Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:03 (GMT +7)
Để khai thác tiềm năng du lịch bền vững
Chủ nhật, 12/01/2025 | 10:30:53 [GMT +7] A A
Đứng trước yêu cầu mới của sự phát triển, Hạ Long hướng đến việc trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; thành phố của đổi mới, sáng tạo, của di sản và lễ hội. Để đạt được mục tiêu đó, Hạ Long nhất thiết phải đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản.
Kinh tế di sản phụ thuộc vào nguồn tài nguyên là hệ thống di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Nội hàm của nền kinh tế di sản trên địa bàn TP Hạ Long chủ yếu dựa vào giá trị ngoại hạng, nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long và những tinh hoa văn hóa còn hiện hữu trong đời sống đương đại. Ông Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: Thời gian qua, dưới sự định hướng và chỉ đạo của tỉnh, phát triển kinh tế di sản đã là mục tiêu chiến lược được TP Hạ Long nỗ lực thực hiện và bước đầu gặt hái nhiều kết quả tích cực.
Từ chỗ chỉ đón vài chục nghìn khách tham quan trước khi được công nhận di sản, đến nay mỗi năm Vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách tham quan, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, làm cho ngành du lịch - dịch vụ có những bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Thành phố đã có nhiều nỗ lực để khai thác kinh tế di sản, tuy nhiên cũng gặp không ít thách thức, như: Mâu thuẫn giữa đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh tế di sản chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu hụt nhân lực chất lượng có trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, văn hóa kinh doanh và văn hóa ứng xử còn hạn chế, thiếu liên kết trong khai thác giá trị di sản…
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vượt qua thách thức, ngày 26/12/2024, hội thảo “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đã được tổ chức để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giúp TP Hạ Long sáng tỏ nhận thức về phát triển kinh tế di sản theo hướng toàn diện và bền vững; góc nhìn mới, hoạch định chính sách thích hợp phục vụ cho phát triển kinh tế di sản.
Với quan điểm cần có tầm nhìn về các giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, PGS.TS. Dương Văn Sáu, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, khẳng định: Thành phố nên đặt sự nghiệp phát triển văn hóa, phát huy tiềm năng của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong quan hệ mang tính hệ thống của hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá cao về các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong xu thế phát triển kinh tế di sản hiện nay, GS.TS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho rằng: Trước những thách thức trong việc bảo tồn, phát triển di sản Vịnh Hạ Long hiện nay rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền, các cấp, các ngành và người dân trong việc phối hợp quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của di sản một cách bền vững.
Nhìn chung, các tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tham gia những cơ sở quan trọng để Hạ Long hoạch định chiến lược phát triển kinh tế di sản. Nhiều nội dung có thể đưa vào mục tiêu, định hướng quan trọng trong văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hạ Long, nhiệm kỳ 2025-2030 để triển khai thực hiện, tạo sự đột phá trong nhiệm kỳ mới dựa trên các động lực, phương thức sản xuất mới, phát triển kinh tế di sản trong giai đoạn mới. Từ đó, Hạ Long sẽ là mảnh đất đón nhận nhiều nhà đầu tư đến thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến trong xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ đẳng cấp toàn cầu, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ…
Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa địa phương (chèo thuyền kayak, thăm làng chài nổi, lễ hội thuyền buồm, hát giữa kỳ quan…). Các show trình diễn, thực hành văn hóa truyền thống được tổ chức ngày càng nhiều hơn ở Hạ Long vừa giúp tăng tính đa dạng và hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, tour du lịch vừa gắn với khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Để chủ trương phát triển kinh tế di sản được triển khai hiệu quả, thực sự chuyển hóa trở thành động lực phát triển kinh tế mới, TP Hạ Long đang xây dựng lộ trình cụ thể, khoa học, khả thi, phù hợp với đặc thù từng di sản. Từ xây dựng mô hình thí điểm sẽ được nhân rộng mô hình, mở rộng chuỗi liên kết, kêu gọi sự tham gia chủ động và tích cực của cộng đồng là chủ thể có vai trò chính và hưởng lợi trực tiếp từ việc khai thác giá trị di sản để phát triển kinh tế di sản.
Thành phố đã và đang quy hoạch không gian di tích lịch sử văn hóa có sự gắn kết hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, bản sắc kiến trúc (vốn tự nhiên) và không gian văn hóa (vốn văn hóa) để tạo nên tài nguyên du lịch tổng hòa đặc sắc; quy hoạch hệ thống và không gian di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ phát triển kinh tế di sản. Đồng thời, có những đề án tổng thể phát triển kinh tế di sản gắn với bảo tồn di sản, hạn chế tần suất khai thác giá trị di sản phục vụ du lịch để không khai thác quá mức di sản; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư trùng tu, tu bổ, khai thác di sản để phát triển kinh tế bền vững.
Huỳnh Đăng
- Kinh tế di sản – Động lực tăng trưởng mới
- Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản TP Hạ Long trong kỷ nguyên mới
- Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Kinh tế di sản của Quảng Ninh
- Để kinh tế di sản phát huy hiệu quả bền vững
- Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh”
Liên kết website
Ý kiến ()