Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:31 (GMT +7)
Hội thảo giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa
Thứ 2, 08/06/2020 | 16:14:35 [GMT +7] A A
Sáng 8/6, tại TP Hạ Long, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Văn phòng Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Nhân rộng mô hình cộng đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố (DWP5C) và Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa (EPPIC).
Tới dự có các đồng chí: Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường); bà Caitlin Wiessen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; ông Natarika Wayuprb Nitiphon, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và Lào...
Quang cảnh Hội thảo. |
Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người, là nền tảng cơ bản phát triển bền vững. Tuy nhiên, ngày nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải đại dương, chủ yếu là rác thải nhựa.
Bà Caitlin Wiessen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Ước tính hiện nay, đại dương đang phải chứa khoảng 150 triệu tấn chất thải nhựa và tốc độ phát thải rác nhựa vào đại dương khoảng 8 triệu tấn mỗi năm. Việt Nam đứng thứ 4 trong tổng số 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với 0,3- 0,8 triệu tấn/năm. Chất thải nhựa có nguy cơ cao đối với các sinh vật thủy sinh, gây hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái biển và sự bền vững của nghề cá. Ô nhiễm nhựa có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và môi trường. Ước tính mỗi năm, ô nhiễm rác thải nhựa gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 2,5 tỷ USD.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao về Dự án. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định: Việc xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia cũng đã tạo ra sức ép rất lớn đến môi trường. Đi đôi với sự gia tăng về lượng khách thì chất thải từ hoạt động du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa từ chai, lọ, túi nilon ngày một tăng nhanh, nhất là các vùng trọng điểm phát triển du lịch.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao việc triển khai Dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn phát sinh chất thải nhựa, từ việc nâng cao kiến thức, nhận thức, năng lực cho cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa đại dương và phát triển nền kinh tế biển xanh.
Các tổ chức tham gia dự án, cộng đồng, chuyên gia rác thải cùng tọa đàm tại hội thảo. |
Dự án được triển khai từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2021, có sự tham gia của 5 tỉnh, thành phố, gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương, với mục tiêu xây dựng, nhân rộng mô hình quản lý tổng hợp đối với chất thải rắn, nhựa tại 5 địa phương này. Đối với “Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC)” hướng tới cuộc thi sáng tạo, đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Hạ Long (Quảng Ninh) và Koh Samui (Thái Lan), khởi động từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2022.
Ban Tổ chức tặng đồ bảo hộ, thiết bị an toàn phòng tránh Covid-19 cho các nhóm hội viên thu gom rác thải của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hạ Long. |
Tại hội thảo, đại diện Hội Nông dân tỉnh cũng đã báo cáo về việc triển khai Dự án “Mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long, được triển khai từ tháng 1/2020- tháng 1/2022.
Hội thảo cũng bàn luận về các dự án, mô hình điểm của Việt Nam và tặng đồ bảo hộ, thiết bị an toàn phòng tránh Covid-19 cho các nhóm hội viên thu gom rác của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hạ Long.
Mai Hương
Liên kết website
Ý kiến ()