Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:26 (GMT +7)
Khác biệt giữa người có và không tiêm phòng cúm
Thứ 2, 14/11/2022 | 14:13:42 [GMT +7] A A
Không như một số người vẫn nghĩ và chủ quan, bệnh nhân cúm mùa có nguy cơ nhập viện và tử vong không nhỏ.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra với các biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.
Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, thường vào mùa đông xuân, số ca mắc cúm mùa sẽ tăng đột biến và ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhất là những nhà có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già và phụ nữ mang thai.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay bệnh cúm mùa có khả năng lây nhiễm rất cao qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho và hắt hơi. Bệnh lý này cũng có thể lây lan khi người dân tiếp xúc với các vật dụng nhiễm virus như quần áo, đồ dùng hàng ngày…
Cúm mùa không phải bệnh đơn giản
BS Minh chia sẻ một số nghiên cứu được thực hiện trong thời gian gần đây đã cho thấy nguy cơ với sức khỏe đến từ bệnh lý cúm mùa là rất đáng lo ngại.
Cụ thể, số liệu thống kê chỉ ra có tới 75-80% trường hợp tử vong liên quan đến cúm mùa ở người trên 65 tuổi. Đáng chú ý, nguy cơ tử vong tăng gấp 2,4 lần khi một bệnh nhân không may đồng nhiễm virus cúm với SARS-CoV-2 hoặc bất cứ virus nào khác.
Nguy cơ rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim cấp trong vòng 7 ngày sau khi nhiễm virus cúm ở người cũng tăng gấp 6 lần.
Xét trên nguy cơ nhập viện do cúm, tỷ lệ này tăng lên đến 9 lần ở bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), gấp 3 lần ở người bệnh đái tháo đường và gấp 2,4 lần ở phụ nữ mang thai.
Trên thực tế, tỷ lệ mắc cúm mùa trên toàn thế giới lên đến 30% ở trẻ em và 10% ở người lớn.
“Cúm cũng là nguyên nhân của gần 650 nghìn ca tử vong mỗi năm trên thế giới”, vị chuyên gia nói thêm.
Hiểu đúng về vaccine cúm
Theo BS Nguyễn Hiền Minh, hiện nay, chủng virus cúm A và B là nguyên nhân chủ yếu gây ra các đợt dịch hoặc đại dịch cúm.
“Virus cúm biến đổi liên tục nên hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ đưa ra dự báo về các loại virus cúm chủ yếu có thể gây ra dịch cúm năm kế tiếp. Đây là cơ sở để các quốc gia sản xuất vaccine phòng bệnh cúm hàng năm”, vị chuyên gia giải thích.
Mặt khác, miễn dịch bảo vệ của vaccine cúm thường chỉ kéo dài khoảng một năm. Vì vậy, để được bảo vệ tốt nhất, BS Minh nhấn mạnh người dân cần tiêm vaccine phòng bệnh cúm nhắc lại mỗi năm.
Theo bà, tùy theo cơ địa của mỗi người và sự phù hợp của chủng cúm phổ biến trong cộng đồng so với vaccine được tiêm, người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm virus cúm.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc cúm và dẫn đến các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp của những người này sẽ giảm đi rất nhiều so với người không tiêm vaccine.
Thông thường, khoảng 2 tuần sau khi tiêm, vaccine phòng cúm mới có thể giúp cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ trước những chủng virus có trong vaccine. Trước thời điểm này, người dân vẫn có nguy cơ nhiễm virus cúm.
Vị chuyên gia lưu ý: “Tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ không giúp cơ thể bảo vệ khỏi bệnh cúm và ngược lại, tiêm vaccine phòng cúm cũng không thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi Covid-19”.
So sánh giữa người đã tiêm trước đó và người chưa tiêm vaccine cúm:
-
Giảm 60% trường hợp tử vong tại bệnh viện và 40 % điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU) trên bệnh nhân hơn 65 tuổi
-
Giảm 20% nguy cơ tử vong do tim mạch trên bệnh nhân suy tim
-
Giảm 80% trường hợp nhập viện vì cúm trên bệnh nhân tiểu đường loại 2
-
Giảm 40% trường hợp nhập viện vì cúm trên bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
-
Giảm 27% tỷ lệ trẻ sinh non ở phụ nữ mang thai mắc cúm
Ngoài ra, những lợi ích khác khi tiêm vaccine cúm cũng được ghi nhận:
-
So với trước khi tiêm vaccine, bệnh nhân hen được ghi nhận giảm đến 40% nguy cơ xảy ra đợt kịch phát cơn hen
-
Giảm 70-90% nguy cơ nhiễm virus cúm ở người lớn và giảm 74% nguy cơ mắc cúm diễn biến nặng đe doạ tính mạng ở trẻ trên 3 tuổi.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()