Chốt cầu Đá Bạc buổi chiều đầu thu đứng gió, cái nóng hầm hập như chà xát vào không gian rồi phả vào mặt đến bỏng rát, thế nhưng lực lượng chống dịch tại đây vẫn cần mẫn với công việc kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vào ra địa phận tỉnh. Tại chốt gác này, ngoài các lực lượng chức năng, chúng tôi để ý đến chàng trai mặc áo xanh tình nguyện làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân làm thủ tục khai báo y tế và kiêm luôn phục vụ hậu cần. Khẩu trang dù kín mít nhưng cũng không giấu đi được khuôn mặt trẻ măng, ánh mắt tràn đầy niềm tin của chàng trai trẻ.
Hỏi ra mới biết, đây là bạn Trần Vũ Đức Đông (phường Quang Trung, TP Uông Bí), một tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch tại chốt. Được biết em vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Dù mới trải qua kỳ thi căng thẳng, nhưng Đông không dành một ngày nào để nghỉ ngơi mà tiếp tục tình nguyện ra tuyến đầu cùng chống dịch. Điều đặc biệt, không phải bây giờ mà trước kỳ thi Đông cũng đã cùng Đoàn thanh niên phường tham gia chống dịch ở chốt này và em đã trở thành F1 ngay trước kỳ thi vài ngày.
Kể lại với chúng tôi về kỷ niệm đáng nhớ của mình, Đông cho biết: “Chiều 24/6, chỉ còn đúng một ngày cuối cùng để ôn thi trên trường thì em nhận được tin mình trở thành F1 và phải đi cách ly ngay tại Khu cách ly tập trung phường Trưng Vương. Trước đó vào 3h sáng ngày 23/6 có một ca F0 đi qua chốt kiểm soát cầu Đá Bạc và em là người trực đêm tại chốt hôm đó đồng thời cũng là người có tiếp xúc gần nhất khi cầm điện thoại của F0 để giúp khai báo y tế điện tử. Gia đình em neo người, bố mất sớm, chị gái đang làm việc trên Hà Nội, nhà chỉ có 1 mẹ, 1 con nên khi vào khu cách ly, em cũng hoang mang, lo lắng vô cùng. Một phần vì thương mẹ giờ cũng phải tự cách ly ở nhà, ruộng vườn không có ai chăm, một phần vì ảnh hưởng tâm lý lỡ mình bị nhiễm bệnh. Trong khu cách ly không có internet, lại chỉ có mình em là học sinh nên việc ôn thi gặp không ít khó khăn. May mắn là em đã được thầy cô, các bạn gửi tài liệu và hỗ trợ rất nhiệt tình. Với sự quan tâm, động viên từ mọi người nên sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, em đã yên tâm, tự tin hơn để tập trung cho việc ôn thi. Niềm vui lớn nhất là sau khi trở thành thí sinh đặc biệt, được sở hữu một mình một phòng thi, với 23,6 điểm, em đã đạt được ước mơ trở thành sinh viên của Trường Đại học Thế dục Thế thao Hà Nội ở bộ môn võ thuật”.
Trần Vũ Đức Đông tham gia chống dịch ở chốt cầu Đá Bạc từ cuối tháng 1/2021 khi Quảng Ninh xuất hiện ca F0 đầu tiên trong cộng đồng. Ngay khi đọc được thông tin trên mạng xã hội và qua các bạn đoàn thanh niên của phường về việc tăng cường lực lượng tham gia tình nguyện tại chốt, Đông đã ngay lập tức gọi điện cho Bí thư Thành đoàn phường Quang Trung để xin được đi. Cầu Đá Bạc cách nhà tận 20km, đều đặn 2 lần/tuần, Đông đi xe máy điện lên chốt để tham gia hỗ trợ cùng với các lực lượng chức năng. Công việc hàng ngày của Đông là kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, hướng dẫn người dân xếp hàng và thực hiện giãn cách tại chốt để thực hiện khai báo y tế.
Vì lượng người và phương tiện trở về từ các nơi lưu thông qua chốt rất lớn, có những thời điểm lên tới 2.000-3.000 người/ngày nên gần như những đêm trên chốt, là những đêm thức trắng của Đông.
Mặc dù, việc tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày đến từ các địa phương khác nhau, khiến nguy cơ lây nhiễm luôn chực chờ, thế nhưng Đông chưa bao giờ chùn bước. Minh chứng rõ nét nhất là ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và hoàn thành đủ thời gian cách ly, Đông lại tiếp tục thuyết phục mẹ cho quay trở lại trực chốt. Điều đáng trân trọng ở chàng trai trẻ này là trong suốt câu chuyện với chúng tôi, Đông chưa bao giờ nhắc đến sự vất vả của mình, chưa hề nhắc đến sự cô đơn khi ở trong khu cách ly, hay sự sợ hãi khi nhận kết quả xét nghiệm. Chỉ có sự lạc quan, tinh thần được cống hiến và học hỏi mới là điều mà Đông nhắc đến nhiều nhất. “Là thanh niên, em luôn muốn cống hiến và làm những việc có ích trước tiên cho thành phố mình đang sống, mở rộng ra là toàn tỉnh và trên cả dải đất hình chữ S. Tham gia chống dịch em đã học được thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhận thức, kỹ năng kiểm soát mình và hiểu biết tâm lý mọi người. Ngoài ra em còn học được cách làm việc theo tập thể, cách phòng, chống dịch của ngành y và thấu hiểu hơn nỗi vất vả của các lực lượng chức năng... Những trải nghiệm này sẽ trở thành vô giá trên hành trình tuổi trẻ của em”. Đông chia sẻ!
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian qua thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, TP Uông Bí đã nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống dịch, đặc biệt siết chặt việc kiểm soát người và phương tiện tại chốt kiểm soát liên ngành cầu Đá Bạc, phường Phương Nam, TP Uông Bí – một trong những “lá chắn thép” của tỉnh Quảng Ninh.
Đây là chốt kiểm soát có địa hình phức tạp bậc nhất trong các chốt, trạm trên địa bàn tỉnh do trước chốt có đoạn tiếp giáp khu dân cư Đá Bạc với 40 hộ dân, có đường ruộng, sông, đê… gây khó khăn cho công tác kiểm soát, quản lý. Sớm thấy rõ điều này, ngoài trạm kiểm soát chính tại cầu Đá Bạc, TP Uông Bí đã chỉ đạo phường Phương Nam thành lập 3 chốt kiểm soát phụ để quản lý chặt các đường ngang, ngõ tắt 24/24 giờ. Trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua tại các chốt trực này đều có sự tham gia của lực lượng tình nguyên viên trên địa bàn. Khắc phục khó khăn, không kể ngày nắng, đêm mưa họ luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không lơ là buông lỏng, kiểm soát chặt người và phương tiện vào địa bàn, xây dựng “lá chắn” phòng dịch hiệu quả.
Là một trong những thành viên tình nguyện tham gia trực chốt ngay từ những ngày đầu thành lập, bà Đinh Thị Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Cẩm Hồng (phường Phương Nam, TP Uông Bí), chia sẻ: Dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các lực lượng và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, vất vả để phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh. Hiểu rõ điều đó, những người làm công tác thôn, khu như chúng tôi nguyện đóng góp sức nhỏ để chung tay thực hiện nhiệm vụ này. Dù vất vả nắng mưa, ngày đêm, song chúng tôi luôn cố gắng phối hợp cùng các lực lượng xung kích tham gia trực chốt 3 ca/ngày, kịp thời phát hiện, hạn chế được các trường hợp không xét nghiệm trốn chốt vào địa bàn…
Khu Cẩm Hồng (phường Phương Nam, TP Uông Bí) có địa bàn rộng trải dài gần 3km, nhiều đường mòn, lối mở giáp ranh với TP Hải Phòng và nhiều địa phương khác trong tỉnh, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn rất lớn. Để góp phần giữ vững được địa bàn an toàn, phường đã thành lập một chốt phụ kiểm soát dịch Covid - 19 tại khu Cẩm Hồng với hơn 18 thành viên là các cán bộ khu phố, thành viên các tổ tự quản tham gia. Các thành viên chủ động chia ca trực 24/24h để kiểm soát, kịp thời phát hiện những trường hợp đến từ các địa phương khác xâm nhập vào địa bàn.
Ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, góp sức của các tình nguyện viên đối với công tác phòng dịch, bà Nguyễn Thị Dáng, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam, TP Uông Bí bày tỏ: Tất cả các thành viên khu dân cư, khi tham gia trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 đều trên tinh thần hăng hái, tự nguyện, không đòi hỏi quyền lợi, chế độ. Thêm nữa công việc rất vất vả, đòi hỏi các thành viên trực chốt phải luôn có tinh thần trách nhiệm cao, tính kiên nhẫn, tự giác, vượt khó... nhất là trong điều kiện chốt trực chỉ được dựng tạm, thời tiết nắng, mưa...Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng của họ.
Được biết, ngoài phường Phương Nam, Quang Trung, một số phường, xã khác trên địa bàn TP Uông Bí giáp ranh hay có các tuyến đường đi qua, trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua đều tổ chức các chốt kiểm soát và huy động thành viên khu dân cư tham gia trực chốt. Đến thời điểm này, ngoài các điểm chốt đường bộ còn có 14 điểm chốt đường thủy, số thành viên khu dân cư tham gia trực chốt là gần 100 người. Tại những chốt kiểm soát, hình ảnh của những đoàn viên thanh niên, những người lớn tuổi không quản vất vả đứng chốt, hỗ trợ lực lượng chức năng, hay thậm chí đảm nhận chính công việc kiểm soát là một hình ảnh đẹp của tinh thần đoàn kết, đồng lòng hợp sức, đồng thời cho thấy rõ ý nghĩa của câu nói: Mỗi một người dân là một người chiến sĩ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Từ hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, trong đó thành viên tham gia là người dân tại cơ sở đã cho thấy sự đóng góp lớn của cộng đồng dân cư trong công tác phòng, chống dịch. Họ thực sự là "tai mắt, cánh tay" nối dài của chính quyền, trở thành lực lượng quan trọng xây dựng và bảo vệ địa bàn an toàn dịch bệnh.
Chỉ đạo sản xuất: Minh Thu
Thực hiện: Hoàng Nga
Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn