Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:11 (GMT +7)
Huyền tích Đầu Gỗ
Thứ 4, 01/05/2013 | 06:51:08 [GMT +7] A A
Vịnh Hạ Long có nhiều đảo, hang động, trong đó có nhiều hang động đã và đang là điểm đến hấp dẫn trong hành trình tham quan của du khách như Trinh Nữ, Hồ Động Tiên, Mê Cung, Sửng Sốt… nhưng có lẽ không có hang động nào có được quy mô và nhiều huyền tích lịch sử như hang Đầu Gỗ. Người Hòn Gai đã lưu truyền câu ca dao: “Hòn Gai có núi Bài Thơ/ Có hang Đầu Gỗ có chùa Long Tiên”. Không phải bỗng nhiên mà hang Đầu Gỗ được người Pháp tôn là “Động của các kỳ quan” và không phải vô tình mà Đầu Gỗ được Bác Hồ - và trước đó vua Khải Định cùng toàn quyền Pháp đến thăm, đề thơ ca ngợi…
“Động của các kỳ quan”
Hang Đầu Gỗ - theo số liệu khảo sát của các nhà khoa học rộng khoảng 5000m2, cửa hang rộng 17m và cao 12m. Hang Đầu Gỗ nằm ở độ cao 27m so với mực nước biển. Hang có cùng độ tuổi kiến tạo với động Thiên Cung - tức được hình thành từ thời Pleixtocen muộn cách ngày nay khoảng 2 triệu năm. Giống như một chiếc điều hoà nhiệt độ khổng lồ, mùa đông nhiệt độ trong hang Đầu Gỗ thì ấm, mùa hè, bên ngoài nóng nực nhưng trong hang lúc nào cũng chỉ 20-22oC.
Hang Đầu Gỗ như tập trung được một quần thể kiến trúc cổ xưa. Cấu trúc hang toát ra một vẻ đẹp cổ kính, hoang sơ và tĩnh mịch với nhiều cột đá, trụ đá, măng đá nhỏ nhắn, cao vút như muốn vươn tận trời xanh... Hang có hệ động thực vật đa dạng phong phú. Do có cửa hang được mở rộng nên độ ẩm trong lòng hang cao, cộng với sự tác động của ánh sáng mặt trời nên có thể thấy ngay được sự phát triển đa dạng của hệ thực vật, đặc biệt là rêu, cây dương xỉ và cây thân gỗ... Đây là một đặc điểm khác biệt so với nhiều hang động khác trên Vịnh Hạ Long.
Không gian rộng lớn bên trong hang Đầu Gỗ (ảnh lớn) và bia đá của vua Khải Định ca ngợi cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long dựng ngay bên trái cửa hang Đầu Gỗ. |
Dưới “bàn tay” tạo hoá của thiên nhiên, hang Đầu Gỗ gồm có ba ngăn chính: Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên, trần hang giống như là một bức “tranh sơn dầu” khổng lồ, mô tả phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những rừng măng, nhũ đá nhiều màu tạo nên nhiều hình thù kỳ lạ tuỳ theo trí tưởng tượng phong phú của mỗi người.
Vượt qua ngăn thứ nhất, qua một khe cửa hẹp, du khách sẽ bước vào ngăn thứ hai của hang. Ánh sáng chiếu vào đây mờ ảo, những bức tranh mới lạ hiện lên long lanh huyền bí. Những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện, những hình ảnh vừa quen thuộc vừa xa lạ... tạo cho con người vừa sợ sệt vừa tò mò. Tới ngăn thứ ba của hang, lòng hang lại đột ngột mở rộng. Bất giác nhìn lên phía trên trong ánh sáng mờ ảo, ta nhận ra bốn xung quanh là hình ảnh toà thành cổ, trên đó đang diễn ra một trận hỗn chiến gươm đao dưới thời các triều đại phong kiến trung cổ khi xưa.
Hẳn vẻ đẹp của hang Đầu Gỗ phải rất thuyết phục khiến tạp chí chuyên về du lịch của Pháp có tựa đề Merveille de Monde (kỳ quan thế giới) xuất bản năm 1938 - khi giới thiệu các danh thắng nổi tiếng thế giới đã vinh danh hang Đầu Gỗ là Grotte des merveilles (động của các kỳ quan). 95 năm trước - tức năm 1918, vua Khải Định và Toàn quyền Pháp Albert Pierre Saraut nhân chuyến đi kinh lý đã ra Vịnh Hạ Long chơi và lên thăm hang Đầu Gỗ. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hoá, nhà vua đã cho làm thơ và bài tựa ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long và hang Đầu Gỗ. Tấm bia kèm theo bản dịch hiện được dựng bên trái cửa hang Đầu Gỗ (không có phần dịch thơ). Trên trán bia và đế bia có trang trí đôi rồng chầu mặt trời; hai diềm bia là các hình mây lửa mang phong cách mỹ thuật cung đình đặc trưng của triều Nguyễn. Trong lời tựa, vua Khải Định đã đặt tên cho động Đầu Gỗ là động “Ngũ sắc tường vân”. Có ý kiến cho rằng, đó là hàm ý vua Khải Định muốn ví vẻ đẹp của động Đầu Gỗ như chùa Tường Vân dựng năm 1843 ở Huế.
Tháng 10-1957, trong chuyến về thăm khu Hồng Quảng, Bác Hồ đã tới tham quan hang Đầu Gỗ. Chuyện kể rằng khi đứng ngắm cảnh tại hang Đầu Gỗ, Người đã dặn những người cùng đi rằng “Các chú phải là người vãn cảnh như Bác, thế mới vui! Cảnh đẹp một người không thể truyền đạt lại cho nhiều người. Tất cả các chú phải cùng Bác thưởng thức”.
Ông Vũ Đức Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn công viên Vạn Cảnh (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) cho biết, có lẽ chính vì danh hiệu tôn vinh năm xưa của tạp chí ở Pháp cộng với giá trị lịch sử, văn hoá của hang Đầu Gỗ khiến “Động của các kỳ quan” được nhiều du khách nước ngoài, nhất là du khách Pháp, Mỹ và các nước châu Âu khác quan tâm và chiếm đa phần trong số lượng khách quốc tế đến tham quan nơi đây.
Đầu Gỗ là gọi chệch từ Giấu Gỗ?
Về nguồn gốc tên gọi Đầu Gỗ, hiện nay, điều thú vị là có rất nhiều dữ liệu khác nhau. Cụ thể, trên các tài liệu giới thiệu du lịch Vịnh Hạ Long và trong dân gian, có 3 cách giải thích khác nhau.
Thuyết thứ nhất, theo truyền tụng của dân chài trên Vịnh Hạ Long thì hang Đầu Gỗ ban đầu có tên là hang Giấu Gỗ vì trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13, hang Đầu Gỗ là nơi quân sĩ nhà Trần cất giấu những chiếc cọc gỗ trước khi đem xuống cắm dưới lòng sông Bạch Đằng. Dân chài gọi là hang Giấu Gỗ, lâu dần gọi chệch mà ra thành Đầu Gỗ(?).
Thuyết thứ 2, thì giải thích dãy đảo Đầu Gỗ có hình cánh cung tạo ra trước hang Đầu Gỗ một vụng kín gió, nên ngư dân thường tụ về đây trong những ngày giông bão, hoặc sau một thời gian đánh bắt, họ thả neo sinh sống đông đúc và sửa chữa đóng lại thuyền bè tại đây nên có nhiều mấu gỗ sót lại. Có lẽ tên hang Đầu Gỗ hình thành từ sự việc này.
Thuyết thứ 3 giải thích, do đảo Đầu Gỗ trông xa có dáng tựa một súc gỗ khổng lồ, có hai lỗ ở đầu để luồn dây thừng nên căn cứ vào hình dáng của đảo, người ta đặt cho hang trên đảo là hang Đầu Gỗ.
Chẳng biết có đúng hay không nhưng nhiều người cho rằng chính một phần vì những huyền tích đó mới khiến người ta tò mò và càng muốn khám phá Đầu Gỗ.
Đại Dương
Về tên gọi Đầu Gỗ, theo tôi, đó là tên của núi Đầu Gỗ. Nếu bạn đi từ Cát Hải (Hải Phòng) sang, bạn sẽ thấy núi giống như súc gỗ có hai lỗ nên dân chài gọi núi Đầu Gỗ. Hang trên núi thì gọi là hang Đầu Gỗ. Với tấm bia đá của vua Khải Định lập năm 1918 ca ngợi cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long và hang Đầu Gỗ, một thời chúng ta vì tư tưởng bài trừ phong kiến đã ứng xử bằng cách gạch xoá lên văn bia. Tôi cho rằng đó là một điều đáng tiếc. May mắn, tấm bia đến nay vẫn còn. |
Liên kết website
Ý kiến ()