Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:05 (GMT +7)
Hội văn nghệ dân gian Quảng Ninh: Khơi dậy và gìn giữ các giá trị văn hoá, văn nghệ dân gian
Chủ nhật, 26/05/2013 | 05:43:46 [GMT +7] A A
Năm 2008, Hội VNDG Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở Chi hội VNDG Việt Nam tại Quảng Ninh và Chi hội VNDG thuộc Hội VHNT tỉnh. Kể từ đó đến nay, Hội VNDG tỉnh đã và đang góp phần bảo tồn có chiều sâu giá trị văn hoá phi vật thể, khơi dậy các VNDG gắn với các hoạt động chính trị của địa phương và phục vụ đời sống văn hoá của nhân dân...
Trên chặng đường 5 năm đã qua, tuy còn gặp rất nhiều khó khăn về biên chế, kinh phí hoạt động v.v.. nhưng Hội VNDG Quảng Ninh luôn chú trọng chăm lo xây dựng tổ chức Hội và phát triển hội viên. Đến nay, Hội VNDG tỉnh đã có 209 hội viên, sinh hoạt tại 11 hội cơ sở trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, ở cả vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo... Hội đã được kết nạp làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2012, Hội VNDG Quảng Ninh đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận. Hội đã thành lập thêm được 2 tổ chức hội ở cơ sở, kết nạp thêm 56 hội viên mới, có 4 hội viên được kết nạp Hội VNDG Việt Nam… Đến nay, Hội VNDG Quảng Ninh đã chứng tỏ được vị thế và khả năng của mình trong lĩnh vực hoạt động VHVNDG tại tỉnh nhà.
Thi hát giao duyên trong Hội làng Bằng Cả (Hoành Bồ). |
Kể từ những ngày đầu thành lập, với vai trò, chức năng của một tổ chức hội xã hội, nghề nghiệp, Hội VNDG đã triển khai các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn VHVNDG, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá tiên tiến của các dân tộc Quảng Ninh. Hội đã phối hợp cùng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện thành công dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị ca dao Vùng mỏ. Kết quả của dự án này là cuốn “Ca dao Vùng mỏ” được ấn hành và đã được Ban tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII chọn làm quà tặng cho các đại biểu tại Đại hội. Cuốn sách này là công trình khoa học có giá trị bổ sung vào kho tàng ca dao Việt Nam và cũng đã được Hội VNDG Việt Nam trao tặng Giải thưởng bảo tồn di sản văn hoá dân gian.
Lớp học hát nhà tơ - hát, múa cửa đình được tổ chức tại Vạn Ninh (TP Móng Cái). |
Ngay sau khi hoàn thành dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị ca dao Vùng mỏ, Hội VNDG tỉnh lại gấp rút tiến hành dự án nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hoá hát nhà tơ, hát cửa đình, một trong 46 thể loại của ca trù Việt Nam. Các hội viên của Hội đã sưu tầm được trên 1.000 câu hát, trên 30 băng đĩa và hơn 600 tấm ảnh phục dựng các hoạt động VHVNDG; lập hồ sơ báo cáo kết quả đề nghị Hội VNDG Việt Nam công nhận 5 nghệ nhân hát nhà tơ - hát, múa cửa đình và 2 nghệ nhân chơi đàn đáy. Từ đây, một số vấn đề về nguồn gốc và đặc trưng thể loại của hát nhà tơ - hát, múa cửa đình đã bước đầu được xác định. Sự thành công của dự án bảo tồn hát nhà tơ, hát múa cửa đình có ý nghĩa khẳng định văn hoá Việt ở một vùng biên giới tồn tại hàng nghìn năm chẳng những không bị đồng hoá, mà còn rất phát triển. Hiện nay Hội VNDG tỉnh đang đề nghị các cơ quan chức năng cho phép triển khai thực hiện bước tiếp theo của dự án là tập trung nghiên cứu sâu hơn, mở lớp truyền dạy và xét công nhận loại hình này là di sản văn hoá cấp Quốc gia. Tới đây, Hội cũng sẽ đăng ký nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các loại hình khác như: Hát chèo cổ ở Quảng Ninh, ca dao dân ca các dân tộc Quảng Ninh, bảo tồn hát giao duyên, hát đúm, phong tục tập quán, chữ viết, truyện cười, truyện cổ, tìm hiểu các làng nghề v.v..
Nói đến di sản văn hoá, trước hết là phải nói đến nghệ nhân dân gian, vì đây là những “kiến trúc sư” thiết lập nên những công trình văn hoá phi vật thể. Vì vậy, bên cạnh việc đi tìm, bảo tồn các loại hình văn hoá vật thể, Hội VNDG tỉnh còn chú trọng khai thác các “báu vật nhân văn sống” là các nghệ nhân. Nhận thức được điều này, các hội viên đã dành nhiều thời gian để xuống dân, vào từng thôn, xóm, khe bản, đến tận mỗi nhà dân v.v.. để phát hiện, tìm gặp những người đang nắm giữ các vốn quý văn hoá dân tộc. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội VNDG tỉnh, cho biết: “Hiện nay, số người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam ở Quảng Ninh đã lên đến con số 22. Cũng có thể nói, ở hầu hết các địa phương có những loại hình di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của Quảng Ninh đều có các nghệ nhân dân gian “nằm vùng” ở đó...”.
Đây là một thành công rất đáng ghi nhận của Hội VNDG Quảng Ninh; bởi được biết trong số các tỉnh, thành cả nước, không có nhiều địa phương có số nghệ nhân đông đảo như vậy. Ngoài ra, để làm tốt công tác bảo tồn văn hoá văn nghệ dân gian, Hội VNDG tỉnh còn ký kết chương trình phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tham gia sưu tầm và bảo tồn những giá trị văn hoá tiên tiến của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; phối hợp triển khai chương trình chăm, sóc phụng dưỡng các nghệ nhân dân gian v.v..
Cùng với các hoạt động kể trên, Hội VNDG tỉnh cũng đã biên khảo và xuất bản nhiều công trình VHVNDG, như: Công trình “Văn hoá dân gian vùng biển Quảng Ninh” phục vụ công tác tuyên truyền về chủ đề biển đảo (đã được nhận Giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam); tập sách “Văn hoá ẩm thực Quảng Ninh” giới thiệu hơn 100 món ăn dân gian ở Quảng Ninh phục vụ Lễ hội Du lịch Hạ Long 2011; xuất bản cuốn sách giới thiệu về lịch sử chùa Long Tiên... Ngoài ra, còn có các công trình giới thiệu về văn hoá dân gian Yên Hưng (Quảng Yên), ca dao vùng biển Quảng Ninh, hát đúm ở Yên Hưng, công trình nghiên cứu địa danh Quảng Ninh v.v..
Ghi nhận những thành tích đạt được, Hội VNDG tỉnh đã vinh dự được Hội VNDG Việt Nam, Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và phần thưởng các loại. Đó là những ghi nhận xứng đáng và kịp thời; có ý nghĩa như một bước tạo đà vững chắc để Hội VNDG Quảng Ninh phát huy tốt hơn nữa vai trò khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị VHVNDG trong thời gian tới...
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()