Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 10:23 (GMT +7)
Khai mạc Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XIV
Thứ 3, 07/12/2021 | 08:12:48 [GMT +7] A A
Sáng 7/12, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2021. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ĐBQH tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình về phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn của dịch Covid-19, với những biến chủng mới nguy hiểm hơn, có tốc độ lây lan nhanh hơn, khó kiểm soát hơn nhưng Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm đã đề ra: Vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; vừa bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, ổn định phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016- 2021); GRDP cả năm ước đạt 10,28%, gấp nhiều lần tốc độ trung bình của cả nước, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 51.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán đầu năm, là một trong số ít các địa phương dẫn đầu cả nước; chuẩn bị tốt và tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,95% (nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước và cao nhất trong 4 kỳ bầu cử gần đây).
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng lên. Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Từ những thành quả trong hai năm 2020 và 2021, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình về phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép”; khẳng định vị thế, uy tín, vai trò cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; càng củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, nhân lên niềm tự hào của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Năm 2022, năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, tỉnh Quảng Ninh đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen với khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 trên thế giới, trong khu vực, trong nước vẫn tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp, có thể còn kéo dài, khó lường. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 với chủ đề công tác “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh có nhiệm vụ rất quan trọng, sẽ xem xét các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, thảo luận và quyết nghị những vấn đề quan trọng của tỉnh. Trong đó sẽ tập trung đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; thảo luận, xem xét, quyết định mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và đầu tư phát triển năm 2022. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD. Tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. 100% đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Nhằm cụ thể hóa khâu đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2022 trên cơ sở kế thừa kết quả tích cực và phát huy bài học kinh nghiệm đã đạt được của giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, HĐND tỉnh sẽ thảo luận thông qua Kế hoạch tài chính 05 năm 2021-2025; quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025. Quyết định một số chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục; thông qua một số giải pháp kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2022; quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo Thông tư 16/2021/TT-BYT của Bộ Y tế; quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó Dân phòng trên địa bàn tỉnh; số lượng, mức phụ cấp đối với Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; xem xét, thảo luận, quyết định một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Pháp luật...
Ngoài ra, HĐND tỉnh sẽ nghe báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh, của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; các báo cáo của UBND tỉnh. HĐND tỉnh cũng sẽ dành thời gian thỏa đáng cho các phiên thảo luận, chất vấn các thành viên UBND tỉnh theo Luật Hoạt động giám sát về những vấn đề nổi lên đang được cử tri, Nhân dân rất quan tâm theo tinh thần đổi mới, coi trọng chất lượng, hỏi nhanh - đáp gọn, có tranh luận, làm rõ trách nhiệm.
Với tinh thần đổi mới, dân chủ, làm việc khoa học, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp đề cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, thảo luận thẳng thắn, ngắn gọn có trọng tâm, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào các quyết sách tại Kỳ họp.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: "Năm 2022, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng 2 con số".
Trong báo cáo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Kinh tế - xã hội năm 2021 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn của tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình và giữ vững được địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”, chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 6 năm liên tiếp. GRDP cả năm ước đạt 10,28%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 51.064 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán đầu năm, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Với những kết quả đạt được rất toàn diện và nổi bật trong hai năm 2020 và 2021, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình về phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện “mục tiêu kép”.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2022, năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, tỉnh Quảng Ninh có những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, khó lường. Do đó, Quảng Ninh xác định rõ mục tiêu năm 2022 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số; nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Trong đó, một số mục tiêu cụ thể được đặt ra và sẽ quyết tâm thực hiện, như: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 10%. (2) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, tỷ lệ tăng thu tương ứng với mục tiêu tăng trưởng; thu xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao. (3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD. (4) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 11%. (5) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 68,5%. (6) Giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. (7) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85,85%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%. (8) Đạt 55 giường bệnh, 14,9 bác sỹ, 2,7 dược sỹ đại học và trên 23,5 điều dưỡng trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. (9) Tỷ lệ giảm nghèo đạt 0,11%. (10) Có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 04 đơn vị cấp huyện (TPHạ Long và huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. (11) Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99%. (12) Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97%. (13) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Đồng chí đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu triển khai trong năm 2022, như: Tập trung triển khai thực hiện 15 đề án, chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chủ đề công tác năm 2022; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, cơ cấu lại nền kinh tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. Đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch; Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trình bày báo cáo công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2021 và ý kiến cử tri gửi đến Kỳ họp.
Năm 2021, bám sát chỉ đạo chung của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả trọng tâm các mặt công tác. Nổi bật là đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh vừa phòng, chống dịch Covid-19; phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Đặc biệt trong năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức rất thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trước những diễn biến phức tạp của các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, Ủy ban MTTQ tỉnh đã rất chủ động trong việc phát động và triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người cố tình vào địa bàn tỉnh mà không khai báo y tế và không chấp hành việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch”; tập trung triển khai xây dựng, bổ sung vào quy ước, hương ước các quy tắc ứng xử gắn với các quy định về phòng, chống dịch và xây dựng mô hình tổ liên gia tự quản về phòng, chống dịch. Đồng thời phát động đợt cao điểm quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh theo lời kêu gọi của Trung ương MTTQ Việt Nam.
Thông qua các chương trình phát động của Ủy ban MTTQ tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng, sự tin tưởng, chung tay và đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn và là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu kép trong năm 2021. Đến nay, Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, cấp huyện đã tiếp nhận sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm với tổng giá trị trên 197 tỷ đồng.
Qua quá trình tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 và qua nắm bắt tình hình nhân dân thông qua các kênh của MTTQ và các tổ chức thành viên, cử tri trên địa bàn tỉnh vui mừng trước kết quả đạt được của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững địa bàn an toàn, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri trên địa bàn tỉnh mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trật tự đô thị, giao thông, đất đai, tài nguyên môi trường, quy hoạch; chính sách hỗ trợ GPMB các dự án; đảm bảo lao động, việc làm, an sinh xã hội…
Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh, trình bày tóm tắt về tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Năm 2021, tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn có diễn biến phức tạp. VKSND hai cấp Quảng Ninh thực hành quyền công tố, thụ lý khởi tố 1.889vụ/3.374 bị can (tăng 2,3% vụ và 14,9% bị can); kiểm sát giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mới là 4.956 vụ, việc (giảm 5,9% so với năm 2020).
Đáng lưu ý là năm 2021 không có tội phạm về an ninh quốc gia. Tội phạm ma túy khởi tố 636 vụ (tăng 2%), chủ yếu là hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy có tính chất nhỏ lẻ; tội phạm về tham nhũng, chức vụ khởi tố 11 vụ/36 bị can (tăng 1 vụ), xảy ra ở các lĩnh vực quản lý khai thác tài nguyên than, đền bù GPMB trong quản lý đầu tư xây dựng; tội phạm về kinh tế khởi tố 34 vụ/144 bị can (giảm 21 vụ); tội phạm về trật tự an toàn xã hội đã khởi tố 484 vụ/1.214 bị can (tăng 8,6%); khởi tố mới 115 bị can độ tuổi dưới 18 tuổi phạm tội (tăng 49 bị can so với cùng kỳ năm 2020).
Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, VKSND hai cấp đã phối hợp chặt chẽ với Công an, Bộ đội Biên phòng phân loại bắt giữ, khởi tố để xử lý nghiêm 19 vụ/83 bị can về các tội: “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh và tổ chức ở lại Việt Nam trái phép”.
Như vậy năm 2021, tình hình tội phạm tuy tăng không nhiều (2,3%), không có diễn biến bất thường nhưng còn nhiều tiềm ẩn. Tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe còn do xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, công tác hòa giải chưa được quan tâm đúng mức; tội phạm ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, khu chung cư tập trung ở các địa bàn đô thị; tội phạm kinh tế liên quan đến nhiều tỉnh, với số lượng và tính chất ngày càng lớn; tội mua bán hóa đơn, tội phạm về môi trường với một số tội phạm mới, pháp nhân thương mại phạm tội bắt đầu xuất hiện. Các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em tăng, nguyên nhân chính là sự suy đồi về đạo đức, ảnh hưởng tiêu cực, văn hóa phẩm độc hại của trang mạng xã hội.
Để thực hiện hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ của ngành, VKSND tỉnh đã tranh thủ sự lãnh đạo của ngành, của tỉnh, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát tư pháp. Qua đó đã hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao với 60 chỉ tiêu vượt, 63 chỉ tiêu đạt. Đồng thời thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát tư pháp, đảm bảo việc giải quyết vụ án, vụ việc của các cơ quan chức năng đúng pháp luật, không xảy ra oan sai; nhiều vụ án lớn, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh; làm tốt công tác tham mưu trong đấu tranh, phòng chống vi phạm, tội phạm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Tuy nhiên, chất lượng tranh tụng của một số kiểm soát viên vẫn còn thấp, công tác kiểm sát thi hành án hình sự còn hạn chế trong xét giảm án.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý học sinh, thanh niên trên địa bàn; tiếp tục tăng cường công tác GPMB, chú trọng việc đối thoại, giải quyết các kiến nghị của nhân dân, nhất là từ khi triển khai các dự án để giảm thiểu việc khiếu kiện sau khi có quyết định hành chính.
Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hoàng Văn Tiền, trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Ninh.
Về công tác giải quyết, xét xử các loại án, trong năm 2021, Tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đã thụ lý 6.489 vụ, việc, giảm 131 vụ, việc so với cùng kỳ; đã giải quyết 5.428 vụ, việc, đạt 83,6%, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu (dưới 1,5%) theo Nghị quyết của Quốc hội đặt ra. Số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, năm 2021, Tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đã thụ lý giải quyết 108 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 70 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền; số còn lại được chuyển đến các cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Nhìn chung, các khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật. Công tác phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan có liên quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện hiệu quả, đã góp phần hạn chế được tình trạng khiếu kiện phức tạp, vượt cấp, đông người gây mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Về công tác hội thẩm nhân dân, trong năm 2021, Hội thẩm Tòa án nhân dân 2 cấp đã tham gia xét xử 2.300 vụ việc các loại. Công tác báo cáo, tham mưu, phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ đã được Tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh Quảng Ninh thực hiện tích cực, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại. Đó là trong công tác chuyên môn vẫn còn có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; việc xét xử một số vụ án phức tạp còn kéo dài, quá thời hạn quy định; tiến độ, tỷ lệ giải quyết một số loại án chưa cao. Trong thực hiện công tác thi hành án hình sự còn có việc chủ quan, chưa nghiên cứu sâu kỹ hồ sơ...
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và chủ đề năm công tác của tỉnh; thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác tòa án. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; gắn các nhiệm vụ công tác tòa án với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ý thức thi hành công vụ của cán bộ,công chức tòa án. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại và các chủ trương về đổi mới tổ chức, bộ máy. Đẩy mạnh phong trào thi đua; nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tổ chức và các hoạt động của Tòa án Nhân dân.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Đinh Khắc Khang trình bày trước HĐND tỉnh về kết quả THADS, theo dõi thi hành án hành chính năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022.
Năm 2021, công tác THADS của tỉnh đạt và vượt các chỉ tiêu được Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS giao từ đầu năm. Cụ thể, đã giải quyết tổng số 10.588 việc, bao gồm 8.082 việc được thụ lý mới, tăng 101 (1,3%) so với năm 2020; còn lại 2.506 việc từ năm trước chuyển sang. Trong số việc có điều kiện thi hành, có 7.966 việc đã được giải quyết thi hành xong, tăng 115 việc (1,5%) so với năm 2020, vượt 2,55% so với chỉ tiêu Tổng cục THADS giao. Số việc chuyển kỳ sau còn 2.546 việc, giảm 73 việc (2,8%) so với năm 2020.
Về công tác theo dõi thi hành án hành chính năm 2021, các cơ quan THADS của tỉnh nhận được 136 bản án. Các cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thi hành 8 bản án. TAND các cấp đã chuyển giao 3 vụ việc có quyết định buộc thi hành án hành chính cho các cơ quan THADS. Cơ quan THADS thực hiện theo dõi 3 vụ việc đã có quyết định buộc thi hành án...
Một số chỉ tiêu khác: Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm xác minh điều kiện thi hành án, phân loại chính xác, đúng pháp luật việc THADS có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS, nhất là các vi phạm trong kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo công khai, minh bạch, trách nhiệm trong giải trình, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Về phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2022, Cục THADS xác định tiếp tục hướng về cơ sở, phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách địa bàn, chỉ đạo thi hành án các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022. Cùng với đó, Cục THADS phối hợp chặt chẽ với Viện KSND, TAND cùng cấp, Trại giam, Trại tạm giam, các cơ quan, ban ngành có liên quan và các địa phương để thống nhất quan điểm chỉ đạo, tổ chức thi hành án...
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ĐBQH tỉnh: Năm 2021, Quảng Ninh đạt nhiều kết quả nổi bật; thể hiện truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng
Đồng chí nhấn mạnh: Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng diễn ra vào thời điểm là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; cũng là lúc kiểm điểm, phân tích, dự báo đưa ra các định hướng cho phát triển năm 2022 và những năm tiếp theo.
Năm 2021 với nhiều khó khăn thách thức, là năm thứ 2 chịu tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực bị tác động nặng nề. Song, với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, “chủ động, linh hoạt, bình tĩnh, sẵn sàng”, tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua được các đợt dịch, giữ vững địa bàn an toàn, duy trì nhịp độ tăng trưởng 2 con số, đảm bảo an ninh, an toàn, trở thành địa phương điển hình, điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả vừa bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, ổn định phát triển kinh tế.
Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2021 với nhiều dấu ấn nổi bật; thể hiện truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Đồng chí tin tưởng, trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2021, Quảng Ninh sẽ tiếp tục có những đột phá mới trong tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Đồng chí đánh giá cao trách nhiệm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của HĐND tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, khẳng định vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, linh hoạt, khoa học, bài bản với những quyết sách kịp thời, chất lượng, đảm bảo ổn định phát triển KT-XH, chăm lo đời sống nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong toàn tỉnh. HĐND tỉnh Quảng Ninh luôn có sự đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh mang đậm hơi thở cuộc sống. HĐND tỉnh luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, theo sát đến cùng các kiến nghị của cử tri, góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị của cử tri.
Đặc biệt, HĐND tỉnh luôn phối hợp tích cực với Đoàn ĐBHQ tỉnh phản ánh những vấn đề của địa phương; đồng hành cùng ĐBQH tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình giám sát theo yêu cầu nhiệm vụ của các ĐBQH. Qua đó, giúp các ĐBQH tỉnh với tư cách là đại biểu nhân dân chuyển tải đầy đủ thông điệp, ý chí, những vấn đề phát triển của địa phương tại nghị trường Quốc hội. Đồng thời, truyền lửa, truyền cảm hứng để các ĐBQH tỉnh thể hiện trí tuệ, trách nhiệm, xây dựng báo cáo mang tầm chiến lược của địa phương, tham góp vào các vấn đề KT-XH, góp phần xây đất nước phồn vinh, phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại, số ca nhiễm ở các địa phương trong cả nước vẫn còn nhiều do vậy yêu cầu đặt ra trong thời gian tới của tỉnh vẫn là tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch theo hướng mới; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng. Bởi chỉ có kiểm soát an toàn dịch bệnh mới là tiền đề quan trọng để tạo đột phá cho phát triển KT-XH, thúc đẩy sản xuất.
Về phục hồi kinh tế, Quảng Ninh phải nhận rõ thách thức để có giải pháp phù hợp. Trong đó, chính những thành công của tỉnh trong 2 năm 2020, 2021 cũng là thách thức để trong năm 2022 Quảng Ninh có những bứt phá hơn những năm trước. Trên cơ sở đó, rà soát lại cách thức huy động, cách thức phân bổ nguồn; rà soát lại hệ thống hạ tầng hiện nay. Cùng với đó, đặc biệt quan tâm phục hồi những ngành được tỉnh xác định là trọng điểm nhưng chưa thể phục hồi do tác động của dịch bệnh, như lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tiếp tục quan tâm tới việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo bứt phá về cải cách về mặt thể chế, chính sách, chuyển đổi số.
Quán triệt tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tiếp tục chú trọng phát triển văn hóa. Trong đó phát huy những giá trị cốt lõi để xây dựng con người Quảng Ninh trên cơ sở truyền thống "Kỷ luật - Đồng tâm" để tiếp tục dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá, dám đổi mới.
Liên quan đến hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí nhấn mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, truyền tải những tinh thần chung của cả tỉnh, đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri trong tỉnh, lãnh đạo địa phương để Đoàn ĐQBH tỉnh hoàn thành trọng trách của mình.
Đồng chí Trần Văn Lâm, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính trình bày tóm tắt các tờ trình liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách.
*Tờ trình về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách địa phương, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025.
Trong đó, mục tiêu là khai thác tối đa các khoản thu ngân sách, gắn quyền hạn và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác thu ngân sách; tăng tính chủ động cho các địa phương; tăng khả năng tự cân đối, giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp trên; đảm bảo vai trò chủ đạo ngân sách tỉnh; công khai, minh bạch trong công tác quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách.
Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phân chia các khoản thu các cấp ngân sách địa phương được thực hiện trên nguyên tắc đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; phù hợp với phân cấp quản lý KT-XH và khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Đồng thời kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế của thời kỳ 2017-2021; số lượng địa phương tự cân đối và số đơn vị sự nghiệp tự chủ phải tăng so với giai đoạn 2017-2021.
Đối với định mức phân bổ dự toán chi ngân thường xuyên, tờ trình đề xuất đưa huyện Vân Đồn và huyện Đầm Hà từ vùng khó khăn vào vùng núi thấp, vùng sâu.
* Tờ trình về đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu NSNN 2021; Phương án giao dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách tỉnh năm 2022
Tổng thu NSNN đến 30/11/2021 đạt 42.742 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 51.064 tỷ đồng.
Tổng chi NSNN đến 30/11/2021 đạt 21.129 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 33.175 tỷ đồng, bằng 129% cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 19.960 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch.
Phương án giao dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách tỉnh năm 2022: Tổng dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2022 là 52.600 tỷ đồng. Dự toán chi NSNN năm 2022: Tổng chi trong cân đối năm 2022 là 31.333 tỷ đồng.
Cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách tỉnh năm 2022: Phí tham quan Vịnh Hạ Long giao 500 tỷ đồng; điều chỉnh tỷ lệ % số thu phí hạ tầng cửa khẩu; đối với tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê: TX Quảng Yên được để lại 45% (giảm 10%), các địa phương khác ổn định như năm 2021; nguồn thu tiền thu đất 1 lần cho cả thời gian thuê, nguồn thu phí BVMT các địa phương tự cân đối chi thường xuyên; phí BVMT từ khai thác than được điều tiết 100% cho các địa phương để cân đối chi thường xuyên, đảm bảo sự nghiệp môi trường; trong quá trình điều hành phấn đấu tiết kiệm chi thường xuyên thêm ít nhất 10% so với dự toán được giao để dự nguồn cho chi phát sinh đột xuất…
*Tờ trình về việc phê chuẩn kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo nội dung tờ trình, nguyên tắc xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, 2021-2025 như sau: Thu nội địa 2022-2023 tăng 6-8%/năm; 2024-2025 tăng > 10%/năm, cả giai đoạn tăng bình quân là 10%/năm. Tỷ trọng thu nội địa và xuất nhập khẩu là 80-20%; số thu ngân sách cấp tỉnh chiếm khoảng 70% thu Ngân sách địa phương; số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng trên 8%/năm; chi đầu tư cấp tỉnh giữ vai trò chủ đạo, chiếm 70% tổng chi đầu tư trong ngân sách địa phương; dự phòng ngân sách tối đa 4%; đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; có 20% đơn vị sự nghiệp công tự chủ được chi thường xuyên, giảm khoảng 10% số chi trực tiếp từ ngân sách.
Cũng theo đó, dự báo tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 298.164 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách địa phương 5 năm dự kiến là 185.144 tỷ đồng, tăng 53% so với giai đoạn trước.
* Tờ trình về vệc ban hành nghị quyết thay thế NQ số 118/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 và Điều 1, Nghị quyết 332/2021/NQ- HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về việc phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh.
Nghị quyết này quy định việc phân cấp của HĐND tỉnh quyết định thuê, mua sắm, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý trong trường hợp bị mất và phê duyệt phương án xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án sử dụng vốn nhà nước. Tài sản công thực hiện phân cấp gồm: Trụ sở làm việc, cơ sở công lập, tài sản ô tô, tàu thuyền; tài sản máy móc, thiết bị...
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định thẩm quyền tiêu hủy tài sản; xử lý tài sản bị mất, bị hủy hoại; thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án.
* Tờ trình về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh, gồm 13 lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; thông tin truyền thông; văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường; hoạt động kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn; hoạt động kinh tế giao thông vận tải; hoạt động kinh tế tài nguyên môi trường; hoạt động kinh tế công thương; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở KH&ĐT, trình bày 4 tờ trình về điều chỉnh, phân bổ kế hoạch nguồn vốn đầu tư công.
* Tờ trình về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể gồm 6 dự án: Dự án Đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong, đoạn từ cảng Con Ong đến Quốc lộ 18; Dự án Đường dẫn cầu Bến Rừng thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh; Dự án Mở tuyến luồng đường thủy nội địa từ cảng Cái Rồng đi các xã đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Bản Sen thuộc huyện Vân Đồn; Dự án Đầu tư xây dựng Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh; Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh (giai đoạn 2021-2025); Dự án Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2000 và 1:5000 tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí nêu rõ, UBND tỉnh đã giao các sở chuyên ngành tham mưu lập chủ trương đầu tư dự án. Quá trình triển khai xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án đã đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.
* Tờ trình đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án có sử dụng vốn ngân sách
Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án có sử dụng vốn ngân sách, cụ thể như sau:
- Dự án đường bao biển nối TP Hạ Long - TP Cẩm Phả, điều chỉnh quy mô đầu tư dự án, trong đó đầu tư mở rộng móng, mặt đường đối với đoạn tuyến 17,6km còn lại đạt quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe theo quy hoạch được duyệt nhằm bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển và phát huy hiệu quả đầu tư khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án do khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
- Tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1), điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn do phát sinh tăng thêm chi phí GPMB so với ước tính ban đầu. Do đó, tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh khoảng trên 9.800 tỷ đồng, tăng trên 400 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu.
* Tờ trình về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2021-2025, tổng số nhu cầu do các sở, ban, ngành và UBND các địa phương để nghị triển khai trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 152.500 tỷ đồng. Dự kiến tổng nguồn vốn dành cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Ninh là 92.014.099 triệu đồng. Về phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, đối với vốn ngân sách Trung ương, căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương cho các chủ đầu tư theo chỉ đạo, cụ thể: Vốn trong nước là 2.829.928 triệu đồng; vốn nước ngoài là 1.275.148 triệu đồng.
Đối với vốn ngân sách cấp tỉnh là 61.572.786 triệu đồng, dự kiến phân bổ cho 118 dự án đã quyết toán, đã hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020; 58 dự án là các chương trình, dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; các chương trình, dự án triển khai giai đoạn 2021-2025; bổ sung có mục tiêu cho TP Hạ Long, Cẩm Phả; 4 dự án ODA sử dung vốn vay lại từ nguồn vay của Chính phủ; dự nguồn triển khai các dự án còn lại trong Nghị quyết 304/NĐ-HĐND của HĐND tỉnh; các dự án đã có chủ trương của Tỉnh ủy; hỗ trợ các dự án thuộc lĩnh vực QPAN; Dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đối với vốn ngân sách huyện, trên cơ sở số thông báo dự kiến của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ báo cáo HĐND cùng cấp phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương.
* Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và kế hoạch đầu tư công năm 2022
Tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2021 đến ngày 3/12/2021 của tỉnh Quảng Ninh trên 17.000 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách Trung ương 742.700 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 10.000 tỷ đồng và ngân sách huyện, xã trên 6.300 tỷ đồng. Tính đến 3/12/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 70,3% kế hoạch, trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách Trung ương đạt trên 70% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 71,2% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách cấp huyện đạt 69% kế hoạch. Nếu tính theo số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 thỉ tỷ lệ giải ngân trên địa bàn tỉnh đạt 129,7%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao.
Về kế hoạch đầu tư công năm 2022, tổng nguồn vốn dự kiến trên 15.600 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương 950 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp tỉnh trên 9.900 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp huyện trên 4.700 tỷ đồng.
Nguyên tắc phân bổ các nguồn vốn này phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan; bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng miền, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Phân bổ nguồn vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Đặc biệt sẽ ưu tiên phân bổ than toán nợ đọng XDCB (nếu có); thu hồi vốn ứng; các dự án đã quyết toán, dự án đã hoàn thành, đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn thực hiện các dự án chuyển tiếp, đặc biệt các dự án trọng điểm, dự án động lực có tầm ảnh hưởng lớn; các chương trình, dự án theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh.
Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ, trình bày tóm tắt tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về việc thông qua biên chế khối Đảng, đoàn thể; quyết định giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2022.
Năm 2021, tổng số biên chế, công chức, số lượng người làm việc, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, định biên được giao theo đúng số lượng được Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ giao, HĐND tỉnh quyết định, thông qua như sau:
Khối Đảng, đoàn thể, tổng số biên chế được giao là 1.173 biên chế công chức, 165 người làm việc và 71 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Ghi nhận 222 người làm việc của Trung tâm Truyền thông tỉnh.
Đối với khối chính quyền có 2.360 chỉ tiêu. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 24.450 người và tiếp tục chuyển 40 người làm việc sang khối Đảng), hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 549 chỉ tiêu, hợp đồng lao động 75 người bố trí cho các Trung tâm phục vụ hành chính công.
Đề xuất kế hoạch biên chế năm 2022 như sau:
Đối với biên chế công chức khối Đảng, đoàn thể là 1.173 (giữ nguyên như năm 2021). Trong đó, đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, khối MTTQ và các đoàn thể cơ bản giữ nguyên cơ cấu, số lượng đã giao như năm 2021. Đối với cơ quan Đảng, đoàn thể khối huyện, giảm 5 biên chế công chức của TP Hạ Long so với với năm 2021. Tiếp tục dự phòng 15 biên chế công chức như năm 2021. Số lượng người làm việc là 155 chỉ tiêu, giảm 10 chỉ tiêu của khối chính quyền đang tạm giao sang khối Đảng.
Đối với biên chế khối chính quyền, biên chế công chức giữ nguyên so với năm 2021 là 2.360 (bằng số Bộ Nội vụ giao). Trong đó: Cân đối, điều chỉnh biên chế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên cơ sở; dự phòng 5 biên chế năm 2022. Số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách là 24.000 người (giảm 490 người).
Tổng số định biên giao cho các hội là 80 định biên cho 13 hội có tính chất đặc thù của tỉnh.
Về chỉ tiêu hợp đồng lao động, đề xuất tiếp tục tạm giao trong dự toán ngân sách 2022 một khoản kinh phí cần thiết, bố trí cho 75 hợp đồng lao động như năm 2021 để thực hiện.
Đồng chí Trần Như Long, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường, trình bày tóm tắt các nội dung Tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua các nội dung:
Thông qua Danh mục 164 công trình, dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 với tổng diện tích đất thu hồi là 1.963,45 ha.
Thông qua điều chỉnh tên, quy mô diện tích, loại đất thu hồi của một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất tại Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 13/12/2017, Nghị quyết số 192/NQ-HĐND ngày 30/7/2019, Nghị quyết số 243/NQ-HĐND tỉnh ngày 31/3/2020, Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 24/3/2021, Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 30/9/2021.
Thông qua danh mục 28 dự án, công trình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 17,886 ha đất trồng lúa theo quy định tại Điều 58, Luật Đất đai năm 2013.
Thông qua nghị quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng: 43 dự án trên địa bàn tỉnh đợt cuối năm 2021 theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017; khoản 3 Điều 41 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ sửa đổi tại Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, với tổng diện tích rừng đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 373,82 ha, gồm có: 36,77 ha ha rừng phòng hộ là rừng trồng, 337,05 ha rừng sản xuất là rừng trồng.
Thực hiện nội dung chỉ đạo của HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 giao: "UBND tỉnh rà soát lại diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án Mở rộng ranh giới thu hồi đất bãi vật liệu khai thác đất chống thấm để đắp thuộc Dự án Hồ chứa nước Khe Giữa tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 18/6/2021 với diện tích thu hồi đất được thông qua tại Nghị quyết này ...". Để đảm bảo thống nhất giữa diện tích thu hồi đất và diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh kính đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh giảm diện tích thực hiện Dự án từ 9,0 ha xuống còn 6,54 ha.
Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, trình bày trước HĐND tỉnh nội dung Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Căn cứ các quy định tại Luật Thủy lợi năm 2017, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 23/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 1477/QĐ-BTC ngày 5/8/2021 của Bộ Tài chính, mức giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh sau khi được HĐND tỉnh cùng cấp thông qua. Do đó, cần thiết phải trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Đây sẽ là cơ sở để Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích; là cơ sở cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thu tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các đối tượng được quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ. Đồng thời là cơ sở để thực hiện đặt hàng hoặc đang giao kế hoạch cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Cụ thể, tờ trình nêu biểu giá đối với các loại đất trồng lúa; đất trồng mạ, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông; đất sản xuất muối; biểu giá đối với cấp nước để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cấp nước tưới cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu; biểu giá về tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị, trừ vùng nội thị... Giá sản phẩm, dịch vụ được áp dụng theo nguyên tắc một diện tích; một biện pháp tưới, tiêu nước; một mét khối; một nội dung công việc trong điều kiện bình thường, không có thuế giá trị gia tăng...
Đồng chí Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, trình bày Tờ trình về việc ban hành một số giải pháp kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2022.
Cụ thể, giảm 50% phí tham quan danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long (bao gồm phí tham quan ban ngày, tham quan lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh); giảm 50% phí tham quan Bảo tàng tỉnh; giảm 50% phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử Trong cùng một thời gian, cùng một đối tượng, cùng một nội dung chính sách, chế độ được quy định ở nhiều văn bản khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền thì đối tượng chỉ được hưởng một mức hỗ trợ quy định cao nhất. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2022.
Được sự ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Ủy viên UBND, Giám đốc Sở GD&ĐT, trình bày các tờ trình:
*Tờ trình về quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2021-2022 đến năm 2025-2026.
Theo đó, về chính sách ưu đãi với Trường THPT Chuyên Hạ Long, dự kiến sẽ hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng được miễn, giảm học phí bằng 5 lần mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 600.000 đồng và hỗ trợ chi phí ở ký túc xá cho học sinh có nhà ở xa trường từ 15km trở lên. Thực hiện thưởng 7,5 triệu đồng cho học sinh có kết quả xuất sắc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (đạt điểm 10 bài thi môn chuyên hoặc có điểm xét tuyển cao nhất vào lớp chuyên). Cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập hoặc đạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế từ 3-20 lần mức học phí/tháng; hỗ trợ cho giáo viên dạy môn chuyên 10 triệu đồng nếu trong học kỳ dạy môn chuyên cho lớp chuyên từ 60 giờ trở lên. Hàng năm hỗ trợ nhà trường một khoản kinh phí bằng 30% kinh phí chi hoạt động để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy môn chuyên và thực hiện nhiệm vụ phát hiện học sinh năng khiếu.
Về quy định chế độ thưởng và chính sách hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tờ trình đề xuất thưởng cho học sinh đoạt giải và giáo viên dạy học sinh đoạt giải tại một số kỳ thi, cuộc thi bình quân tăng hơn 2 lần so với quy định tại Nghị quyết 49, đồng thời bổ sung kỳ thi kỹ năng nghề; quy định thưởng gấp 1,5 lần cho học sinh đoạt giải là người DTTS các xã thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Thưởng 6 triệu đồng cho giáo viên THCS ở các xã, thị trấn khi có một học sinh trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Hạ Long.
*Tờ trình quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh.
Theo đó, mức thu học phí từ năm 2022-2023 đến năm học 2025-2026 được quy định bằng mức học phí thấp nhất của khung học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Quy định vùng áp dụng mức học phí, bao gồm 3 vùng: Vùng thành thị gồm các phường; vùng nông thôn gồm các xã, thị trấn không thuộc vùng DTTS, miền núi; vùng DTTS, miền núi theo Quy định 816/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy định mức học phí của các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác được thực hiện chương trình giáo dục phổ thông bằng với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông cùng cấp học trên cùng địa bàn cấp xã. Mức học phí học trực tuyến bằng 80% mức học phí học trực tiếp tại trường. Mức học phí đối với giáo dục tiểu học dùng làm căn cứ để ban hành chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh tiểu học tư thục.
*Tờ trình về mức chi tiền công cho thành viên thực hiện nhiệm vụ tại một số kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, phần lớn các khâu/ban/hội đồng áp dụng mức lương theo ngày đối với chuyên gia tư vấn trong nước mức 4 được quy định tại thông tư 02/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ, TB&XH, đây là mức lương thấp nhất, có tiêu chuẩn về trình độ, kinh nghiệm phù hợp với những người làm nhiệm vụ. Riêng mức chi cho thành viên Ban chỉ đạo thi, đề thi áp dụng mức 3 do nhân sự cần bố trí cho khâu này đảm bảo các điều kiện tối thiểu của chuyên gia tư vấn mức 3.
Mức chi cho từng chức danh, nhiệm vụ đối với mỗi kỳ thi được xác định bằng hệ số mức chi của kỳ thi nhân với mức chi cơ sở. Hệ số mức chi của kỳ thi phản ánh quy mô, tính chất của từng kỳ thi, được xây dựng trên cơ sở hực tế đã áp dụng tại tỉnh từ nhiều năm nay.
Tờ trình đề xuất mức chi tiền công cho thành viên thực hiện nhiệm vụ tại các kỳ thi: Tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi chọn học sinh giỏi cấp huyện/tỉnh/quốc gia, thi nghề phổ thông áp dụng theo quy định tại Thông tư 69 và quy chế thi của Bộ GD&ĐT. Mức chi cho từng chức danh, nhiệm vụ tương ứng với mỗi kỳ thi.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Công an tỉnh, trình bày tóm tắt các tờ trình:
*Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó dân phòng trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng dân phòng có vai trò quan trọng trong thực hiện công tác PCCC ở địa phương. Tuy nhiên hiện nay không có chính sách cho lực lượng này.
Theo thống kê mới có 1.516/3.084 (49%) đội trưởng, đội phó dân phòng kiêm nhiệm được hưởng chế độ của các chức danh khác. Do đó, rất cần có chính sách để khích lệ, động viên, phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong thực hiện công tác PCCC ở khu dân cư.
Mức hỗ trợ trong dự thảo Nghị quyết là 20% đối với Đội trưởng (784.000 đồng đối với vùng II; 686.000 đồng đối với vùng III; 614.000 đồng đối với vùng IV) và 15% đối với đội phó (588.000 đồng đối với vùng II; 514.500 đồng đối với vùng III; 460.500 đồng đối với vùng IV). Mức hỗ trợ này phù hợp với quy định của pháp luật và tương ứng với các chức danh tương đương ở cấp thôn đã được hưởng các chính sách theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Trường hợp một người đảm nhận nhiều chức danh không chuyên trách mà giảm được người phụ trách chức danh không chuyên trách tương ứng thì được hưởng phụ cấp hoặc hỗ trợ bằng 50% phụ cấp, mức hỗ trợ của chức danh kiêm nhiệm có mức cao nhất.
Nguồn kinh phí được lấy từ dự toán ngân sách, bảo đảm cho hoạt động PCCC hàng năm, dự kiến khoảng 17,3 tỷ đồng.
* Tiếp đó, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã trình bày tóm tắt tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết quy định về số lượng và một số chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, đến nay, Công an tỉnh đã bố trí công an chính quy tại 98/98 xã với 512 đồng chí.
Tổng số công an bán chuyên trách hiện nay là 858 đồng chí. So với thời điểm trước khi thực hiện Đề án đã giảm 434 đồng chí, 144 đồng chí được bố trí công tác khác, 290 đồng chí không sắp xếp được công tác khác phải nghỉ việc hoặc không tiếp tục tham gia đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở.
Qua khảo sát cho thấy, việc chi trả cho công an viên thôn, bản trên địa bàn tỉnh không thống nhất, không được hỗ trợ đóng BHXH, một số ít địa phương hỗ trợ đóng BHYT.
Trong khi đó, công an bán chuyên trách thuộc hệ thống tổ chức CAND, thường xuyên ứng trực 24/24h, công việc áp lực, tần suất lao động cao; tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sức khỏe, tính mạng khi làm nhiệm vụ.
Mặt khác, sau khi triển khai Đề án, định biên công an toàn tỉnh không tăng nên chức năng, nhiệm vụ của công an xã ngày càng rõ, khối lượng công việc ngày càng lớn, nhiều phần việc trước đây thuộc chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh, cấp huyện nay theo phân cấp của Bộ Công an đã chuyển giao xuống công an xã.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn xã, trước mắt cũng như lâu dài, rất cần bố trí thêm số lượng công an viên bán chuyên trách để hỗ trợ công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở và việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định số lượng và một số chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Trong đó, tờ trình đã nói rõ phạm vi điều chỉnh, số lượng và mức phụ cấp hàng tháng.
Cụ thể: Mỗi thôn, bản bố trí một công an xã bán chuyên trách tham gia đảm bảo ANTT cơ sở.
Công an xã bán chuyên trách bố trí tại thôn, bản tham gia đảm bảo ANTT ở cơ sở được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 mức lương cơ sở và được NSNN chi trả BHXH, BHYT 100% mức đóng thấp nhất.
Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ sau khi thực hiện Đề án mà không bố trí sắp xếp được công tác khác hoặc không tiếp tục tham gia đảm bảo ANTT ở cơ sở được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 2 lần mức lương cơ sở. Thời gian công tác được tính hỗ trợ thôi việc bao gồm toàn bộ thời gian công tác liên tục tại công an xã. Dưới 6 tháng tính là ½ năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng thì tính tròn là 1 năm.
Công an xã bán chuyên trách được hưởng chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết này phải hoàn trả lại số tiền hỗ trợ đã nhận được nếu được bố trí lại và tiếp tục tham gia đảm bảo ANTT ở cơ sở.
Nguồn kinh phí thực hiện được bảo đảm từ ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí cân đối giao trong dự toán chi ngân sách các xã hàng năm để thực hiện, riêng năm 2022, ngân sách tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu cho các địa phương thực hiện.
Đồng thời bãi bỏ điểm n, điểm r khoản 2, điều 2, Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh quy định về số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh (không còn chức danh phó trưởng công an xã và công an viên thường trực bán chuyên trách).
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, trình bày trước HĐND tỉnh nội dung Tờ trình về việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hiện nay, các đơn vị y tế phải triển khai xét nghiệm hàng nghìn mẫu mỗi ngày cho các bệnh nhân đến khám và điều trị, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn khi có nhu cầu. Trong khi đó, từ ngày 10/11/2021, mức thu dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh quản lý đối với người bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT và xét nghiệm dịch vụ được thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Do đó, cần thiết phải trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn để có hiệu lực ngay, làm cơ sở triển khai thực hiện, kịp thời đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Mức giá UBND tỉnh đề xuất cụ thể, chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm, không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, trình HĐND tỉnh gồm: Giá xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp test nhanh là 16.400 đồng/xét nghiệm; giá xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động là 35.600 đồng/xét nghiệm; giá xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trường hợp mẫu đơn là 165.600 đồng/xét nghiệm, mẫu gộp ≤ 5 que tại thực địa là 92.400 đồng/xét nghiệm, gộp 6-10 que tại thực địa là 70.500 đồng/xét nghiệm, gộp ≤ 5 que tại phòng xét nghiệm là 138.900 đồng/xét nghiệm, gộp 6-10 que tại phòng xét nghiệm là 118.400 đồng/xét nghiệm. Mức giá này đã bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương không bao gồm phụ cấp phòng, chống dịch Covid-19 của cán bộ, nhân viên y tế.
Đồng chí Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trình bày Tờ trình về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2022.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm 2022 của HĐND tỉnh gồm: Kỳ họp thường lệ giữa năm dự kiến diễn ra vào tháng 7/2022 với thời lượng từ 2-3 ngày và sẽ xem xét thông qua 7 Nghị quyết và các báo cáo của UBND tỉnh trình theo quy định.
Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 12/2022 với thời lượng khoảng 3 ngày và sẽ xem xét thông qua 9 Nghị quyết quan trọng cùng các báo cáo của UBND tỉnh trình theo quy định. Bên cạnh đó, theo yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn của địa phương và đề nghị của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp thường lệ và kỳ họp chuyên đề trong năm 2022 để trình HĐND tỉnh quyết định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh, Nguyễn Thị Huệ trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh giao.
Cụ thể gồm các dự thảo nghị quyết, báo cáo của UBND tỉnh: Nghị quyết về việc thông qua biên chế khối Đảng, đoàn thể; quyết định giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh năm 2022; Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết quy định về số lượng và một số chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2022; Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2022; Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Báo cáo công tác của TAND, VKSND, Cục THADS tỉnh năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Bên cạnh các nội dung thuộc lĩnh vực thẩm tra mà Ban Pháp chế đã cơ bản nhất trí, Ban Pháp chế cũng có các ý kiến tham gia vào các dự thảo Nghị quyết, Báo cáo. Về việc tạm giao trong dự toán ngân sách năm 2022 một khoản kinh phí cần thiết để bố trí hợp đồng lao động, Ban đề nghị nội dung này không quy định tại nghị quyết về giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; mà cần đưa vào nghị quyết về dự toán thu NSNN, chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2022. Đồng thời, Ban đề nghị UBND tỉnh quan tâm kịp thời triển khai các biện pháp về tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2025 và từng năm; dành chỉ tiêu để tuyển mới hằng năm sau khi đã thực hiện tinh giản biên chế theo quy định để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ cấp xã đến cấp tỉnh, tạo nguồn cán bộ chiến lược cho tỉnh; rà soát, chấm dứt hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ không đúng với quy định pháp luật tại các đơn vị công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ đã chỉ ra trong kỳ...
Về số lượng công an xã bán chuyên trách, Ban thống nhất với số lượng như dự thảo, tuy nhiên cần điều chỉnh quy định về: Đối với mỗi thôn, bản có từ 350 hộ gia đình trở lên, thuộc xã trọng điểm, phức tạp về ANTT thuộc xã biên giới, hải đảo thì tùy theo yêu cầu thực tế từng địa phương, UBND cấp huyện xem xét, quyết định bố trí không quá 2 Công an xã bán chuyên trách. Đồng thời, Ban đề nghị chính sách hỗ trợ đóng BHYT và BHXH đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách được bố trí ở thôn, bản cần được quy định cụ thể vào Nghị quyết: “Ngoài mức phụ cấp hằng tháng, NSNN hỗ trợ 100% BHXH, BHYT mà Công an xã bán chuyên trách được bố trí ở thôn, bản phải đóng theo quy định”. Cùng với đó là các điều chỉnh về hiệu lực thi hành, kết cấu các điều, khoản, điểm của dự thảo Nghị quyết. Về quy định mức hỗ trợ hằng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng, Ban đề nghị sửa lại nội dung tại điểm c, điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Đối với Viện KSND tỉnh, Ban đề nghị cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các loại án, nhất là đối với các loại tội phạm mà dư luận đặc biệt quan tâm; kiểm soát chặt chẽ việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án dân sự, xét tạm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn đảm bảo việc thực hiện đúng quy định pháp luật; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm sát để phát hiện, kháng nghị, kiến nghị các vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng...
Đối với TAND tỉnh, Ban đề nghị trong năm 2022 cần quan tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử; tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp, đẩy nhanh việc xét xử các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tham nhũng, chức vụ, xâm hại trẻ em, gây rối trật tự công cộng...; thực hiện tốt các quy định trong xét giảm thời hạn thi hành án, tha tù trước thời hạn, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo; tăng cường tự kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa vi phạm, sai sót trong thực thi công vụ... Đối với Cục THADS, Ban đề nghị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao tỉ lệ thi hành án cho tổ chức tín dụng ngân hàng và cho tổ chức, cá nhân; quan tâm phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành đảm bảo chính xác, giảm số tồn đọng chuyển sang kỳ sau; có giải pháp khắc phục các hạn chế có tính lặp lại đã chỉ ra trong các kiến nghị, kháng nghị của Viện KSND hai cấp; tập trung thi hành xong các quyết định cưỡng chế thi hành án, đảm bảo an toàn, đúng luật.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, Bùi Thị Hương trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban về các nội dung:
Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, các Ban HĐND tỉnh đồng tình với báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ KT-XH và công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong năm 2021 và thống nhất nhận định: Năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, song bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của tỉnh, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị, xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đã tập trung triển khai có trọng điểm các nhiệm vụ như: Vận hành cao nhất cơ chế phòng chống dịch Covid-19 với kịch bản và quy trình phù hợp với tình hình mới; quyết liệt chỉ đạo điều hành, thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong trạng thái bình thường mới; đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược; tập trung công tác GPMB, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường, đất đai, đô thị, chuyển giao KHCN; tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt được rất nhiều kết quả toàn diện. Tỉnh đã kiểm soát tốt hình hình dịch Covid-19, là một trong những địa phương có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất cả nước với tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 95,8%, mũi 2 đạt 80,98% cho người từ 12 tuổi trở lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng, ước tăng 10,28%; tổng thu NSNN đạt 51.064 tỷ đồng. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên thực hiện chính sách miễn học phí cho các cấp học trên địa bàn trong năm học 2021-2022. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Kinh tế - Ngân sách đồng tình với những tồn tại, hạn chế đã được thẳng thắn chỉ ra trong báo cáo và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Với chủ đề hành động năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản nhất trí với nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời đề nghị quan tâm một số giải pháp sau: Đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa kế hoạch phát triển KT-XH với phương án phòng chống dịch trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế và tạo nguồn vắc xin cho kế hoạch tiêm mũi 3, thuốc điều trị Covid-19. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB, những khó khăn về nguồn tài nguyên và thủ tục cấp mỏ đất làm vật liệu san lấp; khẩn trương, quyết liệt trong công tác chuẩn bị đầu tư, kế hoạch cổ phần hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại tại các KKT, KCN; triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS gắn với xây dựng Nông thôn mới; tiến hành rà soát tổng thể đối với tài sản nhà, đất dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính. Đối với nội dung Tờ trình dự thảo Nghị quyết đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả (điều chỉnh quy mô đầu tư nhưng không làm thay đổi tổng mức đầu tư) và Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều - giai đoạn 1 (điều chỉnh tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn), trên cơ sở thẩm tra hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật về đầu tư công, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy, danh mục các dự án, công trình điều chỉnh đã đảm bảo các thành phần hồ sơ và đủ điều kiện trình HĐND tỉnh. Các nội dung đề nghị điều chỉnh đối với 2 dự án đã được các cơ quan chuyên ngành thẩm định về sự cần thiết, tính phù hợp và hợp lý. Do vậy, Ban Kinh tế - Ngân sách đồng tình với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết.
Thẩm tra tờ trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, đề nghị HĐND tỉnh chưa xem xét thông qua đối với 2 dự án: Đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Việt – Hàn và Dự án xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia 1:2000 và 1:5000 tỉnh Quảng Ninh. Còn đối với dự thảo Nghị quyết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ban đề nghị HĐND tỉnh cho ý kiến thêm về gia hạn thời gian bố trí vốn cho 56 dự án phải tiếp tục bố trí vốn giai đoạn 2022-2025 để thanh toán khối lượng hoàn thành, thời gian không quá 2 năm và chậm nhất đến năm 2022 phải hoàn thành. Đối với các dự án khởi công mới giai đoạn 2022-2025 phải đảm bảo điều kiện bố trí vốn trung hạn với các dự án, công trình đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.….
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh cũng đã trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban về các nội dung sau: Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025; Dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương và Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2022; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh; Danh mục dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án, công trình đợt 6 năm 2021; Giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; Việc phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2022.
Qua thẩm tra, các báo cáo, tờ trình đều đảm bảo chặt chẽ, đúng luật, phù hợp với quá trình phát triển của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp thực hiện được các báo cáo, tờ trình đề cập, đồng thời đề nghị HĐND tỉnh xem xét, ban hành các Nghị quyết theo đúng luật định.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, Vũ Thị Diệu Linh trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh giao.
Cụ thể, đồng chí đã trình bày 3 báo cáo thẩm tra về các dự thảo nghị quyết: Về quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh Quảng Ninh từ năm học 2021- 2022 đến năm học 2025-2026; về quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và hỗ trợ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026; về mức chi tiền công cho thành viên thực hiện nhiệm vụ tại một số kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cơ bản đồng tình với các nội dung đã thẩm tra. Đồng thời đề xuất HĐND tỉnh xem xét một số nội dung trong các dự thảo. Cụ thể về quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và hỗ trợ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025 - 2026, Ban đề nghị chưa bổ sung vào dự thảo đối tượng áp dụng là HSSV các trường trung cấp, cao đẳng, đại học được thưởng khi đoạt giải trong kỳ thi kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, Ban cho rằng việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tạo nguồn học sinh năng khiếu từ THCS (bao gồm kinh phí cho nhà trường để chi tiền công cho hoạt động dạy học và quản lý học sinh THCS trong thời gian hè, in ấn tài liệu, tiền điện nước, vệ sinh ký túc xá...) là chưa phù hợp với thực tiễn, cần được xác định rõ nội dung ưu tiên tập trung vào học sinh và giáo viên của trường THPT Chuyên Hạ Long. Ban cũng đề nghị xem xét chưa quy định chính sách thưởng cho giáo viên THCS phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu; tăng mức thưởng cho học sinh và giáo viên đoạt giải ở tất cả các cấp tỉnh đến quốc tế, trong đó tăng mức thưởng lên 1,5 lần đối với các học sinh vùng DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh...
Về mức chi tiền công cho thành viên thực hiện nhiệm vụ tại một số kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông tổ chức trên địa bàn tỉnh, Ban cho rằng với cách tính tiền công như trong dự thảo, các thành viên làm nhiệm vụ thi tại cùng một cuộc thi/kỳ thi sẽ được áp dụng mức chi cơ sở khác nhau, chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, cần xem xét để thống nhất áp dụng một mức lương theo ngày chung cho tất cả các chức danh để đảm bảo đồng bộ, thuận lợi cho quá trình thực hiện...
Nhóm Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh thực hiện
Liên kết website
Ý kiến ()