Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:23 (GMT +7)
Kiên trì mục tiêu tăng trưởng “xanh”
Thứ 7, 16/07/2022 | 07:57:53 [GMT +7] A A
Sau hơn chục năm kiên trì chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tỉnh Quảng Ninh đang gặt hái những thành công lớn. Những thành tựu đạt được là tiền đề để tạo đà cho địa phương phát triển nhanh, tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn nhất cả nước.
Từng bước “xanh” hóa những mảng “nâu”
Tỉnh Quảng Ninh được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với rất nhiều ưu thế cả về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản lẫn những giá trị về văn hóa, lịch sử. Đặc biệt Quảng Ninh là một trong số ít địa phương của cả nước được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều nguồn tài nguyên phong phú. Ước tính, sản lượng khai thác than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu m3... Không những vậy, Quảng Ninh còn sở hữu những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, kỳ vĩ, hiếm có, bậc nhất Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, cùng nhiều hòn đảo, bãi biển đẹp.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh sớm nhận diện những mâu thuẫn, thách thức giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn, với cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng, phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra...
Từng bước giải quyết mâu thuẫn này, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng để hướng tới nền kinh tế “xanh”, phát triển bền vững và đảm bảo duy trì một môi trường trong lành. Nổi bật trong đó phải kể đến ngành than đã cải tiến mạnh mẽ bằng việc đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa, nâng cao hiệu quả khai thác. Đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành các “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”.
Từ năm 2018 đến nay, TKV đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh công tác đầu tư lắp đặt hệ thống máy phun sương dập bụi, quạt cao áp thay thế dần phương pháp tưới nước bằng xe chuyên dụng truyền thống tại các vị trí trọng yếu. Giải pháp này đã, đang và sẽ tăng cường hiệu quả chống bụi đến các khu dân cư, khu đô thị gần những điểm khai thác than.
Trong điều kiện sản xuất các mỏ hầm lò, cũng như lộ thiên ngày càng xuống sâu và khó khăn, TKV đã tập trung đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào các công đoạn sản xuất, kinh doanh. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm - TKV (năm 2015), đến nay TKV đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị. Đồng thời, TKV còn chủ động ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào quá trình sản xuất kinh doanh, cũng như trong công tác quản lý, điều hành.
Đặc biệt hiện nay, TKV còn đang duy trì phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, TKV khuyến khích các đơn vị tận dụng nước thải mỏ tái sử dụng phục vụ sản xuất và nguồn đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án. Hướng kinh tế tuần hoàn này giúp TKV giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư, kinh doanh, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Cùng với không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, TKV còn tập trung nguồn lực bảo vệ môi trường, nhằm giảm tác động xấu đến môi trường Vùng mỏ. Theo thống kê của TKV, từ năm 2016-2021, ngành than đã chi hơn 5.900 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Chỉ tính riêng năm 2021, TKV đã chi hơn 1.076 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường tại Quảng Ninh.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới kinh tế “xanh” bền vững là mục tiêu chiến lược của Quảng Ninh đang kiên trì theo đuổi. Đồng hành với mục tiêu của tỉnh, TKV đang thực hiện nhiều giải pháp để hiện thực hóa mô hình tăng trưởng này.
Nỗ lực để phát triển bền vững
Giai đoạn 2020-2025, chiến lược phát triển kinh tế Quảng Ninh tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.
Để phát triển đồng bộ và chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã tiên phong thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chiến lược. Các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới về lập quy hoạch được chọn như: McKinsey, BCG (Mỹ); Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản).
Ông Marco Breu, Giám đốc Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (đơn vị tư vấn Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), cho biết: Bám sát vào định hướng phát triển từ “nâu” sang “xanh”, mục tiêu quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đề ra là đến năm 2030, xây dựng, phát triển trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về QP-AN và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc QP-AN.
Với quy hoạch đồng bộ, Quảng Ninh sẽ sớm bắt tay đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Ngành công nghiệp không khói của Quảng Ninh đang có những đột phá mới, với hoạt động du lịch ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước khẳng định thương hiệu là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Đáng chú ý, hạ tầng giao thông, dịch vụ ngày càng được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu của du khách. Điển hình như tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... được đầu tư với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Dự kiến tháng 8/2022, tuyến cao tốc sẽ đi vào hoạt động, khi đó đi từ Hà Nội tới cửa khẩu Móng Cái chỉ còn khoảng 3 tiếng đồng hồ, thay vì 6 tiếng như trước đây. Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như: Cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Hạ Long Xanh, tuyến đường ven sông... Đây là những công trình động lực phục vụ phát triển của tỉnh và tạo tính kết nối, thúc đẩy liên kết vùng trong những năm tiếp theo.
Từ đổi mới mạnh mẽ trong phát triển du lịch, dịch vụ, Quảng Ninh đã thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới các điểm đến. Theo số liệu thống kê từ UBND tỉnh, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh 6 tháng đầu năm ước đạt 5,5 triệu lượt, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng 19,57% so với kịch bản. Tổng doanh thu du lịch đạt 12.129 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so cùng kỳ năm 2021, tăng 47,55% so với kịch bản. Quảng Ninh đặt mục tiêu đón hơn 10 triệu lượt khách trong năm 2022. Riêng trong quý III, tỉnh đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách.
Hiện Quảng Ninh có 11 KCN, 6 CCN, cùng các KKT: Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái, ven biển Quảng Yên... Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào địa bàn, đặc biệt là những doanh nghiệp về chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Minh chứng rõ nhất hiện nay, Quảng Ninh đã ghi nhận được sự có mặt của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như Foxconn, Hyundai, Amata... với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD.
Các thương hiệu lớn xuất hiện không chỉ mở rộng sản xuất, kinh doanh, mà đang tiếp tục lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư phụ trợ để hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong mỗi lĩnh vực. Tính riêng 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, ước tăng 15,93%, chiếm tỷ trọng 12% trong GRDP và đóng góp 1,57 điểm % trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Dù đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng với tư duy đổi mới từ mô hình tăng trưởng “xanh”, giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh luôn duy trì ở mức cao. Năm 2021, mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số, đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước, sau Hải Phòng); 6 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 10,66% (tăng 2,64 điểm % so với cùng kỳ, tăng 0,41 điểm % so với kịch bản đề ra là tăng 10,25%), đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng. Tổng thu NSNN tính đến ngày 30/6 đạt 27.908 tỷ đồng, bằng 53% dự toán năm.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()