Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 04:17 (GMT +7)
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Hướng tới trở thành hình mẫu trong chuyển đổi số
Thứ 2, 17/07/2023 | 14:15:41 [GMT +7] A A
Với quyết tâm đưa Quảng Ninh trở thành hình mẫu về chuyển đổi số, đầu năm 2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay sau hơn 1 năm thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Nghị quyết xác định 20 mục tiêu, đi kèm với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đến năm 2025 ở cả 3 trụ cột chính là chính quyền số (10 mục tiêu), kinh tế số (5 mục tiêu), xã hội số (5 mục tiêu). Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, tỉnh thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; thành lập Tổ công tác chuyển đổi số của tỉnh; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Trong năm 2022, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ TT&TT, các bộ, ngành trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo đã ban hành 32 quyết định, 28 kế hoạch, 28 thông báo, trên 30 văn bản chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh. Trong đó quan trọng nhất là Kế hoạch số 59/KH-UBND (ngày 1/3/2022) "Thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với 27 mục tiêu, 51 nhiệm vụ. Kế hoạch được xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện theo phương châm “Rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ hoàn thành, rõ hiệu quả". Đến hết năm 2022 toàn tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 11 mục tiêu, 19 nhiệm vụ; các mục tiêu, nhiệm vụ khác được triển khai tích cực và tiếp tục điều chỉnh hợp lý.
Năm 2023, trên tinh thần chỉ đạo mới của Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT, các bộ, ngành trung ương, tỉnh tiếp tục ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành về chuyển đổi số toàn diện tỉnh. Trong đó đáng chú ý là Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 17/2/2023 của UBND tỉnh "Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2023"; trong đó giao cụ thể đơn vị chủ trì triển khai, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành. Kế hoạch đề ra 35 chỉ tiêu, 52 nhiệm vụ theo hướng kế thừa, nâng cao mức độ các chỉ tiêu nhiệm vụ đã hoàn thành trong năm 2022, chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi một số chỉ tiêu nhiệm vụ cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
6 tháng đầu năm 2023 có 8 chỉ tiêu, 5 nhiệm vụ được hoàn thành. Trong đó ở cả 3 trục chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đều có chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tiêu biểu: 100% TTHC ban hành mới đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% TTHC được số hóa từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả; 100% nhân lực công nghệ số nòng cốt trong bộ máy nhà nước được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; 93,4% TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến (mục tiêu là 80%); 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông sử dụng hợp đồng điện tử; 99,2% doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh đã thực hiện nộp thuế điện tử (mục tiêu trên 99%); 34,5% hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế điện tử (mục tiêu 30%); 100% khu dân cư tập trung có kết nối internet băng rộng cố định; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 95% (mục tiêu 92%); 89,13% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng (mục tiêu 88%); 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác (mục tiêu 95%); 100% cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số (mục tiêu 95%); 5 đơn vị y tế triển khai bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TTBYT; 100% trường học từ tiểu học đến THPT triển khai học bạ điện tử…
Với những kết quả tích cực đạt được, tỉnh Quảng Ninh được trung ương và các bộ, ngành chức năng ghi nhận, đánh giá cao; nổi bật là vị trí hạng 3 Chỉ số DTI năm 2022, tăng 4 bậc so với năm 2021. Trong đó ở cả 3 trụ cột của chuyển đổi số, Quảng Ninh đều tăng điểm và tăng hạng: Chính quyền số đạt 0,7804 điểm xếp hạng 4 (tăng 0,1428 điểm và 1 bậc so với năm 2021); kinh tế số đạt 0,7187 điểm xếp hạng 9 (tăng 0,2209 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2021); xã hội số đạt 0,6864 điểm, xếp hạng 2 (tăng 0,2084 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2021).
Tỉnh tiếp tục đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện. Trong đó tập trung: Nhanh chóng xây dựng, tạo lập các cơ sở dữ liệu số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tiên phong tổ chức triển khai, chỉ đạo triển khai nền tảng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn TP Hạ Long; xây dựng các sản phẩm truyền thông mới về chuyển đổi số cung cấp tổ công nghệ số cộng đồng theo từng nội dung cụ thể, chủ đề trọng tâm gắn với nhiệm vụ chung của tỉnh, của trung ương để tuyên truyền đến người dân; triển khai Bộ chỉ số đo chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (QN_DTI) và xây dựng phần mềm giám sát đánh giá, trực tuyến theo thời gian thực về mức độ chuyển đổi số cấp sở, ngành, địa phương năm 2023... Cùng với đó, tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trong phát triển hạ tầng, nền tảng số, đảm bảo an toàn thông tin và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho CBCCVC và người dân...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()