Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:23 (GMT +7)
Phiên thảo luận tổ Xây dựng nhiều giải pháp chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 3, 07/12/2021 | 19:43:01 [GMT +7] A A
Chiều 7/12, các đại biểu HĐND tỉnh đã chia thành 5 tổ thảo luận. Đại biểu tại các tổ đều phát huy tinh thần trí tuệ, thẳng thắn, trách nhiệm trong việc đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2021. Qua đó, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.
Thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu đều thẳng thắn đánh giá về thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến rất phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, chung sức, đồng lòng, kiên trì, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành toàn diện “mục tiêu kép” năm 2021 đã đề ra.
Tăng trưởng kinh tế đạt cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước đạt 10,28%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong nước, cao hơn nhiều lần so với GRDP của cả nước (ước đạt 2,5%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2020; thu NSNN ước đạt 51.064 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Trung ương giao, bằng 100,1% dự toán tỉnh giao, tăng 4% so với năm 2020.
Tại Tổ thảo luận số 1, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN TP Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, cho rằng: Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn với những biến chủng mới nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, khó kiểm soát hơn. Các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; trong đó, ngành du lịch, dịch vụ gần như không thể phục hồi. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, nhất quán, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay, Quảng Ninh là một trong 2 địa phương cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số. Càng trong khó khăn, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu được thể hiện rõ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 vẫn còn nhiều ngành, lĩnh vực chưa đạt được như kỳ vọng của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện một số dự án động lực, trọng điểm, nhất là các dự án phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.
Điển hình, đến ngày 5/12/2021, một số chủ đầu tư cấp tỉnh và 6 địa phương (Đông Triều, Vân Đồn, Móng Cái, Tiên Yên, Hải Hà, Cẩm Phả) có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 75%. Chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại biểu Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng: Nguyên nhân khách quan được xác định là tổng phần vốn bố trí cho đầu tư công năm 2021 cao hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2020; việc chuyển đổi đất, nhất là đất rừng chậm, thời gian thực hiện của các bộ, ban, ngành tương đối lâu. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do một số thủ tục chuẩn bị đầu tư còn chậm; công tác chuyển đất rừng chưa có sự chủ động từ trước; vướng mắc trong công tác GPMB; sự phối hợp giữa các đơn vị, chính quyền địa phương còn chậm; qua công tác giám sát, kiểm tra cho thấy năng lực một số nhà thầu còn yếu.
Đại biểu Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, Tổ đại biểu TP Móng Cái, cho rằng: Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công tại Móng Cái cũng như ở nhiều địa phương trong tỉnh chậm là do các dự án đầu tư đều sử dụng tiền từ nguồn đấu giá đất và thu tiền sử dụng đất nên phụ thuộc vào yếu tố nguồn thu; thủ tục cấp phép các mỏ đất san nền các dự án còn nhiều, thời gian kéo dài.
Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển năm 2022
Trên cơ sở đánh giá thẳng thắn những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021, các đại biểu đã tập trung tâm huyết, trí tuệ để tham gia nhiều ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022.
Phát biểu ý kiến tại Tổ thảo luận số 1, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chỉ rõ: Quảng Ninh đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo phát triển bứt phá. Do đó phải tận dụng được những lợi thế để có giải pháp tạo những đột phá về nhà ở, thiết chế xã hội cho công nhân lao động cũng như chiến lược thu hút lao động nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, thúc đẩy sản xuất gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số. Tạo động lực để phát huy hiệu quả KKT, KCN trên địa bàn, đóng góp cho GRDP của địa phương. Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cần sớm ban hành chính sách để tạo ra bùng nổ trong ngành du lịch, dịch vụ. Về văn hóa - xã hội, cần có chính sách cho vùng khó khăn nhiều hơn, nhất là y tế, giáo dục, hạ tầng.
Đại biểu Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Tổ đại biểu TP Uông Bí, nhấn mạnh: Mục tiêu đặt ra của năm 2022 rất cao, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm lớn của cấp ngành, địa phương. Tuy nhiên, từ những kết quả đạt được năm 2021 đã khẳng định sự định hướng, tham mưu đề xuất của UBND tỉnh và các sở, ngành rất đúng, trúng, nhất là trong thu hút vốn FDI, thu ngân sách... Điều này chính là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục vượt qua khó khăn trong triển khai nhiệm vụ năm 2022. Vì vậy, trong giai đoạn tới, cần phải tiếp tục đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mới hơn, đột phá hơn, sớm triển khai vào thực tiễn, để tạo động lực cho sự phát triển.
Các ý kiến của các đại biểu đã đi sâu vào từng vấn đề trọng tâm, đưa ra được nhưng "lời giải" xác đáng, cụ thể, nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trên từng nhóm nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh thời gian qua.
Cụ thể, về vấn đề cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ đại biểu TX Đông Triều, trong vấn đề cân đối thu, chi ngân sách tỉnh và địa phương, các sở, ngành, địa phương cần làm rõ các khoản mất cân đối, đặc biệt là vấn đề hụt thu. Do đó, trong năm 2022, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cần chú ý đến vấn đề tham mưu xây dựng kế hoạch hợp lý, sát với thực tế, trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp trước mắt và giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài để giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong hụt thu. Trong đó cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, giải pháp sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình, dự án; qua đó vừa đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn vừa bảo vệ môi trường bền vững.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho rằng: Đặc thù của Vân Đồn là địa phương có số thu thuê đất, sử dụng đất cao, tuy nhiên lại không có tính bền vững, trong khi có các khoản thu phí, lệ phí không cao. Các dự án cũng đang trong giai đoạn triển khai đầu tư nên việc thu thuế từ hoạt động của các dự án sẽ có độ trễ; cộng đồng doanh nghiệp của Vân Đồn quy mô còn nhỏ. Do đó, đại biểu đề nghị HĐND tỉnh cho phép Vân Đồn được áp dụng tỷ lệ điều tiết các khoản chia như theo tờ trình của UBND tỉnh đến hết năm 2025 do địa phương mới bước vào cơ chế tự cân đối ngân sách; đồng thời được sử dụng phần thu đột biến bù vào những nội dung hụt thu và cho phép đấu giá các quỹ đất xen kẹp.
Cùng nội dung này, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, đề nghị HĐND tỉnh xem xét định mức chi cho hoạt động môi trường cho phù hợp, đồng thời, xây dựng tỷ lệ riêng cho các địa phương vượt thu từ tiền thuê đất một lần để tạo động lực cho các địa phương trong hoạt động thu ngân sách.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến đối với một số nội dung tỉnh đặt mục tiêu cao cho năm 2022 như: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới; phát triển các dự án hạ tầng; đảm bảo đời sống cho công nhân lao động;...
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, đại biểu Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Tổ đại biểu TP Hạ Long, đóng góp ý kiến: Cần có giải pháp đủ mạnh để khắc phục tình trạng giải ngân vốn chậm hiện nay, trong đó đề nghị chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư bao gồm cả các thủ tục liên quan đến đất đai, khi đã bố trí vốn thì phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng điều chỉnh kế hoạch vốn, điều chỉnh dự án nhiều lần.
Nội dung thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đại biểu Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô, đề nghị: Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của các ngành, địa phương, nhất là đối với 4 địa phương chuẩn bị về đích năm 2022. Cùng với đó, là việc bố trí nguồn lực kịp thời để thực hiện các dự án hạ tầng cũng như phát triển sản xuất, nâng thu nhập cho người dân nông thôn.
Đại biểu Phạm Xuân Đài, Bí thư Huyện ủy Hải Hà, Tổ đại biểu huyện Hải Hà, nêu quan điểm: Trong nhiệm vụ giải pháp phát triển KT-XH năm 2022 cần quan tâm, bổ sung giải pháp về triển khai hệ thống nhà ở cho công nhân trong các KCN, KKT. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kết nối ngoài hàng rào các KCN; quy hoạch, bố trí quỹ đất nhất định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân tại KCN.
Các đại biểu cũng cho rằng, trong các giải pháp nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, bên cạnh xây dựng nhà ở công nhân cho các KCN, nhà ở cho công nhân ngành Than cũng rất quan trọng. Đây sẽ là nội dung cần tỉnh quan tâm, rà soát, xem xét và có những chính sách cụ thể, phù hợp thời gian tới.
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận về căn cứ pháp lý, thực tiễn; tổng nguồn vốn; đối tượng chịu tác động, các cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện đối với các tờ trình, dự thảo nghị quyết được trình tại Kỳ họp.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại kỳ họp sẽ được ghi nhận, tổng hợp, là căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách tại Kỳ họp lần này. Qua đó, tạo động lực để Quảng Ninh đạt được những mục tiêu đặt ra năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()