Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:46 (GMT +7)
Thợ mỏ làm theo Bác - Lời Người vang mãi
Thứ 5, 26/09/2013 | 16:33:35 [GMT +7] A A
Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến ngành Than và những người thợ ở Vùng mỏ. Đáp lại sự quan tâm của Người, cán bộ và công nhân ngành Than luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Bác, xây dựng “ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giầu đẹp”.
Bác Hồ với công nhân mỏ
Ngay từ giai đoạn bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã rất quan tâm đến đời sống công nhân ở Vùng mỏ. Trong một bài báo tố cáo tội ác của thực dân chủ mỏ, Bác viết: “Một tên cai mỏ than ở Bắc Kỳ đã làm chết một anh thợ bằng cách đánh anh gẫy xương sườn vì anh ta đã dám coi thường nó. Đối với những tên sát nhân ấy, toà án đã ban cho đứa thứ nhất trắng án, đứa thứ hai 2 tháng tù án treo. Thật đúng là một thứ công lý chính tông!”.
Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn dõi theo tinh thần đấu tranh cách mạng “Kỷ luật và Đồng tâm”, khí phách anh hùng của thợ mỏ. Trong báo cáo gửi Bộ Phương Đông (Quốc tế Cộng sản), Bác đã viết: “Khủng bố trắng không làm tiêu tan được ý chí cách mạng của người thợ”. Trong báo cáo này, Bác đã nhắc đến tấm gương và lời nói đanh thép của một công nhân là đồng chí Nguyễn Huy Sán “Tôi là người thợ. Tôi vào Đảng để bênh vực quyền lợi của giai cấp vô sản”.
Chính sự quan tâm, dõi theo và lãnh đạo của Người cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng đã làm cho phong trào công nhân ở Vùng mỏ ngày càng phát triển, đi từ tự phát lên tự giác. Cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12-11-1936 giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ do Đảng ta lãnh đạo.
Và ngay sau khi Vùng mỏ được giải phóng, trong bộn bề công việc của những ngày đầu cách mạng thành công, Người đã ân cần nhắc nhở công nhân mỏ: “Anh em công nhân phải bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, kho tàng và nâng cao sản xuất… Muốn cải thiện đời sống thì phải khôi phục và phát triển kinh tế. Muốn khôi phục và phát triển kinh tế nhanh thì phải thi đua sản xuất và tiết kiệm. Muốn thi đua có kết quả tốt thì tiết kiệm và sản xuất phải đi đôi với nhau”.
Thực hiện tốt lời Bác dạy, ngày 4-10-1957, thợ mỏ và người dân Hồng Gai được đón Bác Hồ về thăm và đến ngày 30-3-1959, Bác Hồ đã đến thăm, nói chuyện với công nhân và cán bộ Mỏ than Đèo Nai. Trên khai trường Đèo Nai, Bác khen ngợi những cố gắng của cán bộ, công nhân mỏ về thành tích giữ gìn máy móc, thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá.
Bác cũng chỉ rõ những khuyết điểm là: Chất lượng than còn kém, công tác bảo hộ lao động yếu… Bác dạy: “Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
Ngày 15-11-1968, trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu ngành Than, Bác căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc…” Và cuối cùng: “Bác mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp”.
Lời Người còn vang mãi
Đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ, lớp lớp công nhân mỏ luôn một lòng hướng về Đảng, về Bác, thực hiện tốt lời Bác dạy.
Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, dù chưa một lần được gặp, nhưng những người thợ mỏ đã tìm chọn những hòn than đen tốt nhất tạc tượng Bác Hồ để tỏ lòng kính yêu và thể hiện quyết tâm đấu tranh giành độc lập dân tộc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn.
Công nhân Vùng mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng ngay từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc và sau này trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã dệt nên truyền thống đấu tranh bất khuất, anh hùng, “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Sản xuất than ở khai trường Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu. |
Ông Nguyễn Danh Ký, nguyên Bí thư Đảng uỷ Than Quảng Ninh chia sẻ: “Trong suốt chiều dài của lịch sử cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đội ngũ công nhân mỏ luôn luôn tin tưởng, cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp sản xuất than, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Bác Hồ. Đó chính là tình cảm và lòng biết ơn của công nhân mỏ với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, kể từ khi tiếp quản Vùng mỏ từ tay thực dân Pháp (25-4-1955) đến những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất. Với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, những người thợ mỏ đã thi đua không ngừng, lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Để xây dựng “ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”, thợ mỏ Quảng Ninh đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để ngành Than có những bước phát triển không ngừng.
Chỉ trong gần hai thập kỷ gần đây, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng rất cao. Sản lượng than khai thác năm 1994 (khi mới thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam) mới chỉ đạt 7,148 triệu tấn, thì sau 15 năm (năm 2009) sản lượng đã tăng lên mức 45,5 triệu tấn, gấp 6,36 lần; cứ 5 năm tổng doanh thu toàn Tập đoàn lại tăng gấp đôi. Từ đó, thu nhập và đời sống của thợ mỏ được đảm bảo và cải thiện đáng kể.
Công tác an sinh xã hội trên địa bàn, nơi các đơn vị của Tập đoàn đứng chân, được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý tài nguyên, chăm lo gìn giữ, cải thiện môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản được chú trọng và đạt những kết quả quan trọng. Vị thế và thương hiệu VINACOMIN được đánh giá cao trong nền kinh tế nước nhà cũng như trong con mắt bạn hàng quốc tế.
Trong giai đoạn hiện tại, nền kinh tế nước nhà nói chung, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nói riêng đang chịu tác động mạnh mẽ của suy thoái kinh tế thế giới. Trong khi đó, các đơn vị của Tập đoàn đang chuyển nhanh công nghệ khai thác xuống sâu, các chi phí về thăm dò, khai thác, vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động, môi trường ... đều tăng cao; suất đầu tư cao, nhu cầu về vốn rất lớn.
Trong lúc khó khăn này, những lời dạy của Bác Hồ: “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao”, “Muốn khôi phục và phát triển kinh tế nhanh thì phải thi đua sản xuất và tiết kiệm. Muốn thi đua có kết quả tốt thì tiết kiệm và sản xuất phải đi đôi với nhau”… đang được thợ mỏ tiếp tục triển khai thực hiện để xây dựng “ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp".
[links(left)]
Thái Bình - Tạ Quân - Ngọc Hà
Liên kết website
Ý kiến ()