Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 13:57 (GMT +7)
Khai mạc Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022
Chủ nhật, 18/09/2022 | 14:15:30 [GMT +7] A A
Sáng 18/9, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và chủ trì Diễn đàn.
Cùng dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Tham dự còn có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân trong và ngoài nước, và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng “vạn biến”
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn với các thông tin bổ ích, định hướng hay, để phục vụ công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều gợi ý chính sách tại Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua chỉ ra rằng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế.
Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” làm chủ đề cho Diễn đàn năm 2022 và điều chỉnh tên gọi là Diễn đàn Kinh tế-Xã hội năm 2022 để bảo đảm tính toàn diện và sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội gợi mở một số nội dung chính để các đại biểu tham dự Diễn đàn trao đổi, thảo luận, bao gồm: phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Cùng với đó, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế-xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023; chỉ rõ các thành tựu, kết quả đã đạt được và cảnh báo những rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính cả ở khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối, khu vực tài chính tiền tệ, và rủi ro, bất ổn trong chính sách tài khóa.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tập trung đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43/NQ/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Ngoài ra, trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025; cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, thể chế, chính sách của Nhà nước.
Giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước
Phát biểu đề dẫn Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết tình hình thế giới và trong nước đang thay đổi rất nhanh, nhiều biến động, bất ổn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo.
Ngược dòng bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và trong gần 9 tháng qua duy trì được đà tăng trưởng rất khả quan, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát có hiệu quả lạm phát, về cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn và được dự báo có mức tăng trưởng lạc quan trong năm 2022.
Tuy nhiên, đồng chí nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan và kinh tế Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị để ứng phó kịp thời trước những biến động khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới.
“Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, các doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, có nhiều tác động tiêu cực.
Đồng chí gợi mở một số vấn đề gồm: tiếp tục cải cách thể chế, tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật về quản lý đất đai và thị trường bất động sản, đặc biệt trong công tác đấu giá đất; cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt tốt các cơ hội mà hội nhập đang mang lại cho Việt Nam, khôi phục và mở rộng hoạt động sau đại dịch; khơi thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành kinh tế và các doanh nghiệp phát triển…
Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao (buổi chiều) với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”; 2 phiên hội thảo chuyên đề (buổi sáng): “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội” và “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
|
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()