Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 05:18 (GMT +7)
Thắp sáng văn hoá cổ Bình Liêu
Thứ 4, 05/06/2013 | 04:15:09 [GMT +7] A A
Bình Liêu - huyện miền núi biên giới có trên 95% là người dân tộc thiểu số; trong đó, chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ... Điều đó đã mang lại cho vùng đất này một kho báu giá trị về các di sản văn hoá đặc sắc...
Trước hết, phải kể đến nghi lễ Then cổ, một nét văn hoá rất riêng của người Tày ở Bình Liêu. Then cổ có sức sống bền bỉ, về bản chất là tích hợp của nhiều nghi lễ như: Cầu bình an, may mắn, chữa bệnh, giải hạn, trừ hiểm hoạ, cầu phúc lộc, nghi lễ cấp sắc... Sau cách mạng Tháng Tám, do nhận thức hạn chế, một thời gian, nghi lễ này bị xem là một trong những hủ tục mang tính mê tín dị đoan và bị bài trừ, loại bỏ. Mãi đến năm 2010, nghi lễ Then cổ của người Tày ở Bình Liêu mới được phục dựng. Then cổ từ chỗ làm “chui”, phải giấu giếm nay đã được công khai hoá, chính thức thừa nhận và được tôn vinh ở tầm quốc gia. Đồng chí Vi Hồng Lâm, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bình Liêu chia sẻ: “Nghi lễ Then cổ là một sản phẩm tinh thần có giá trị văn hoá, lịch sử, khoa học được lưu truyền qua nhiều thế hệ của đồng bào dân tộc Tày. Di sản văn hoá này không chỉ làm nên sự khác biệt, tính đặc thù của dân tộc Tày mà qua đó làm cho đời sống văn hoá của con người thêm phong phú, đa dạng, giúp con người vun đắp niềm tự hào với bản sắc của dân tộc mình”.
Phục dựng nghi lễ Lẩu then của người Tày ở Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Trung Hà |
Do đó, vấn đề bảo tồn và phát triển nghi lễ Then cổ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa di sản văn hoá Bình Liêu toả sáng. Bình Liêu đang tiến hành sưu tầm, tổng hợp lưu trữ 4 trích đoạn diễn xướng làn điệu “Then cổ”; 1 tuyển tập các sáng tác lời Then giai đoạn 1960-1973 và 1 tập Sliêng Then Tỳ Làu với trên 200 bài. Không những vậy, Phòng VH-TT huyện Bình Liêu còn phối hợp với Phòng nghiệp vụ - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh tổ chức ghi hình, ghi âm loại hình Then, nghi lễ Then cổ của người Tày. Không chỉ bảo tồn, lưu giữ, Bình Liêu còn đề ra nhiều giải pháp để phát triển hơn nữa những văn hoá cổ bằng cách mở các lớp sáng tác và truyền dạy các làn điệu “Đàn Tính - hát Then” cho các thành viên tại các CLB văn nghệ ở các xã, thị trấn… Đến thời điểm hiện tại, Then cổ đã có sự phát triển không ngờ, ông Vi Hồng Lâm phấn khởi cho biết thêm: “Vừa rồi lên dự lễ hội đình Lục Nà, xem hội thi Hát Then - đàn tính của huyện, giờ đây không chỉ có các cụ cao tuổi trình diễn mà đã có bóng dáng của lớp trẻ chơi đàn tính rồi”.
Bên cạnh nghi lễ Then cổ của người Tày, Bình Liêu còn nổi tiếng với hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ với những câu ca, tiếng hát Soóng Cọ trữ tình và sâu lắng ở xã Húc Động; điệu hát Sán Cố của người Dao Thanh Phán, xã Đồng Văn hay những di tích lịch sử văn hoá và di tích danh thắng cấp tỉnh như: Di tích Lịch sử Văn hoá Đình Lục Nà, xã Lục Hồn; di tích danh thắng Thác Khe Vằn, xã Húc Động… Phòng VH-TT huyện Bình Liêu đã lên kế hoạch phân kỳ tổ chức sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn nét văn hoá của đồng bào Dao Thanh Phán; duy trì các hoạt động lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động thể thao dân tộc tại các cơ sở như: Lễ hội Đình Lục Nà, xã Lục Hồn; hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, xã Húc Động; hát Sán Cố của người Dao Thanh Phán, xã Đồng Văn. Bên cạnh đó, những di tích lịch sử văn hoá, di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn cũng được đầu tư phục hồi, tôn tạo và đưa vào sử dụng nhằm mục đích bảo tồn giá trị văn hoá vật thể của các tộc người như: Bãi đá Thần, núi Cao Ba Lanh, xã Đồng Văn; Đồn Bình Liêu, thị trấn Bình Liêu; cây đa Cốc Lồng…
Để những giá trị của văn hoá cổ trên địa bàn huyện luôn được bảo tồn và phát huy, thiết nghĩ, các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về bảo tồn văn hoá phi vật thể cho người dân; nâng cao nhận thức về truyền thống văn hoá của dân tộc, để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản; mở lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng thực hành di sản văn hoá phi vật thể. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên trách cũng cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu về văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện. Đặc biệt, với những di sản văn hoá đã mai một thì cần đầu tư, nghiên cứu phục dựng lại…
Lưu Linh
Liên kết website
Ý kiến ()