Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:59 (GMT +7)
Kết quả hội nghị quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc
Thứ 4, 27/03/2024 | 20:13:33 [GMT +7] A A
Ngày 27/3, tại TP Hạ Long đã diễn ra lễ bế mạc hội nghị về quy tắc xuất xứ trong hiệp định ASEAN - Hàn Quốc, với chủ đề “Chuyển đổi Quy tắc cụ thể mặt hàng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc” do Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và Ban Thư ký ASEAN phối hợp tổ chức. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 25-27/3/2024) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ Hàn Quốc, 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Theo quy định của Tổ chức Hải quan Thế giới, mã HS của Hệ thống hài hòa về mô tả và mã hóa hàng hóa được cập nhật thường xuyên 5 năm một lần để đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu thương mại quốc tế. Việc cập nhật này cũng yêu cầu quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc được chuyển đổi.
Theo Ban Tổ chức, nội dung chính của hội nghị là rà soát và hướng tới mục tiêu gần 7.000 dòng thuế của danh mục PSR trong AKFTA được chuyển đổi từ HS 2107 sang HS 2022. Đồng thời, thảo luận tiến độ và cơ chế thực thi quy tắc xuất xứ.
Sau ba ngày làm việc nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm cao, các đại biểu đã hoàn thành chương trình đề ra. Các đại biểu đã tập trung thảo luận chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, có tính xây dựng nhằm hướng đến kết quả báo cáo Tiểu ban Thuế và Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định AKFTA. Ban thư ký ASEAN đã nỗ lực tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các nước. Đồng thời, các nước đã rà soát được từ Chương 1 đến Chương 97 của danh mục PSR và thống nhất tiêu chí xuất xứ của đa số dòng hàng.
Kết quả cuộc họp chính là tiền đề quan trọng để Tiểu ban Thuế và Quy tắc xuất xứ hàng hóa đệ trình lên Ủy ban Thực thi Hiệp định AKFTA thông qua Danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng theo HS mới. Từ đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và ban hành Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ AKFTA, nhằm cập nhật danh mục PSR; tạo thuận lợi cho việc tận dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt AKFTA.
Bên lề Hội nghị, nước chủ nhà Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với đoàn đại biểu Thái Lan và Hàn Quốc. Theo đó, các bên đều đề cao nhận định về tầm quan trọng của việc chuyển đổi PSR và thiết tha kêu gọi các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cũng như các đơn vị liên quan cần có sự quan tâm đúng mực tới vấn đề này.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()