Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:38 (GMT +7)
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Thứ 4, 28/08/2013 | 05:48:10 [GMT +7] A A
Với việc khai thác, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả hơn 53.000ha đất nông nghiệp, 427.000ha đất lâm nghiệp và hơn 4.000ha bãi triều, giá trị sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đều liên tục tăng. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong các lĩnh vực sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh, khu vực chăn nuôi tập trung... sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần hướng tới một nền sản xuất hiện đại, hiệu quả cao.
Từ chỗ sản xuất manh mún theo phương thức tự cung tự cấp, đến nay, bà con nông dân trong tỉnh đã tập trung hướng sản xuất theo hình thức sản xuất hàng hoá; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã chọn tạo và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần đưa năng suất cây trồng tăng nhanh, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất lúa cao sản, rau, hoa cao cấp, cây ăn quả ở Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hải Hà, Uông Bí... với diện tích hàng nghìn ha cho giá trị hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt trong sản xuất lúa, mô hình gieo thẳng đã được nhân rộng dần thay thế cho phương pháp gieo mạ, cấy lúa truyền thống. Theo đánh giá sơ bộ của ngành nông nghiệp, năng suất lúa gieo thẳng tăng từ 10-15% so với cấy lúa; giảm 35-40 công cấy, tiết kiệm 15-20kg thóc giống/ha, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 7-10 ngày; giảm áp lực về sâu bệnh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tập trung, chủ động hoàn toàn trong việc gieo cấy, tăng hệ số sử dụng đất và tiết kiệm được 1,5-1,7 triệu đồng/ha, đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho người nông dân. Đến nay, năng suất lúa bình quân đạt trên 46 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực luôn đạt từ 230.000 - 240.000 tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực ở khu vực nông thôn.
Gặt lúa bằng máy gặt liên hợp tại xã Hưng Đạo (huyện Đông Triều). |
Trong sản xuất lâm nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ. Bình quân, mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 15.000ha rừng tập trung và gần 2 triệu cây phân tán các loại. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 310.000ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 147.000ha; rừng trồng các loại hơn 160.000ha; độ che phủ rừng đạt trên 51%. Hiện nay, lâm nghiệp đã chuyển hướng từ sản xuất truyền thống sang xã hội hoá nghề rừng. Công tác giao đất, giao rừng, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp được đẩy mạnh. Kinh tế lâm nghiệp đã thực sự trở thành một thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh và là nghề làm giàu của bà con nông dân với những loại cây lâm nghiệp cho giá trị kinh tế cao như: Keo, thông nhựa, quế, hồi...
Với điều kiện diện tích đất nông nghiệp hạn chế, tốc độ đô thị hoá nhanh, để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, từng bước hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, trong tỉnh đã bước đầu hình thành một số mô hình nông nghiệp đạt lợi nhuận cao như khu nuôi cấy mô tại Trung tâm khoa học và sản xuất giống nông nghiệp, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm ngàn cây giống các loại. Vùng trồng rau an toàn theo hướng VIETGAP tại phường Cộng Hoà (Quảng Yên) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long làm chủ đầu tư với diện tích 31,78ha, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường hơn 30 tấn rau các loại. Hiện nay, Công ty đang thực hiện Dự án sản xuất rau an toàn áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong và ngoài nước về giống rau, về chất lượng an toàn thực phẩm và được sản xuất theo hướng VietGap. Dự án được đầu tư theo mô hình 4 nhà: Nhà nông - Nhà quản lý - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học.
Không chỉ đẩy mạnh phát triển sản xuất mà ngành đã đặc biệt chú trọng đến phát triển chăn nuôi, đưa lĩnh vực này trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Đến nay trên toàn tỉnh đã có hàng trăm trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, sản xuất theo hướng công nghiệp, sản phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đang dần thay thế hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Điển hình là trang trại chăn nuôi của Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường tại Cửa Ông (Cẩm Phả). Công ty nhập giống lợn siêu nạc của các nước Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha... về nuôi. Hiện nay, trang trại có khoảng 550 lợn nái ngoại và 200 con lợn nái hậu bị, toàn bộ số lợn con sinh ra được nuôi thương phẩm tại công ty, đảm bảo nguồn cung cấp thịt lợn sạch ra thị trường. Hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín, xa khu dân cư, có quạt thông gió thường xuyên, tường nước, mái tôn lạnh, tủ điều hoà nhiệt độ bảo đảm nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn ổn định. Toàn bộ chất thải được xử lý qua các hầm biogas gần 4.000m3. Trung bình mỗi năm, Công ty cung ứng ra ngoài thị trường khoảng 6.000 con lợn thương phẩm, tương đương khoảng 500 tấn thịt mỗi năm, giá trị thành phẩm ước đạt trên dưới 60 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi 20 tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho 40 lao động với mức lương từ 2 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, ngày 20-3-2012 UBND tỉnh có Quyết định số 624/QĐ-UB cho chủ trương ngành nông nghiệp xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô 100ha tại huyện Đông Triều. Đây là nơi triển khai nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện công nghệ, nhân giống cây; đào tạo, trình diễn và chuyển giao công nghệ, cũng như kêu gọi đầu tư tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.
Hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững - đó là mục tiêu mà ngành NN&PTNT của tỉnh đang triển khai thực hiện với những hiệu quả ban đầu.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()