4
18
/
1100211
Kề vai sát cánh, kiên cường bám trụ nơi bìa rừng
longform
Kề vai sát cánh, kiên cường bám trụ nơi bìa rừng

Từ trung tâm huyện Ba Chẽ lên xã Lương Mông gần 50km nhưng từ xã Lương Mông đến trung tâm huyện Sơn Động (Bắc Giang) chỉ 20km. Do vị trí đặc biệt nằm ở nơi cửa ngõ giao thương của 2 huyện, 2 tỉnh nên từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tỉnh đã quyết định thiết lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại đây. Chốt được đặt tại thôn Xóm Mới (xã Lương Mông), vị trí dựng chốt sát với các cánh rừng của người dân. Gần 5 tháng cùng nhau cắm chốt 24/24h ở nơi trùng điệp núi rừng, thưa thớt những nếp nhà, những người trực chốt coi nhau là một gia đình, cùng ăn, cùng ở để cùng nỗ lực hết mình cho nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”.

Khi các đợt dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Ba Chẽ đã thành lập các chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ giao thông, giáp ranh với các tỉnh bạn nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ người và phương tiện ra vào địa bàn. Cách trung tâm huyện gần 50km đường bộ, chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại thôn Xóm Mới, xã Lương Mông là nơi chắn thủ trên tuyến độc đạo đường tỉnh 330 từ huyện Ba Chẽ sang huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang (3 chốt còn lại đều là cửa ngõ của huyện sang tỉnh Lạng Sơn).

Khác với những cửa ngõ khác trong toàn tỉnh, thử thách với chốt chặn này không phải là áp lực hàng ngàn lượt xe mỗi ngày phải kiểm soát, mà lại đến từ chính đặc thù địa bàn hẻo lánh của địa bàn xa xôi nhất của huyện. Tại đây dân cư thưa thớt, bốn bề chỉ một màu xanh mênh mông rừng núi. Tuyến đường tỉnh 330 nơi đặt chốt kiểm soát cũng không phải tuyến giao thương chính của hai địa phương, mà chủ yếu chỉ có các chuyến xe chở vật liệu xây dựng, hàng hóa tiêu dùng và các phương tiện cá nhân của người dân các xã giáp ranh qua lại để làm thuê và trở lại ngay trong ngày. Tuy nhiên, đây lại chính là yếu tố mà những đối tượng cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch sẽ lợi dụng để tìm cách qua mặt lực lượng chức năng, trốn tránh quy định chặt chẽ của Quảng Ninh để di chuyển vào nội tỉnh.

Hiểu rõ đặc thù của địa bàn, lực lượng liên ngành trực tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Lương Mông càng nêu cao tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Họ hiểu rằng, nỗ lực của từng người, trong từng phút của ca trực cũng đang đóng góp vào mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn của huyện Ba Chẽ nói riêng, của toàn tỉnh nói chung. Trong đó có cả gia đình thân yêu của họ nơi quê nhà, những người luôn là hậu phương vững chắc, động viên những chiến sĩ tuyến đầu gác lại niềm riêng, khắc phục khó khăn để kiên cường chống giặc Covid-19.

Ca trực ngày 12/9/2021, chốt kiểm soát dịch Covid-19 xã Lương Mông có 1 tổ gồm 4 người đang làm việc, đúng theo phân công trực luân phiên của toàn đội. Thượng sĩ Đặng Văn Quang, Công an huyện Ba Chẽ, được giao nhiệm vụ tổ trưởng trong suốt ca trực này, tức là phụ trách chỉ đạo chung, đảm bảo sự phối hợp công việc hiệu quả nhất giữa các thành viên. Anh cũng là người có trách nhiệm cuối cùng về việc quyết định cho từng người, phương tiện đến chốt chặn có được tiếp tục hành trình qua chốt, hay phải quay lại. Rồi đến việc áp dụng hình thức qua chốt thế nào, xe được đi thẳng theo đúng khai báo và đáp ứng quy định thủ tục, hay chỉ được chuyển hàng đã được phun khử khuẩn qua chốt để lên xe trung chuyển, hay thậm chí là chuyển thẳng người đi cách ly tập trung trong tình huống đặc biệt...

Thượng sĩ Đặng Văn Quang kể lại: Khi chốt mới được lập thì chỉ là một lều dã chiến dựng tạm trên khoảnh đất trống lổn nhổn đất đá. Anh em trực chốt đều ăn nghỉ, làm việc trong điều kiện lều bạt như vậy, thời gian đầu quả thực vất vả. Ban ngày thì cái nắng gay gắt của mùa hè phả xuống, không ai dám bước vào lều mà tranh thủ tránh dưới tán cây tìm chút bóng mát và cơn gió rừng. Ấy thế mà trên mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi. Ban đêm thì muỗi rừng bay từng đàn, rắn rết từ trong bờ bụi rậm rạp, ẩm ướt cứ bò cả vào chốt. Anh em lại phải nhờ mua và đốt thêm thật nhiều nhang thơm để đuổi côn trùng. Rồi những buổi chiều đổ cơn mưa giông, từng luồng gió thốc xuống theo sườn đèo như muốn nhăm nhe cuốn bay cả lều bạt...

Sau khi lập chốt không lâu, vào trung tuần tháng 5/2021, đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã đến kiểm tra, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại xã Lương Mông. Theo chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm vụ bảo vệ địa bàn tỉnh an toàn trước làn sóng đại dịch càng phải quyết liệt hơn nữa. Bởi phía Bắc Giang thời điểm đó đã xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng. Thậm chí ngay tại huyện Sơn Động giáp ranh với Ba Chẽ, cũng đã phải đưa 1 thôn vào thiết lập vùng cách ly y tế, thực hiện giãn cách toàn xã hội đối với 5 thôn khác; áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung bắt buộc cho 70 trường hợp là F1... Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho cả hệ thống chính trị huyện Ba Chẽ, và lực lượng chống dịch tại xã Lương Mông nói riêng, càng thêm nặng nề. Trong thời điểm đó cùng với cả tỉnh thực hiện chiến dịch cao điểm chặn dịch từ bên ngoài, các lực lượng trực tại chốt đã căng mình, kiên cường bám trụ ngày đêm, không để lọt bất kỳ đối tượng nào có nguy cơ mang mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Khi dịch bệnh phức tạp ngay tại địa bàn giáp ranh, chính là những ngày cao điểm nhất. Toàn chốt liên tục cập nhật chỉ đạo mới nhất của huyện, của tỉnh và thông tin từ tỉnh bạn, siết chặt hơn nữa việc người dân đi, đến vùng nghi có dịch. Đặc biệt là kiểm tra kỹ lưỡng thông tin khai báo, từ chối cho lưu thông nếu không có việc thực sự cần thiết. Dù không phải “ngăn sông cấm chợ”, người dân vẫn được tạo điều kiện để qua lại bình thường, song phải nghiêm túc chấp hành các quy định an toàn chung. Khi có người và phương tiện đến chốt, lực lượng liên ngành đều thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, lịch sử đi lại của toàn bộ người đi vào địa bàn; kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên các phương tiện vận tải công cộng, đảm bảo 100% người dân đeo khẩu trang, phương tiện có trang bị nước rửa tay sát khuẩn... Có thể nói, 1 ngày bám chốt thì trọn vẹn 24 giờ, người trực phải luôn sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác cao độ để ứng phó với mọi tình huống.

Nối tiếp câu chuyện, bác sĩ Hoàng Văn Thái, Trạm y tế xã Lương Mông, chia sẻ: “Anh em chúng tôi luôn vững vàng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau chuyến thăm, kiểm tra của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chốt kiểm soát cũng đã được quan tâm xây dựng kiên cố, vững chãi hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trực chiến chống giặc Covid-19 lâu dài. Công việc phối hợp cũng nhanh chóng trở nên nhịp nhàng, ăn ý vô cùng, bởi đã rõ trách nhiệm của mình theo phân công công việc và quy trình an toàn chung. Anh em thì qua thời gian gắn bó cùng nhau làm nhiệm vụ, cũng trở nên thân thiết chẳng khác gì người nhà. Một câu bông đùa cũng khiến cho mọi khó khăn, mệt nhọc tan theo tiếng cười nói rôm rả”.

Câu chuyện của chúng tôi đang dang dở thì có một chiếc xe chở hàng từ phía Bắc Giang tiến dần về phía chốt kiểm soát, dừng lại trước thanh barie chắn ngang. Trong lúc Thượng sĩ Đặng Văn Quang tiến nhanh về phía cửa cabin để kiểm tra niêm phong theo quy định, thì bác sĩ Hoàng Văn Thái cũng nhanh chóng làm công việc của mình. Anh là người phụ trách việc kiểm tra giấy tờ cá nhân và phiếu xét nghiệm Covid-19 của mọi người lưu thông qua chốt. Toàn bộ thông tin về số lượng phương tiện ô tô, xe máy, số người được kiểm tra, tình trạng sức khỏe của từng trường hợp... đều được anh ghi chép tỉ mỉ vào sổ, đồng thời tổng hợp vào báo cáo 2 lần/ngày gửi về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của xã và Phòng Y tế huyện. Ngoài nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng còn vào vai tuyên truyền viên hướng dẫn cho người đi đường các quy định về giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm...

Mỗi ca trực tại chốt kiểm soát chống dịch Covid-19 xã Lương Mông kéo dài 24 tiếng đồng hồ. Cứ 6h tối mỗi ngày, sẽ có một tổ 4 người đến thay ca cho đồng đội được về nghỉ ngơi sau ngày dài “cắm chốt” không rời nửa bước. Thế nhưng vẫn có ngoại lệ. Đại úy Hoàng Văn Chung, cán bộ Ban CHQS huyện Ba Chẽ, là người có ca trực kéo dài nhất. Suốt gần 3 tháng nay anh đều ăn ngủ tại nơi bìa rừng hẻo lánh này. Đã qua nhiều năm rèn luyện trong môi trường kỷ luật, từng trải qua không ít những điều kiện sinh hoạt, công tác khó khăn vô cùng, đã giúp người quân nhân này không hề nao núng khi nhận nhiệm vụ trực chốt hàng tuần liền. Với anh, khoảng thời gian này trở nên thật đáng trân trọng khi anh có thêm những người đồng đội thân tình, chia sẻ với nhau từng bữa cơm, giấc ngủ vội vàng giữa ca trực, hỗ trợ nhau cùng cố gắng trong những tình huống gian nan nhất.

Đại úy Hoàng Văn Chung kể: Chỉ mới vài ngày trước thôi, khi trên nguồn đổ cơn mưa lớn trong đêm, nước lũ từ khe suối dâng cao đột ngột tràn cả vào điểm trực, ngập ngang chân giường. Thế là các anh em mất cả đêm để thu dọn đồ đạc dời lên chỗ cao, nhất là những thiết bị điện để tránh hư hỏng. May là nước rút đi cũng rất nhanh. Lúc ấy mới bình tĩnh quay lại nhìn nhau, thấy ai cũng đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, thế là cười vang cả góc rừng. Rồi lại có những buổi sáng sương mù dày đặc hạn chế tầm nhìn, ngay cả chiếc camera của chốt là loại tích hợp đèn hồng ngoại có thể ghi hình trong đêm, cũng không phát huy được tác dụng. Khi ấy, mọi người lại bản nhau phải tỏa ra quanh chốt, căng mắt, căng tai, nêu cao tinh thần cảnh giác hơn bao giờ hết. Còn có không ít lần đến bữa cơm, 2 người tranh thủ ăn trước, để 2 người còn lại làm thủ tục kiểm tra cho người và xe qua lại. Còn khi màn đêm đen đặc của núi rừng buông xuống, những người đồng đội lại luân phiên nhau người đứng gác, người tuần tra, người tranh thủ ngả lưng cho đỡ mỏi. Lúc ấy, Đại úy Hoàng Văn Chung thường gọi điện về hỏi thăm nhà.

Gần 5 tháng làm nhiệm vụ, cũng là từng ấy thời gian lực lượng bám chốt cảm nhận rõ tinh thần đoàn kết, gắn bó quân dân. Nơi dựng chốt kiểm soát là điểm xa khu dân cư nhất của thôn Xóm Mới, xã Lương Mông. Thế là từ khi dựng chốt đến nay, nhiều bà con trong thôn có dịp tranh thủ qua lại hỏi thăm lực lượng làm nhiệm vụ. Khi thì họ tặng túi khoai lang, vài quả trứng hoặc là bó rau xanh nhà trồng. Khi thì các bà, các chị lại tiện đường đi chợ, thì lại mua thực phẩm giúp anh em trên chốt trong ngày mà phương tiện qua lại tăng đột biến. Rồi có cả 1 hộ dân cho anh em trực chốt dùng chung đường dây, kéo điện về chốt để bật thêm chiếc quạt máy lúc trưa nắng gắt, cắm thêm vài bóng đèn chiếu sáng khi tối trời...

Những ca trực cứ thế nối tiếp nhau, mang theo quyết tâm cao nhất của từng người trong lực lượng tham gia trực chốt, góp sức cho ngày chiến thắng đại dịch Covid-19. Ở đó, còn có những người đồng đội đang ngày đêm kề vai sát cánh, có tình nghĩa đồng bào đoàn kết, sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh cho họ thêm kiên cường.

Năm nay đã 60 tuổi, nhưng tôi thấy mình vẫn có thừa sức khỏe và tinh thần để cống hiến cho cộng đồng, làm thật nhiều việc ý nghĩa. Đặc biệt là nhìn dịch bệnh Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, bản thân tôi không thể đứng ngoài cuộc.

Cũng có người quen đã khuyên can tôi, rằng tuổi cao thì nên ở nhà, bởi virus lây lan nhanh, không may nhiễm bệnh thì quá nguy hiểm. Nhưng tôi thì lại nghĩ, nếu ai cũng sợ, không dám tham gia theo khả năng của mình, thì làm sao có thể chặn đứng và đẩy lùi được giặc Covid-19 chứ? Hơn nữa, khi tham gia làm nhiệm vụ, tôi luôn thực hiện nghiêm theo quy định 5K để bảo vệ bản thân mình và cộng đồng.

Tham gia trực chốt cùng những đồng đội trẻ tuổi, tôi thấy mình cũng như được “lây” nhiệt huyết, tinh thần tích cực từ họ. Cứ ngỡ các thế hệ khác nhau chắc khó hợp nói chuyện, nhưng khi đã gắn kết với nhau cùng làm nhiệm vụ thì mọi người hòa đồng rất nhanh. Các cháu trẻ tuổi còn rất thích được nghe tôi kể lại câu chuyện xưa trong làng, về những giai đoạn nghèo khó các gia đình vẫn quấn túm cùng nhau, về thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ...

Những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm soát, chống dịch ở đây gặp nhiều khó khăn, vất vả, từ việc lán trại tạm bợ, điện nước sinh hoạt thiếu thốn, rồi đến công tác hậu cần khó khăn bởi trong ca trực thì không thể rời khỏi địa bàn đóng chốt... Ấy thế mà họ vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ an toàn cho nhân dân. Chứng kiến điều này, chúng tôi đều rất chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ tổ công tác yên tâm vững vàng bám chốt, chặn đứng dịch.

Như chính gia đình tôi, vì ở gần nơi dựng chốt kiểm soát nhất, nên đã tạo điều kiện để đấu nối điện sinh hoạt của gia đình ra chốt cho anh em sử dụng sinh hoạt. Người nào trực chốt nhiều ngày thì đều qua nhà tôi để tắm rửa cho thuận tiện. Nhiều người dân trong thôn còn đi chợ hộ, có nhà còn quý mến, mang biếu tận chốt nào thịt cá, rau xanh, hoa quả, thùng mì tôm... để hỗ trợ anh em làm nhiệm vụ được cải thiện bữa cơm mỗi ngày. Chỉ mong rằng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để mọi người đỡ vất cả, bà con trong thôn yên tâm đi lại, sản xuất thuận lợi như trước kia.


Chỉ đạo sản xuất: Lan Hương

Thực hiện: Hoàng Giang

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt


Đêm trắng ở chốt cầu Bạch Đằng
Những đôi mắt quầng thâm, trũng sâu vì thiếu ngủ, những giọng nói khản đặc dưới lớp khẩu trang kia đã rất mệt mỏi...  
   
“Thành trì” ở cửa ngõ phía Tây
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trọng yếu nơi cửa ngõ phía Tây Quảng Ninh, những lực lượng làm nhiệm vụ nơi đây đã xây dựng một “thành trì” vững chắc.   
   
Ở lưng đèo Hạ My
Chốt liên ngành kiểm soát dịch Covid-19 trên Quốc lộ 279 nằm giữa đèo Hạ My - con đèo nối tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.   
   
Những người gác chốt cầu Đá Vách, cầu Triều
2 chốt ở cầu Đá Vách và cầu Triều thành lập muộn hơn, hoạt động thì linh hoạt, tùy từng thời điểm…    
   
Những người gác cửa biển
Các anh em tại Chốt kiểm soát này, hiểu rõ giá trị của “vùng xanh an toàn”, luôn sẵn sàng, quyết tâm bảo vệ, giữ vững thành quả này đến cùng”.   
   
"Ngôi nhà container" trên Quốc lộ 4B
Dù rộng chưa đầy 15m2, nhưng đây lại là nơi sinh hoạt luân phiên của gần 50 cán bộ, chiến sĩ trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ Quảng Ninh nối với tỉnh Lạng Sơn.    
   
Sức dân nơi chốt cửa ngõ Đá Bạc
Tại chốt gác này, ngoài các lực lượng chức năng, có các tình nguyện làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân làm thủ tục khai báo y tế và kiêm luôn phục vụ hậu cần.