Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 08:19 (GMT +7)
Chuyện về mỏ than duy nhất được đón Bác về thăm
Thứ 3, 24/09/2013 | 16:21:39 [GMT +7] A A
Về Đèo Nai những ngày này rộn ràng khí thế kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh, được nghe những người trực tiếp đón Bác về thăm mỏ năm ấy kể chuyện, càng thấm thía hơn về tình cảm, sự quan tâm của Người với thợ mỏ.
Chuyện đón Bác Hồ về thăm mỏ
Bác Hồ thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30-3-1959. |
Ông Đỗ Thế Việt (SN 1928), Bí thư đầu tiên của Cẩm Phả, nay tuy đã yếu nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Ông là một trong những người được gặp Bác trên mỏ Đèo Nai năm 1959. Tiếp chúng tôi, ban đầu ông phải kê một chiếc gối để ngả người ra sa-lông và thi thoảng lại phải nghỉ để lấy hơi mới kể tiếp được câu chuyện về Bác. Nhưng càng về sau, ông kể càng sôi nổi và cảm giác mệt nhọc bỗng tan biến mất. Có lúc, ông còn đứng dậy, đi đến bức tường phía đối diện nơi treo tấm ảnh Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai, để giới thiệu về từng người trong ảnh.
Ông kể: Sáng sớm ngày 30-3-1959, tôi được lãnh đạo Khu uỷ Hồng Quảng điện báo Bác Hồ sẽ về thăm vùng than Cẩm Phả. Cấp trên yêu cầu phải bí mật, còn về địa điểm thì chọn nơi nào để Bác vừa thăm mỏ, lại vừa được ngắm cảnh. Tôi nghĩ ngay đến tầng than Đèo Nai, vừa là trung tâm của vùng than Cẩm Phả, vừa có vị thế đẹp, bởi đứng trên đó sẽ bao quát được cả thị xã và vịnh Bái Tử Long.
Tôi gọi cho anh Nguyễn Thanh Đính, lúc đó là Giám đốc Xí nghiệp Than Cẩm Phả để thống nhất kế hoạch đón Bác. Tôi bàn với anh Đính rằng tầm 10 giờ Bác sẽ đến, vì thế phải cho công nhân ca một nghỉ sớm một chút và ca hai thì lên tầng sớm hơn để nhiều thợ mỏ có cơ hội được gặp Bác. Tầm hơn 10 giờ, chiếc răng-rô-ve đưa Bác lên.
Ông Đỗ Thế Việt giới thiệu về những người trong bức ảnh Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai. |
Tôi bảo anh Nguyễn Minh Chính là quản đốc và anh Mai Đức Khâm là bí thư chi bộ công trường, đi cùng Bác lên tầng than 10 theo kế hoạch đã định. Tôi nhớ, hôm ấy đi cùng Bác có đồng chí Lê Thanh Nghị, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (sau là Phó Thủ tướng). Lúc Bác trò chuyện với công nhân, tôi cố đứng gần xem Bác viết gì vào cuốn sổ nhỏ nhưng không đọc được vì Người viết bằng chữ Nho. Đón Bác, tôi vừa mừng, vừa lo.
Lo nhất là khi Bác hỏi những điều cụ thể như trên công trường có bao nhiêu đảng viên, đoàn viên, bao nhiêu nam, nữ công nhân, mỗi ca chạy được bao nhiêu xe. Thú thực lúc đó Bác hỏi bất ngờ thế làm sao mình nắm được. Sợ Bác mắng mình quan liêu nên tôi ướm chừng rồi trả lời. May là khi Bác quay sang hỏi anh em công nhân có đúng thế không, mọi người đều đồng thanh: - Thưa Bác đúng ạ!
Lời Bác trên tầng than Đèo Nai
Ông Mai Hữu Phần, trú tại khu Nam Tiến, phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả năm nay tròn 80 tuổi. Từ vùng quê Ý Yên (Nam Định) ra Vùng mỏ kiếm sống lúc còn rất nhỏ, ông Phần chẳng biết ngày sinh tháng đẻ của mình nên sau này ông chọn Ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ (12-11) làm ngày sinh. Trước giải phóng Khu mỏ, ông làm nhau (đưa cơm lên tầng than cho chủ). Cách mạng thành công, ông được làm công nhân, được đi học, sau này làm cán bộ công đoàn và cán bộ làm công tác văn hoá quần chúng ở mỏ Đèo Nai.
Ông Mai Hữu Phần kể chuyện Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai cho PV Báo Quảng Ninh. |
Ông Mai Hữu Phần giờ đây vẫn còn mạnh khoẻ và minh mẫn lắm. Chúng tôi rất bất ngờ khi chính ông đã đạp xe vài cây số dẫn chúng tôi từ nhà mình sang nhà ông Đỗ Thế Việt, Bí thư đầu tiên của Cẩm Phả và cùng ông Việt kể cho chúng tôi nghe về những lời dạy của Bác Hồ đối với công nhân mỏ trên tầng than Đèo Nai.
Ông Mai Hữu Phần kể, hồi Bác về thăm Đèo Nai, ông là công nhân, kiêm Thư ký công đoàn bộ phận của Công trường than Thủ công, thuộc Xí nghiệp Than Cẩm Phả. Khi Bác đến, ông cùng anh em công nhân vui sướng reo lên: Bác Hồ, Bác Hồ! Bác giơ tay lên bảo anh em ngồi xuống rồi trò chuyện thân tình như người cha trò chuyện với các con.
Trên khai trường than Đèo Nai hôm nay. |
Bác khen công nhân mỏ đã cố gắng trong sản xuất, bảo vệ tốt máy móc. Nhưng Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm là: Chất lượng than còn kém, than cục chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; bảo hộ lao động cũng kém; còn một số cán bộ quan liêu mệnh lệnh.
Bác bảo: “Trước đây bốn, năm năm, khu mỏ này của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ bị bóc lột và đàn áp khổ cực. Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng; để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác thi đua: “Phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua. Muốn thi đua tốt phải giúp đỡ nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ”.
Đối với cán bộ, Bác dạy phải bớt “cạo giấy” để có nửa ngày lao động trực tiếp cùng công nhân, để bớt quan liêu và giải quyết ngay được những vướng mắc trong sản xuất.
Sau khi đi thăm tầng than, Bác vào thẳng nhà ăn trên công trường. Bác hỏi chị em cấp dưỡng cho anh em ăn mấy món. Rồi Bác dặn: - Anh em công nhân mỏ làm việc vất vả, các cô phải cơm dẻo, canh ngọt cho mọi người.
Ông Mai Hữu Phần kể, lúc phải chia tay Bác, ai cũng bịn rịn. Hình ảnh Bác đến thăm công trường Đèo Nai hôm ấy, tận đến hôm nay vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người thợ mỏ như ông.
Đèo Nai làm theo lời Bác
Vinh dự là mỏ than duy nhất được đón Bác Hồ về thăm, hơn nửa thế kỷ qua, những người thợ mỏ ở Đèo Nai luôn khắc sâu ghi nhớ và thực hiện tốt lời Bác dạy. Cán bộ và công nhân nơi đây luôn đẩy mạnh phong trào thi đua để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các kế hoạch đề ra.
Trụ sở Công ty CP than Đèo Nai mới được đầu tư xây dựng. |
Vì thế mà Đèo Nai được Bác Hồ giao cho vinh dự giữ lá cờ thi đua luân lưu khá nhất của ngành Than. Sau này, Đèo Nai còn được 4 lần nhận cờ thưởng của Bác Hồ về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Ngày 24-5-1965, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi. Bác viết: “Bác vui lòng nhận được báo cáo của mỏ đã hoàn thành tốt kế hoạch quý I năm 1965. Bác mong các cô chú hoàn thành kế hoạch cao hơn nữa”.
Trong những chặng đường phát triển sau này, Đèo Nai đã đạt thêm nhiều kết quả xuất sắc. Vì thế nên năm 1998, Đèo Nai được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và đến năm 2000 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngày nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của thợ mỏ Đèo Nai. Cán bộ và công nhân nơi đây đã xây dựng và thực hiện được nề nếp học tập nghiêm túc, trong sinh hoạt và sản xuất thì thực hành tiết kiệm triệt để…
Thợ mỏ Đèo Nai giao ca đầu giờ. |
Trong giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế hiện nay, thợ mỏ Đèo Nai tiếp tục thực hiện thật tốt những điều Bác dặn về tinh thần làm chủ, đoàn kết, thực hành tiết kiệm, thi đua, cải tiến quản lý, bảo hộ lao động, khắc phục bệnh quan liêu… để ổn định sản xuất và đời sống công nhân.
Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh, trên khắp các công trường, phân xưởng ở Đèo Nai đang diễn ra khí thế thi đua sôi nổi để chào mừng. Thợ mỏ Đèo Nai đang tiếp tục ghi thêm những thành tích, góp phần xây dựng “ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giầu đẹp”.
[links(left)]
Thái Bình – Ngọc Hà – Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()