Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:15 (GMT +7)
Khai hội Xuân Yên Tử năm 2024
Thứ 2, 19/02/2024 | 12:00:51 [GMT +7] A A
Sáng 19/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Khu di tích danh thắng Yên Tử đã diễn ra lễ Khai hội Xuân Yên Tử năm 2024. Tham dự lễ Khai hội có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất khu vực phía Bắc, thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử và du khách về với vùng đất phật linh thiêng để chiêm bái, vãn cảnh.
Danh sơn Yên Tử là địa linh, là phúc địa của quốc gia, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông - Vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng, khi đất nuớc đã thanh bình, ngài đã rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật.
Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nơi khởi nguồn và ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và vua Trần Nhân Tông chính là Đức Phật của đất nước Việt Nam.
Trải qua thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt với hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ thời Đại Việt.
Với những giá trị to lớn đó, ngày nay Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà của cả dân tộc Việt Nam. Để tôn vinh và nâng tầm giá trị của Yên Tử, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích Yên Tử là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện, tỉnh Quảng Ninh cùng với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã hoàn chỉnh Hồ sơ đề cử Quẩn thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Năm nay Lễ khai hội Xuân Yên Tử truyền thống được tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc. Trong đó phần lễ khai hội với các nghi thức, như: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu Quốc thái Dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử).
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, Hội Xuân Yên Tử năm nay có các hoạt động văn hoá đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên tử; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử...
Ngay trong ngày khai hội, đã có rất đông tăng ni, Phật tử, nhân dân và khách du lịch hành hương về Yên Tử. Để phục vụ chu đáo nhu cầu du khách, TP Uông Bí và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã có sự chủ động, chu đáo, xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai hội xuân, đón khách tham quan Yên Tử và các lễ hội trên địa bàn thành phố đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, đảm bảo an toàn cho du khách đến du xuân và tham gia các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo văn minh, lịch sự, đảm bảo đúng quy định. Hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, hiện đại trị giá hàng trăm tỷ đồng, kết nối liên thông, tổng thể Yên Tử với các di tích trong cả nước và Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều, cùng với đó là hoàn thiện các hạ tầng dịch vụ du lịch góp phần đưa khu di tích Yên Tử lên một tầm cao mới.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, tôn tạo, nâng tầm khu di tích. Tiêu biểu là công trình Cung Trúc Lâm Yên Tử đã hoàn thành và được tổ chức khánh thành vào đúng dịp Chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và Đại lễ 715 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Đây là công trình văn hóa tâm linh có giá trị lớn, có kiến trúc truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Yên Tử với giá trị đầu tư khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
TP Uông Bí và Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tiêu biểu như thí điểm tổ chức chương trình "Làng Việt, Tết xưa"; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, trải nghiệm phong phú như các trò chơi dân gian tại khu Làng Nương, biểu diễn văn nghệ dân gian truyền thống tại khu đình làng để phục vụ du khách. Nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu cũng được cải tạo, chỉnh trang lại. Cùng với hệ thống cờ hoa, con đường hoa khoe sắc ngay từ Dốc Đỏ vào tới chân núi Yên Tử, tạo không khí xuân tươi mới, rực rỡ, chào đón du khách bốn phương.
Bằng sự chuẩn bị chu đáo, khởi động mùa hội năm nay, chỉ trong 9 ngày Tết, Khu di tích Yên Tử đã đón gần 145.000 lượt khách du Xuân, lễ Phật, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, góp phần cùng với các địa phương trong toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu thu hút 17 triệu lượt khách trong năm 2024 theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Lễ khai hội xuân Yên Tử được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ngàn đời mà các thế hệ cha ông ta đã để lại.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()