Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:05 (GMT +7)
Hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc
Thứ 7, 28/01/2023 | 10:22:37 [GMT +7] A A
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một nhà báo Trung Quốc từng làm việc tại văn phòng People’s Daily ở Hà Nội nói rằng, năm 2023 và những năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là về công nghệ cao, gắn với sáng kiến Vành đai-Con đường.
Coi trọng Vành đai-Con đường
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị (trước khi làm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tần Cương lên làm ngoại trưởng) mới đây đều vừa nêu khái quát định hướng vừa đề cập cụ thể các vấn đề về phát triển kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 và nhiều năm sau đó.
Đó là đẩy nhanh tốc độ xây dựng Cảng thương mại tự do Hải Nam; tận dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để nhập nhiều nguyên liệu giá rẻ, xuất nhiều thành phẩm giá cạnh tranh, duy trì các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; xây dựng vành đai phát triển dọc theo Vành đai - Con đường và đưa ra khái niệm mới dễ được chấp nhận hơn là “Con đường hạnh phúc”.
Năm nay Trung Quốc coi trọng Vành đai-Con đường hơn trước vì là năm chẵn (10 năm) kỷ niệm sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình ra đời, nhà báo Trung Quốc nói. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ mời lãnh đạo nhiều nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế lớn như LHQ, WB, IMF, WEF, WTO, UNESCO, WHO… tham dự Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai-Con đường lần thứ 3 diễn ra sau kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh (theo tin Xinhua, kỳ họp sẽ được tổ chức vào tháng 3).
Tại Diễn đàn lần này, Trung Quốc hy vọng lãnh đạo các nước có những cam kết tham gia mới hoặc tham gia sâu rộng hơn vào Vành đai-Con đường vì đôi bên cùng có lợi. Trong 11 tháng đầu năm 2022, thương mại của Trung Quốc với các đối tác Vành đai-Con đường tăng 20,4% bất chấp dịch bệnh và suy thoái kinh tế ở nhiều nước. Cũng trong năm 2022, Trung Quốc ký văn kiện hợp tác với 5 nước, nâng tổng số nước tham gia Vành đai-Con đường lên 150 (ngoài ra, đến nay đã có 32 tổ chức quốc tế tham gia).
Năm nay và những năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục rót ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt (vì chi phí rẻ hơn đường hàng không 80% mà thời gian chỉ bằng một nửa đường biển), dọc Vành đai-Con đường, như Trung Quốc đã và đang làm ở ASEAN, Lào, Hungary, Serbia, Croatia… Vành đai-Con đường có tới 6 hành lang kinh tế, và hiện nay Trung Quốc ưu tiên phát triển các tuyến đường sắt nối Trung Quốc với châu Âu, như Trung Quốc-Mông Cổ-Nga, Á-Âu mới, Trung Quốc-Trung Á-Tây Á.
Lo ngại tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nên Trung Quốc sẽ có nhiều biện pháp mới để thu hút FDI và ngăn các nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc.
Đó là mở rộng quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, có thể là mở rộng 5 lĩnh vực gồm viễn thông, Internet, giáo dục, văn hóa và y tế. Đó là ưu tiên về thuế, phí, nhân lực (visa, nhà ở…) cho các dự án FDI quy mô lớn, mang tính biểu tượng như đầu tư vào Cảng thương mại tự do Hải Nam. Đó là xúc tiến tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA). Ngoài ra, Trung Quốc sẽ ưu ái nhà đầu tư đến từ những nước có công nghiệp, khoa học công nghệ phát triển và/hoặc Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ như Đức, Úc…
Có thể cải thiện quan hệ với Mỹ
Theo GS James Borton, Trung Quốc có thể sẽ nhượng bộ Mỹ về thương mại và đầu tư trên nền tảng chung (VD, giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ, tăng nhập khẩu máy bay, ô tô Mỹ, mở rộng của ngành dịch vụ tài chính với nhà đầu tư Mỹ…) để giảm bớt áp lực bị bao vây, cô lập. Cuối năm 2022, Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu rằng, hợp tác cùng có lợi Trung-Mỹ không phải là sự lựa chọn mà là điều phải làm. Mỹ cũng rất cần vai trò của Trung Quốc trong chống biến đổi khí hậu, ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa Mỹ và đồng minh.
Theo nhà báo của People’s Daily, về mặt bằng chung, Trung Quốc sẽ ưu ái Liên minh châu Âu (EU), nhất là khi EU tuân theo đường lối “tự chủ chiến lược”, không liên minh với Mỹ theo cách có thể gây tổn hại đến các lợi ích kinh tế sống còn của Trung Quốc. EU tương đương với Mỹ về thị trường xuất khẩu và là nguồn đầu tư lớn vào Trung Quốc. Năm nay, Trung Quốc sẽ rất ưu tiên các dự án sản xuất và dịch vụ công nghệ cao, nhất là của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn lớn của Mỹ, EU vì Trung Quốc đang rất cần phát triển công nghệ cao (hi-tech) trong bối cảnh bị Mỹ và đồng minh ngăn cấm, cản trở nhập khẩu chip, sản phẩm bán dẫn.
Hồi tháng 11/2022, tại Trung Quốc, tập đoàn đa quốc gia Schneider Electric SE (trụ sở tại Pháp) đã thành lập viện nghiên cứu lớn thứ 5 của tập đoàn chuyên về tự động hóa kỹ thuật số và quản lý năng lượng này. Trong 11 tháng đầu năm 2022, FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao ở Trung Quốc tăng 58,8% và FDI trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao tăng 23,5%.
Sẽ tăng cường quan hệ kinh tế với Nga
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS James Borton (Viện Chính sách đối ngoại Mỹ) cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm nay dám đương đầu những thách thức lớn nhất để theo đuổi những mục tiêu tham vọng nhất, không gì có thể cản bước được ông, dù hoàn cảnh trong và ngoài nước có bất lợi đến mức nào, cũng sẽ thực hiện bằng được “giấc mộng Trung Hoa”.
Trong bài phát biểu chào năm mới 2023, ông Tập dẫn câu nói của nhà thơ Tô Thức “Cố hết sức và nhắm xa nhất”. Vì thế, trong năm nay và những năm sau, Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp tổng thể với Nga, có thể giảm mức độ ủng hộ chính trị (như ông Tập phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine) nhưng tăng về hợp tác kinh tế (báo Hong Kong South China Morning Post dẫn nguồn tin nói rằng, mỗi ngày Trung Quốc bỏ ra cả triệu đô la để nhập khẩu dầu khí giá mềm của Nga; cuối năm 2022, Trung Quốc đã thanh toán cho Nga bằng đồng rúp và nhân dân tệ, thay vì đô la).
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()