Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 06:09 (GMT +7)
Khai ấn Hội Tao đàn - Điểm nhấn trong đời sống VHNT Quảng Ninh đầu xuân
Chủ nhật, 16/02/2014 | 07:49:52 [GMT +7] A A
Vừa qua, tại Lễ khai bút đầu xuân như thông lệ, Hội VHNT tỉnh còn tổ chức Lễ khai ấn Hội Tao đàn niên hiệu Hồng Đức lần thứ nhất...
Khai ấn Hội Tao đàn niên hiệu Hồng Đức là phần mới nhất trong Lễ khai bút đầu xuân lần thứ 6 - Xuân Giáp Ngọ 2014. Giải thích việc làm này, ông Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cho biết: “Năm nay, chúng tôi tổ chức lễ khai bút ở Khu Văn hoá núi Bài Thơ, nơi được coi như một văn miếu biểu dương sự học ở TP Hạ Long, nơi vua Lê Thánh Tông cho khắc thơ lên núi, để cổ vũ tinh thần hiếu học, yêu chuộng văn chương. Khai ấn đầu năm Hội Tao đàn hiệu Hồng Đức cũng không nằm ngoài mục đích ấy…”. Cũng theo ông Thành, nếu làm tốt điều này sẽ tạo ra thêm một mỹ tục ở Quảng Ninh.
Các đồng chí: Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, thực hiện nghi lễ khai ấn Hội Tao đàn niên hiệu Hồng Đức lần thứ nhất. |
Về cung cách, kiểu dáng chiếc ấn, ông Thành cho biết đã tham khảo một số chiếc ấn thời Lê, trong đó có chiếc “Phụng mệnh Bình Hải tướng quân chi ấn” (được đúc vào năm thứ 10, niên hiệu Hồng Đức, năm 1479) vừa được một nhà sưu tập đồ cổ tư nhân phát hiện tại Vân Đồn. Chiếc ấn được tìm thấy làm bằng đồng, có kích thước 10x10x1,5cm. Núm ấn hình chuôi vồ, cao 10cm trên, dưới hình tròn, dáng vẻ đường bệ. Mặt ấn đúc 8 chữ triện “Phụng mệnh Bình Hải tướng quân chi ấn”. Còn chiếc ấn mà Hội VHNT tỉnh đặt làm bằng gỗ có hình vuông, bên trên có con nghê để làm núm. Mặt ấn cũng khắc kiểu chữ triện với 6 chữ “Tao đàn hội Hồng Đức hiệu” (Ấn của Hội Tao đàn niên hiệu Hồng Đức). Bàn về chiếc ấn, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tống Khắc Hài tỏ ra cẩn trọng: Đây sẽ đúng là một mỹ tục đẹp nếu được làm một cách bài bản và có căn cứ lịch sử!
Căn cứ lịch sử mà ông Phạm Ngọc Thành đưa ra là tục khai ấn trong một số triều đình phong kiến, mà cụ thể và còn lưu giữ lại đến ngày nay là khai ấn đền Trần ở Nam Định. Và thứ hai là đức vua Lê Thánh Tông là người sáng lập và làm chủ soái Hội Tao đàn Nhị thập bát tú. Có lẽ riêng Hội Tao đàn nhà vua cũng cho đúc ấn? Nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài tán đồng quan điểm có ghi nhận sự xuất hiện của tục khai ấn trong một số triều đại phong kiến, cả Trung Hoa lẫn Đại Việt. Khai ấn thể hiện sự tôn sùng hoàng đế trong việc ra lệnh kết thúc kỳ nghỉ Tết, bắt đầu công việc của năm mới. Và cũng có thể đó là việc ban phát ân huệ chức tước. Chiếc ấn thể hiện quyền lực chính trị của nhà vua. Việc khai ấn đền Trần có ý nghĩa như vậy. Nhưng ông chưa từng nghe nói Hội Tao đàn của vua Lê Thánh Tông có ấn và có tục khai ấn đầu năm... “Hội Tao đàn Nhị thập bát tú mặc dù do đức vua sáng lập nhưng nó chủ yếu đóng vai trò của một tổ chức văn hoá” - Nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài nói.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm: Ngày xưa, không chỉ có vua chúa mới có ấn mà nhiều cá nhân cũng chơi ấn như một thú vui tao nhã, nhất là với những người say mê văn chương nghệ thuật. Người ta sẽ xem xét kiểu chữ gì cho phù hợp, có kỵ huý gì không khi làm ấn. Việc ông vua say mê văn chương cho thành lập một nhóm sáng tác thơ ca kiểu CLB như thú chơi tao nhã, có thể sẽ có ấn. “Tao đàn Nhị thập bát tú là chuyện có thật, còn có tồn tại chiếc ấn hay không, kiểu dáng của nó thế nào thì tôi chưa có cứ liệu lịch sử để khẳng định được” - Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Trở lại vấn đề làm ấn của Hội VHNT tỉnh, rõ ràng đây thiên về sự kế thừa về mặt tinh thần truyền thống yêu văn chương nghệ thuật từ Tao đàn Nhị thập bát tú của Lê Thánh Tông. Còn chuyện nguyên mẫu nào để chế ra phiên bản chiếc ấn thì quả là khó xác định. Cho dù thế, điều ghi nhận là với việc làm này, Hội VHNT cũng chỉ muốn nhằm khích lệ phong trào sáng tác VHNT của tỉnh nhà…
Hải Dương
Liên kết website
Ý kiến ()