Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:54 (GMT +7)
Kết quả cao về nhiều mặt
Thứ 4, 05/06/2013 | 03:20:00 [GMT +7] A A
“Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là “cái đích” lớn mà Quảng Ninh đã và đang đồng hành cùng cả nước. Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, sát thực, hiệu quả, việc triển khai Nghị quyết ở Quảng Ninh đã tạo ra những đổi thay căn bản, những bước tiến thực sự trong việc xây dựng nền tảng văn hoá tinh thần, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) đã tạo ra một diện mạo mới cho quá trình xây dựng, phát triển Quảng Ninh, làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hình thành những giá trị mới của con người Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng.
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII), những năm qua nhiều lễ hội văn hoá truyền thống ở TX Quảng Yên đã được bảo tồn, phục dựng, góp phần phát huy những giá trị tốt đẹp. Trong ảnh: Đua thuyền chải trong Lễ hội Xuống đồng ở phường Phong Cốc. Ảnh: Trần Minh |
Con người là trọng tâm
Xây dựng con người mới là nội dung trọng tâm của Nghị quyết, vì vậy, kế thừa và phát huy 5 đức tính của con người Việt Nam, Quảng Ninh đã cụ thể hoá với những nội dung như: Tinh thần yêu quê hương đất nước, tự cường dân tộc, đoàn kết vì sự nghiệp chung; ý chí vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; tôn trọng quy ước, hương ước cộng đồng; có phong cách sống văn minh, lành mạnh; có ý thức bảo vệ môi trường… Nhiều giá trị mới về văn hoá, chuẩn mực đạo đức được khẳng định và nhân rộng, phát huy tính dân chủ trong xã hội. Các giá trị, chuẩn mực đạo đức được đề cao, thể hiện trong các phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Giúp đỡ người tàn tật, chăm sóc trẻ em cơ nhỡ”, “Giúp nhau xoá đói giảm nghèo”… Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá được tiến hành nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Thanh, thiếu niên được phổ cập cấp học theo độ tuổi, học sinh tốt nghiệp đại học và cao đẳng hàng năm tăng cao. Lao động nông thôn được trang bị kiến thức trên các lĩnh vực sản xuất, tiếp thu được các kiến thức và KHKT, từng bước xoá bỏ tập quán lạc hậu trong cuộc sống và trong lao động sản xuất.
Góp phần xây dựng con người từ “cái gốc”, giáo dục đào tạo tiếp tục duy trì quy mô và nâng cao chất lượng ở các ngành học, cấp học. Các cuộc vận động và phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi cơ sở giáo dục, phát huy hiệu quả rõ rệt như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm là bước đột phá trong việc khắc phục tồn tại yếu kém của ngành. Việc tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, đặc biệt là giáo dục an toàn giao thông, giáo dục kỹ năng sống đã được quan tâm, bước đầu thu được kết quả tích cực...
Phát triển toàn diện về văn hoá
Hoạt động văn hoá quần chúng có bước tiến quan trọng về “lượng” và “chất”, hướng vào xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới, ngày càng hoàn thiện về tư tưởng, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ... Trong các phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, xây dựng “Xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm”, “Toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc”… nhiều người dân, cán bộ, chiến sĩ dũng cảm truy bắt, trấn áp tội phạm, đặc biệt là đội ngũ các tình nguyện viên đã tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự nơi công cộng, trật tự lòng đường, hè phố… góp phần bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có những chuyển biến rõ nét. Việc cưới được tổ chức theo hướng lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống dân tộc. Việc tổ chức đám cưới ăn uống linh đình, phô trương mang tính vụ lợi giảm đáng kể, việc đăng ký và trao giấy kết hôn được tổ chức trang trọng, đúng pháp luật. Tình trạng tảo hôn, thách cưới bằng bạc trắng, trâu bò ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tới nay cơ bản bị loại bỏ. Việc tang được chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm, đảm bảo vệ sinh môi trường; đặc biệt việc xây dựng và đưa vào hoạt động của Đài hoá thân An Lạc Viên được đông đảo dư luận xã hội đồng tình. Các tập tục lạc hậu trong đám tang ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được các quy định cụ thể như: Người chết không để trong nhà quá 48 giờ; nhạc tang không mở to và không quá 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng; mai táng đúng nơi quy định, không gây ô nhiễm môi trường... Cùng với đó, hàng trăm lễ hội trên địa bàn được tổ chức đảm bảo trang nghiêm về phần lễ và vui tươi về phần hội. Nhiều lễ hội dân gian được phục dựng đã phát huy được nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hoá truyền thống. Đặc biệt, Carnaval Hạ Long - lễ hội hiện đại được tổ chức thường xuyên vào cuối tháng 4, mở đầu mùa du lịch hè đã trở thành thương hiệu, sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Ninh.
Xác định phát triển văn học - nghệ thuật là góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ, thời gian qua, các cấp quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, đa dạng hoá về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, trong đó đặc biệt là việc thực hiện chính sách hỗ trợ về vật chất, đặt hàng các tác phẩm văn học nghệ thuật. Lực lượng tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật ngày càng phát triển với hàng trăm nghệ sĩ được tỉnh, trung ương tôn vinh nhiều danh hiệu cao quý về nghề.
Vườn tháp Yên Tử. |
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá của tỉnh đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt coi trọng giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh. Việc giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đạt nhiều kết quả khả quan. Các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hoá đã thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị các di sản. Bên cạnh đó, công tác kiểm kê, lập danh mục đề nghị xếp hạng cũng được đồng thời triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có 626 di tích đã được kiểm kê, 125 di tích được xếp hạng, trong đó 64 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và 61 di tích cấp tỉnh. Nhiều di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu được phục dựng như: Hát giao duyên trên biển của làng chài Cửa Vạn, nghi lễ Then cổ, hát nhà tơ - hát cửa đình, nghi lễ “Cấp sắc”, lễ “Đại phan”... Hiện nay, tỉnh đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Di sản văn hoá và danh thắng Yên Tử là Di sản văn hoá thế giới. Vịnh Hạ Long đang đề xuất thí điểm việc quản lý với cơ chế đặc thù báo cáo trung ương...
Điểm đáng nói nữa là kết quả trong việc xây dựng các thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh đã quan tâm quy hoạch khu vực xây dựng Quảng trường văn hoá Hạ Long cùng với Bảo tàng - Thư viện tỉnh, nối liền với công viên Lán Bè để tạo thành một quần thể các thiết chế văn hoá cấp tỉnh. Hiện nay, cả tỉnh có 7 trung tâm văn hoá, thể thao cấp huyện, chiếm tỷ lệ 50% số địa phương trong tỉnh. Nhà văn hoá - Khu thể thao thôn hiện có 1.510/1.572, chiếm tỷ lệ trên 95% thôn, khu. Các thiết chế này là không gian sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa về nhiều mặt đối với bà con ở khắp các vùng, miền trong tỉnh...
Ngọc Mai
NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG - Văn hoá thông tin phát triển rộng khắp với tỷ lệ phủ sóng phát thanh - truyền hình đạt trên 95%; 100% thôn, bản có đường dây điện thoại. Phan Hằng |
Liên kết website
Ý kiến ()