động du lịch hiệu quả, cung cấp đầy đủ thông tin du khách. Cụ thể: Tăng cường các biện pháp và các cơ chế về quản lý tàu thuyền, VSATTP, môi trường, an toàn ANTT, sự minh bạch và tin cậy về dịch vụ; điều tiết để tránh sự khai thác xô bồ, thương mại hoá và đại trà hoá; đào tạo lực lượng thuyết minh viên cho các hãng tàu/chủ tàu; tăng cường khả năng trải nghiệm các giá trị thương hiệu qua các sản phẩm du lịch…
- Về quản trị và truyền thông thương hiệu
Đây là một nội dung rất mới trong thực tiễn của du lịch Việt Nam. Trong thời gian tới cần coi đây là một trong những nhiệm vụ và chức năng trong quản lý phát triển du lịch. Cần có bộ máy để thực thi quản trị thương hiệu mà vai trò chính là của Sở VH,TT&DL Quảng Ninh và Ban Quản lý VHL, Trung tâm Xúc tiến du lịch. Và quan trọng nhất là chủ trương, sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong việc đồng thuận và ủng hộ phát triển thương hiệu du lịch.
Để hỗ trợ phát triển thương hiệu du lịch Hạ Long như thương hiệu du lịch quốc gia thì từ T.Ư đến địa phương phải có sự thống nhất về truyền thông thương hiệu du lịch Hạ Long. Các hoạt động xúc tiến, truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam sẽ thường xuyên tận dụng hình ảnh du lịch Hạ Long. Truyền thông thương hiệu về Hạ Long phải được thực hiện bài bản, nằm trong một kế hoạch xuyên suốt. Việc truyền thông thương hiệu phải được tiến hành đồng bộ, từ nội bộ ngành Du lịch, các ngành liên quan đến cộng đồng và ra đến thị trường trong và ngoài nước.
Việc định vị Hạ Long là thương hiệu du lịch quốc gia có nhiều thuận lợi và có thể tạo ra sự bứt phá trong thời gian tới cho Hạ Long nói riêng và cho du lịch Việt Nam nói chung. Trên hành trình này, Tổng cục Du lịch sẽ là cơ quan đồng hành, hỗ trợ một cách tích cực, có trách nhiệm đối với tỉnh Quảng Ninh.
Việc bảo vệ, quản lý phải có một cách tiếp cận toàn diện (*)
PAUL R. DINGWALL, Chuyên gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)
…VHL là hình mẫu nổi bật nhất thế giới về địa hình karstơ dạng tháp bị biển xâm thực và là một trong những di sản thiên nhiên nổi bật nhất trong mạng lưới di sản thế giới toàn cầu. Những sự phát triển, đặc biệt từ bên ngoài khu di sản, đe doạ đến công tác bảo vệ các giá trị nổi bật về cảnh quan và địa chất của VHL phần lớn đã được khắc phục.
Tuy nhiên, việc bảo vệ và quản lý VHL không thể chỉ tập trung vào các giá trị địa chất, nó phải có một cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ toàn bộ cảnh biển - cảnh quan và chất lượng thẩm mỹ cũng như môi trường đất liền và biển. Mục tiêu cuối cùng của quản lý là giữ gìn di sản và các giá trị ngoại hạng toàn cầu của nó trong trạng thái tự nhiên, tối thiểu hoá các tác động hoặc sự huỷ hoại của con người. Tính toàn vẹn của các giá trị ngoại hạng toàn cầu của VHL đã chịu các mối đe doạ từ các sự phát triển công nghiệp bên ngoài di sản và từ các sức ép của con người sống trong lòng di sản.
Các mối đe doạ bên ngoài phần lớn đã được khắc phục thông qua cải thiện quản lý môi trường và xây dựng một mối quan hệ làm việc hiệu quả giữa các cơ quan phát triển và Ban Quản lý VHL. Các sức ép có hại tiềm ẩn xác định bên trong khu vực di sản là các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản không bền vững, tăng trưởng nhanh về số lượng cư dân làng nổi, và lượng du khách ngày càng tăng khoảng 3 triệu mỗi năm. Các tác động này đã được giảm đáng kể thông qua việc lập kế hoạch, quy định và giáo dục tốt hơn; các biện pháp giảm thiểu các tác động từ các cư dân của làng nổi. Như vậy, rõ ràng, mối đe doạ lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến di sản là từ ngành du lịch đang rất phát triển.
Du lịch đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì các di sản và được khuyến khích phát triển tại các khu di sản thế giới. Tuy nhiên, nó cũng có thể có các tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nơi có tình trạng quá tải, sự phát triển quá đà.
Ở VHL, nơi đón khoảng 3 triệu khách du lịch hàng năm, các vấn đề đã được xác định liên quan đến tình trạng quá tải của một số các điểm du lịch phổ biến, việc đầu tư cơ sở vật chất quá mức và phát triển các khu nghỉ dưỡng không phù hợp, các tác động về môi trường và tắc nghẽn giao thông trên biển dẫn đến các vấn đề về an toàn. Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện một nỗ lực chung để cải thiện công tác quản lý du lịch trong khu di sản và giảm thiểu các tác động. Những sự cải thiện này đáng được biểu dương, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là liên quan đến việc quản lý các điểm du lịch. Có thể học theo những bài học kinh nghiệm của các khu di sản thiên nhiên thế giới khác trong khu vực, như Danxia (Trung Quốc), Jeju (Hàn Quốc) và Tràng An (Ninh Bình, Việt Nam).
Một số khía cạnh của quản trị và quản lý du lịch ở VHL cần được xem xét nhiều hơn, bao gồm cả sự gia tăng thu nhập từ việc bán vé vào các điểm tham quan hoặc tham gia các hoạt động, đặc biệt là từ khách du lịch nước ngoài, việc thành lập thêm các nhượng quyền thương mại, và yêu cầu các nhà điều hành du lịch đóng góp nhiều hơn để tài trợ cho các chi phí quản lý di sản. Ngoài ra, việc thu được nhiều hơn từ doanh thu du lịch có thể được sử dụng trực tiếp để nâng cao năng lực và khả năng của Ban Quản lý VHL trong việc quản lý các hoạt động du lịch. Việc sử dụng quan hệ đối tác công - tư nhiều hơn, như đã tiến hành tại nhiều di sản thế giới trong khu vực, có thể tài trợ cho các hoạt động quản lý và thúc đẩy bảo vệ di sản…
Khai thác dịch vụ du lịch tại khu di sản thế giới ở Việt Nam - Nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn ở Cố đô Huế
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
…Trước hết cần định rõ những yếu tố cơ bản tác động có hiệu quả trong việc bảo vệ di sản, đảm bảo duy trì được tính đặc sắc cho tài nguyên du lịch: Các văn bản pháp lý của quốc gia và quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá nói chung và di tích lịch sử văn hoá nói riêng; các thiết chế văn hoá là cơ quan thường trực được giao quyền quản lý tài sản văn hoá, nhằm phát huy, tái sử dụng di tích một cách phù hợp và tuân thủ Luật Di sản sau khi được bảo tồn tu bổ và tôn tạo di tích; các tổ chức quần chúng và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng trong việc bảo tồn phát huy di sản.
Ba yếu tố cơ bản trên đây đều rất cần thiết và quan trọng, tác động một cách đồng bộ tới các di sản văn hoá nhằm mục đích bảo vệ cho di sản tồn tại lâu dài để khai thác dịch vụ phục vụ xã hội.
Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, sự đóng góp của dịch vụ du lịch, trách nhiệm của người dân đối với việc phát triển dịch vụ du lịch; đi đôi với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ du lịch để tránh tình trạng lộn xộn, tăng giá dịch vụ, “chặt chém” khách du lịch.
Tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, tập trung giới thiệu rộng rãi các di tích dưới góc độ tài nguyên du lịch văn hoá cho du khách trong và ngoài nước thông qua ấn phẩm quảng cáo, tờ gấp, sách hướng dẫn, mạng internet, các cuộc hội chợ, triển lãm...
Đẩy mạnh công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đang khai thác phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích, nhằm giảm thiểu mọi phiền hà không đáng có cho khách du lịch, đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ trong sự quản lý của ngành Du lịch.
Hình thành chiến lược sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Cố đô Huế; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hoá. Nghiên cứu kỹ thị trường du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng loại thị trường để khai thác tài nguyên du lịch của Cố đô… Để nâng cao lợi ích kinh tế của việc khai thác các di tích, cần phải phát huy cao nhất những tiềm năng, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thường xuyên trùng tu, sửa chữa để kéo dài thời gian sử dụng di tích và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các di tích.
Việc khai thác các dịch vụ du lịch ở di tích phải làm nổi bật được những giá trị đặc sắc của di tích, đó chính là việc tạo ra sức thu hút đối với khách tham quan, khách du lịch và cũng là linh hồn của hoạt động dịch vụ du lịch. Các di tích đặc sắc, độc đáo mới có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để di tích có giá trị đặc sắc, cần phải cố gắng hết sức duy trì diện mạo nguyên thuỷ của nó, tránh sửa chữa một cách quá mức hoặc phá cũ xây mới hoàn toàn.
Trong quá trình xây dựng dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cần quan tâm có định hướng phát huy giá trị di tích lâu dài với các phương án phục hồi một hay toàn phần chức năng nguyên thuỷ; hoặc tạo không gian trưng bày triển lãm mới liên quan đến lịch sử công trình, kết hợp các dịch vụ văn hoá kèm theo, nhằm phát huy hết giá trị văn hoá lịch sử và công năng của công trình di tích và tạo điểm nhấn tham quan thu hút du khách…
Thiết lập và gắn kết hai chiến lược bảo tồn và phát triển du lịch - văn hoá trong Khu di sản Vịnh Hạ Long
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Di sản văn hoá Việt Nam
…Vịnh Hạ Long (VHL) với tư cách là khu di sản thiên nhiên thế giới đặt ra cho chúng ta những thách thức vô cùng to lớn trong hoạt động bảo tồn cũng như quản lý, mà nguy cơ lớn nhất là thách thức về khả năng ô nhiễm môi trường thiên nhiên - một bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người nói chung và VHL nói riêng.
Trường hợp khu di sản VHL có 4 đối tượng cần được bảo tồn nguyên vẹn và chuyển giao cho các thế hệ tương lai là: Bảo vệ môi trường nước, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá trên vùng Vịnh v.v.. Vậy mô hình quản lý như thế nào cho phù hợp (quản lý nhà nước, quản lý công - tư, uỷ thác từng khâu khai thác cho các đơn vị tư nhân…?) là câu hỏi lớn đặt ra, cần có lời giải đáp hiện nay.
Trong chiến lược bảo tồn VHL gắn với phát triển du lịch văn hoá, chúng ta nhất thiết phải tuân thủ triệt để 6 nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong Hiến chương quốc tế về du lịch văn hoá:
Một là, du lịch nội địa và quốc tế là một trong những phương tiện trao đổi văn hoá hàng đầu cho nên các hoạt động bảo tồn cần tạo ra những cơ hội cùng chịu trách nhiệm và tham gia quản lý cho các thành viên cộng đồng địa phương và du khách để họ trực tiếp trải nghiệm và thấu hiểu các di sản và nền văn hoá của cộng đồng đó.
Hai là, quan hệ giữa các khu di sản và du lịch có tính chất linh hoạt và có thể bao gồm những giá trị trái ngược nhau như: Kinh tế và văn hoá, tinh thần và vật chất. Mối quan hệ đó cần được quản lý một cách bền vững cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Ba là, kế hoạch bảo tồn và du lịch cho các khu di sản cần đảm bảo rằng các trải nghiệm của du khách là đáng giá, thoả mãn và thú vị.
Bốn là, các cộng đồng địa phương và người bản địa cần được tham gia vào việc hoạch định chính sách và kế hoạch bảo tồn gắn với phát triển du lịch.
Năm là, các hoạt động bảo tồn và du lịch cần mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Sáu là, các chương trình quảng bá du lịch phải góp phần bảo vệ và làm nổi bật đặc điểm của di sản văn hoá và thiên nhiên.
Vấn đề quan trọng là thông qua các giải pháp và mô hình quản lý thích hợp để có thể giảm thiểu những xung đột trong quá trình quản lý khu di sản VHL có thể xảy ra giữa các nhóm cộng đồng/nhóm lợi ích: Nhóm quản lý/hoạch định chính sách - nhóm các nhà nghiên cứu khoa học - nhóm các doanh nghiệp - nhóm cộng đồng cư dân địa phương - nhóm du khách trong nước và quốc tế.
Các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị khu di sản cần trở thành hạt nhân củng cố, liên kết cộng đồng theo hướng: Cùng chung mục đích; cùng chung ý chí và động cơ hành động; cùng tự giác tham gia hoạt động; cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích.
Mô hình quản lý muốn đạt được hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và văn hoá, nhất thiết phải tạo ra được những điều kiện cần và đủ để phát huy ý thức cộng đồng, tính tự giác, tự quản của cộng đồng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá nói chung, bảo vệ và phát huy giá trị khu di sản VHL nói riêng. Có thể coi đây là nguyên tắc bất biến để lựa chọn mô hình quản lý khu di sản VHL trong tương lai.
(*) Đầu đề của Toà soạn
Liên kết website
Ý kiến ()