Quân đội Israel lên phương án bơm nước biển vào hệ thống đường hầm Hamas ở Gaza, song phương án này tiềm ẩn nhiều rủi ro về vấn đề nhân đạo.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 3/12 thông báo đã phát hiện 800 lối dẫn xuống hệ thống địa đạo của Hamas kể từ khi phát động chiến dịch ở Dải Gaza. Công binh Israel đã vô hiệu hóa 500 cửa hầm bằng cách kích nổ hoặc bịt kín, đồng thời phá hủy nhiều km tuyến địa đạo chính của nhóm vũ trang.
Tuy nhiên, đây mới là một phần nhỏ của "ma trận" địa đạo mà Hamas đã dày công xây dựng 30 năm qua, ước tính có tổng chiều dài hơn 500 km. Theo Zoran Kusovac, nhà phân tích kỳ cựu củaAl Jazeera, Hamas đã mở hàng chục nghìn lối ra vào địa đạo ở Dải Gaza. Mỗi địa đạo thường có nhiều lối vào, nên trừ khi IDF phá hủy tất cả cửa hầm, lực lượng Hamas vẫn có thể hoạt động bình thường dưới lòng đất.
Thay vì tìm kiếm và phá hủy từng cửa hầm, quân đội Israel đang cân nhắc phương án bơm nước biển từ Địa Trung Hải vào mạng lưới địa đạo của Hamas để phá hủy chúng,Wall Street Journalngày 4/12 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên.
Theo các quan chức này, IDF từ giữa tháng trước đã lắp đặt ít nhất năm máy bơm cỡ lớn ở gần trại tị nạn Al-Shati. Những máy bơm này bơm hàng nghìn mét khối nước biển mỗi giờ để làm ngập toàn bộ hệ thống đường hầm ở Dải Gaza.
Israel đã thông báo với Mỹ về kế hoạch bơm nước nhấn chìm địa đạo Hamas vào đầu tháng trước, song hiện chưa quyết định có tiến hành phương án này hay không.
"Kế hoạch của Israel gây ra phản ứng trái chiều trong chính trường Mỹ, liên quan tới tính khả thi và tác động tới môi trường khi so sánh với giá trị quân sự mà nó mang lại", các quan chức này cho biết.
Một số quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại về kế hoạch, trong khi số khác nói Washington ủng hộ Tel Aviv, thêm rằng "không nhất thiết phải có sự phản đối nào của Mỹ với phương án này".
Chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa phản hồi về thông tin. Một quan chức IDF từ chối đưa ra bình luận, song nhấn mạnh lực lượng này đang "nỗ lực triệt phá hạ tầng của Hamas bằng nhiều cách, sử dụng nhiều công cụ khác nhau về công nghệ và quân sự".
Một nguồn thạo tin với kế hoạch tác chiến của Israel cho hay quá trình bơm nước được tiến hành trong vài tuần, đủ thời gian cho các thành viên Hamas và con tin rời khỏi đường hầm trước khi chúng bị ngập.
"Chúng tôi không chắc kế hoạch sẽ thành công tới mức độ nào, bởi không ai biết được chi tiết của hệ thống địa đạo và nền đất xung quanh", nguồn tin nói. "Chưa có ai trong chúng tôi từng vào đường hầm, nên không thể dự đoán nước sẽ rút đi như thế nào".
Hiện không rõ quân đội Israel định bơm nước vào địa đạo trước hay sau khi toàn bộ con tin ở Dải Gaza được thả. Hamas ước tính còn giữ khoảng 104 con tin, phần lớn được cho là bị giam trong địa đạo dưới lòng đất.
Mối lo ngại khác là ảnh hưởng của kế hoạch này tới môi trường sống ở Dải Gaza, đặc biệt là nguồn nước. Phần lớn người dân ở vùng lãnh thổ hiện không được tiếp cận với nước sạch, trong bối cảnh nhiều nhà máy lọc nước tại đây đang phải ngừng hoạt động do chiến sự. Trong ba đường ống cấp nước từ Israel vào Dải Gaza, một đường đã đóng và hai tuyến còn lại bị giảm mạnh công suất.
Liên Hợp Quốc cho biết trung bình mỗi người dân ở Gaza được nhận khoảng ba lít nước một ngày, bằng 1/5 lượng nước sinh hoạt tối thiểu theo tiêu chuẩn thế giới. Một cựu quan chức Mỹ nhận định hệ thống nước, vệ sinh ở Dải Gaza đã bị hư hại và ô nhiễm nặng nề do xung đột, cần được cộng đồng quốc tế hỗ trợ xây dựng lại sau khi chiến sự kết thúc.
Theo Wim Zwijnenburg, nhà nghiên cứu tác động của chiến tranh tới môi trường tại tổ chức phi chính phủ PAX, trụ sở ở Hà Lan, việc bơm nước biển ngập đường hầm có thể khiến các chất độc hại từ vũ khí, nhiên liệu chế tạo rocket mà Hamas cất trữ trong địa đạo thấm xuống lòng đất, làm ô nhiễm mạch nước ngầm ở Dải Gaza, vốn đang bị nhiễm mặn do ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng.
"Ngay cả khi hệ thống địa đạo của Hamas đã bị hư hại hơn 30% do chiến sự, quân đội Israel vẫn cần phải bơm khoảng một triệu mét khối nước biển nữa để vô hiệu hóa phần còn lại", Zwijnenburg nói.
Trong khi đó, Jon Alterman, phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ, cho biết khó có thể dự đoán đầy đủ tác động của việc bơm nước biển vào địa đạo, do không rõ mức độ thẩm thấu của hệ thống đường hầm.
"Không dễ xác định kế hoạch của Israel sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến hạ tầng nước và vệ sinh ở Dải Gaza, cũng như trữ lượng nước ngầm và độ ổn định của các công trình lân cận", Alterman nói.
Quân đội Ai Cập năm 2015 từng bơm nước biển làm ngập địa đạo do các nhóm buôn lậu vận hành dưới cửa khẩu Rafah ở biên giới với Dải Gaza, song biện pháp này đã ảnh hưởng tới hoa màu của nông dân canh tác gần đó, khiến nhiều người phàn nàn.
Một cựu quan chức Mỹ thừa nhận nếu Israel thực hiện kế hoạch này, Washington sẽ bị đẩy vào "tình thế khó khăn", có thể khiến chính quyền ông Biden hứng chịu sự lên án của cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh Tel Aviv đang bị chỉ trích liên quan tới thương vong lớn ở Dải Gaza trong chiến dịch.
Cơ quan y tế ở Dải Gaza cho biết ít nhất 15.800 người đã thiệt mạng và hơn 42.000 người bị thương bởi các cuộc tấn công của Israel vào dải đất sau cuộc đột kích của Hamas hôm 7/10.
Mick Mulroy, cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định việc bơm nước làm ngập đường hầm là một chiến thuật hiệu quả để buộc các tay súng Hamas phải rời khỏi lòng đất, thay vì chọn phương pháp nhiều rủi ro là điều bộ binh tiến vào trong để tiêu diệt các ổ đề kháng.
"Tuy nhiên, nếu nước ngầm bị nhiễm mặn do phương pháp này, một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể bùng phát ở Dải Gaza", Mulroy cho biết.
Ý kiến ()