Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:07 (GMT +7)
Khắc phục sớm tình trạng thiếu nước sạch tại Đông Triều
Thứ 5, 30/03/2023 | 07:56:47 [GMT +7] A A
Cán bộ, giáo viên, nhân viên 45 cơ sở giáo dục, 7 trạm y tế và người dân tại nhiều xã, phường của TX Đông Triều hiện vẫn sử dụng nước giếng khoan thay vì nước sạch và vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nay. Để cải thiện tình trạng này, TX Đông Triều cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để nâng cao nhận thức của các đơn vị, người dân trong việc sử dụng nước sạch. Từ đó đảm bảo hết năm 2023 có 70% số người dân nông thôn dùng nước sạch, đến năm 2025 là 95% theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Xí nghiệp nước Đông Triều (Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh) đang cung cấp nước sạch tại 9/10 phường và 3/11 xã (Bình Khê, Việt Dân, Tân Việt) trên địa bàn thị xã. Số hộ dân khu vực đô thị sử dụng nước sạch do Xí nghiệp cung cấp là trên 34.000 hộ dân (đạt tỷ lệ trung bình 66%). Trong đó, hiện một số xã, phường nói trên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch rất thấp (dưới 10%), điển hình tại phường Tràng An (tỷ lệ đạt 1,4%) và xã Bình Khê (đạt tỷ lệ 6%).
Ghi nhận thực tế tại những khu vực này cho thấy, Xí nghiệp nước Đông Triều đã đầu tư tuyến ống truyền tải chính và tuyến mạng phân phối, đảm bảo có thế cấp nước với chất lượng theo tiêu chuẩn ngay khi người dân có nhu cầu.
Xí nghiệp cũng vận động nhân dân sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe, nhưng không đạt hiệu quả. Khảo sát có những thôn có tới 200-300 hộ dân, nhưng khi lấy ý kiến thì chỉ có duy nhất một hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch.
Nguyên nhân do nhiều người vẫn có thói quen sử dụng nước giếng khoan, nước mưa để tiết kiệm chi phí. Điển hình tại các thôn, khu: Tân Lập, Hồ Lao (xã Tân Việt); Gia Mô, Cổ Giản, Kim Sen (phường Kim Sơn); La Dương, Thủ Dương (phường Trần Hưng Đạo)... Điều đáng nói, sau một thời gian sử dụng, người dân cũng đã nhận thấy nguồn giếng khoan, nước mưa không đảm bảo chất lượng, nên nhiều hộ đã mất một khoản kinh phí lớn để mua máy lọc nước và quả lọc. Trong khi đó, với số tiền này, các hộ dân hoàn toàn có thể ký hợp đồng với Xí nghiệp nước Đông Triều để có thể sử dụng nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn.
Đối với 7 trạm y tế chưa có nước sạch, qua khảo sát của Xí nghiệp nước Đông Triều, có 3/7 trạm y tế nằm ngoài vùng phục vụ cấp nước của xí nghiệp, đó là: Trạm y tế Hồng Thái Đông, trạm y tế An Sinh, trạm y tế Tràng Lương, kinh phí dự kiến khoảng 50 triệu đồng/trạm. 4/7 trạm y tế còn lại nằm trong khu vực có mạng lưới cấp nước hoặc lân cận khu vực có mạng lưới cấp nước của xí nghiệp là: Trạm y tế Bình Khê, trạm y tế Đức Chính, trạm y tế Tân Việt và trạm Y tế Kim Sơn. Mặc dù số tiền để lắp đặt không quá cao (trung bình từ 2,7 - 4,3 triệu đồng) và việc không có nước sạch để sử dụng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám chữa bệnh, sinh hoạt của cán bộ y tế, nhưng cho đến tháng 3/2023, Trung tâm Y tế thị xã cũng chưa dành kinh phí triển khai.
Câu chuyện này cũng đang tương tự với 45 cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã (17 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 13 trường THCS, 5 trường THPT).
Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Giám đốc Xí nghiệp nước Đông Triều, chia sẻ: Thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh của Công ty là hướng tới mục tiêu đưa nước sạch đến với tất cả người dân. Do đó, chúng tôi luôn sẵn sàng đầu tư cấp nước cho người dân và các đơn vị ở khu vực đô thị, nhưng thực tế, một số công trình khi đưa vào hoạt động chưa phát huy hết công suất, hiệu quả sau đầu tư. Năm 2017-2020, đơn vị đã đầu tư gần 20 tỷ đồng cho các tuyến ống truyền tải nhằm cấp nước liên kết vùng cho các khu vực Mạo Khê, Kim Sơn, Tràng An, Bình Khê. Nhưng cho đến nay, Khu đô thị Kim Sơn mới có hơn 60 hộ dân đấu nối, còn ở phường Tràng An có 29 hộ dân, xã Bình Khê có 145 hộ dân. Hay như để phục vụ cho riêng khu vực phường Mạo Khê, đơn vị cũng đã chủ động đầu tư khu xử lý nước Mạo Khê với công suất 3.000m3/ngày, đêm và nâng công suất khu xử lý nước Đông Triều từ 2.000-5.000m3/ngày, đêm. Nhưng do tỷ lệ đấu nối thấp và sản lượng tiêu thụ không cao, có hộ chỉ sử dụng 2-3m3 nước/tháng, dẫn đến các khu xử lý này hoạt động không hiệu quả nên Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh buộc phải cho di dời toàn bộ máy móc ở khu xử lý nước Đông Triều về khu xử lý nước Yên Lập (TX Quảng Yên).
Dành hàng chục tỷ đồng đầu tư hệ thống cấp nước ở những khu vực đô thị nhưng người dân không mặn mà với nước sạch nên Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh và Xí nghiệp nước Đông Triều cũng gặp rất nhiều khó khăn, không thể bỏ thêm kinh phí đầu tư đường ống cấp nước cho khu vực nông thôn của thị xã. Dẫn đến nhiều xã chưa có hệ thống cấp nước như: An Sinh, Tràng Lương. 7 xã còn lại là Bình Dương, Thủy An, Nguyễn Huệ, Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây, Hoàng Quế và Yên Đức đang sử dụng nước từ các công trình nước sạch nông thôn do đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT quản lý, khai thác, vận hành.
Chị Lài Thị Thương (thôn Năm Giai, xã Tràng Lương), cho biết: Để có nước sử dụng, gia đình tôi phải lắp đường ống từ trên rừng xuống với 30 triệu đồng chi phí. Tuy nhiên, có những thời điểm mưa, lũ, khiến đường ống bị vỡ, đứt, gia đình lại mất thêm tiền để sửa hoặc vào mùa khô, nguồn nước khan hiếm, nhiều ngày phải chịu cảnh không có nước để sử dụng.
Được biết, Xí nghiệp nước Đông Triều đã thực hiện rà soát từng địa bàn khu dân cư nông thôn, hộ dân có nhu cầu, nhất là đối với khu vực có mật độ dân cư thưa thớt và ghi nhận hiện có tổng 600 hộ dân có nhu cầu được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, việc đầu tư ở những khu vực xa, dân cư thưa thớt, ngoài vùng cấp nước của Xí nghiệp nước Đông Triều quản lý cần có sự phối hợp của thị xã và người dân trên tinh thần nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm. Theo đó, đối với những khu vực này, thị xã cần nghiên cứu đến phương án hỗ trợ nhân dân thực hiện hạng mục đào, lấp, hoàn trả mặt bằng tuyến ống. Xí nghiệp nước Đông Triều cũng cam kết sẽ thực hiện đầu tư hạng mục công nghệ, vật tư, phụ kiện, nhân công lắp đặt và đầu tư đấu nối hệ thống cấp nước từ tuyến ống phân phối đến đồng hồ cho nhân dân (không quá 6m ống trước đồng hồ).
Đồng thời, TX Đông Triều cũng cần rà soát nguồn nước sạch tại trạm y tế và các trường học, đảm bảo trong thời gian sớm nhất, những đơn vị này phải được lắp đặt và sử dụng nguồn nước sạch, đặc biệt là ở các trường mầm non, khi mà các trường đều tổ chức bữa ăn cho trẻ. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả các công trình sau đầu tư, thị xã cần có biện pháp quản lý, kiểm tra, rà soát, xử lý việc khoan giếng, khai thác tài nguyên nước ngầm trái phép và nhất là cần quan tâm, đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân về lợi ích sử dụng nước sạch đối với đời sống, sức khỏe, nguy cơ có hại của việc sử dụng nước ngầm, nước mưa trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()