Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:29 (GMT +7)
Cơ hội khai thác tiềm năng điện gió
Thứ 2, 16/10/2023 | 06:22:05 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh mạnh dạn đề xuất và huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Trong đó, điện gió là nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng, được các nhà đầu tư quan tâm và khảo sát để phát triển trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh có 250km đường biển, cùng hệ thống hạ tầng đấu nối, truyền tải điện tốt nhất cả nước, là cơ sở để phát triển năng lượng điện gió. Thực tế, nguồn tài nguyên này đã được Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) khảo sát và đánh giá cao, khoảng 13.000MW dọc bờ biển và khoảng 2.300MW trên bờ. Nguồn năng lượng này được tập trung dồi dào ở huyện Cô Tô và TP Móng Cái. Bởi đây là địa phương có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, giàu tiềm năng cho việc khai thác, sản xuất, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, từ đó đảm bảo nguồn điện lâu dài, ổn định.
Đây là những lợi thế so sánh để thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và hiện đang có nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và khảo sát đo gió tại tỉnh Quảng Ninh. Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng 2023 trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ về đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 diễn ra tại Quảng Ninh từ ngày 29-30/9, các chuyên gia đã nhận định và đánh giá cao tiềm năng điện gió của Quảng Ninh. Ông Alessandro Antonioli, Giám đốc phụ trách điện gió ngoài khơi thị trường Việt Nam, Tập đoàn BP (Anh Quốc) đánh giá: Điện gió là loại năng lượng sạch, khá phổ biến trên thế giới. Tỉnh Quảng Ninh tiềm năng dồi dào và có nhiều điều kiện tự nhiên để xây dựng các nhà máy điện gió. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có khả năng thu hút đầu tư và phát triển nguồn năng lượng sạch. Vì vậy, chúng tôi muốn cung cấp và phát triển nguồn năng lượng điện gió này, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế chung của tỉnh Quảng Ninh. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Ninh để bàn các giải pháp thúc đẩy đầu tư, kết nối với các đơn vị trên địa bàn để thu thập dữ liệu, xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng điện gió phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh theo từng giai đoạn.
Trước đó, tỉnh cũng đã làm việc với Tập đoàn BP (Anh Quốc) và Công ty CP Tập đoàn SOVICO (Việt Nam) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Hai đơn vị đề xuất đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với công suất ước tính khoảng 3GW và sản lượng năng lượng dự kiến phát lên lưới điện miền Bắc trong khoảng 8-10TWh/năm. Theo đó, dự án được phát triển theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu từ năm 2027 đến năm 2030 với công suất 500MW; giai đoạn hai, giai đoạn ba từ năm 2030 đến 2035 với tổng công suất 2,5GW. Qua đó, kỳ vọng góp phần đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia, hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), một tập đoàn uy tín về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Đan Mạch cũng đã tới khảo sát một số địa điểm có nhiều nguồn gió và nghiên cứu đầu tư điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh. Hiện CIP đang quản lý 8 quỹ đầu tư với số vốn trên 18 tỷ USD. CIP đã thực hiện 30 khoản đầu tư vào các dự án năng lượng quy mô lớn trên toàn cầu, bao gồm các dự án điện gió ngoài khơi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dự kiến đến năm 2030, CIP đầu tư khoảng 110 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng bày tỏ sự quan tâm tới các điều kiện về cơ chế, chính sách khi đầu tư điện gió tại Quảng Ninh. Trong đó, các nhà đầu tư mong muốn có một khung chính sách hoàn chỉnh để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này; sự đảm bảo về công suất lưới điện, đường dây truyền tải cho các chủ đầu tư, đặc biệt là công nghệ lưới điện thông minh. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng mong muốn cung cấp điện năng cho nguồn khách hàng địa phương để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống lưới điện sẵn có.
Được biết, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 500/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ của Việt Nam đạt 21.880MW. Công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, định hướng đến năm 2050 đạt 70.000-91.500MW.
Quy hoạch cũng đã chỉ ra định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên hoặc cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, để phát triển nguồn năng lượng điện gió, ngày 1/3/2022, UBND tỉnh có Văn bản số 1200/UBND-CN về việc nghiên cứu tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, trên bờ tại địa bàn tỉnh. Quảng Ninh cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương việc bổ sung nhiều MW điện vào dự thảo Quy hoạch điện VIII. Quảng Ninh đề nghị bổ sung phát triển 5.000MW điện gió trong giai đoạn 2021-2040, trong đó có 3.000MW là điện gió ngoài khơi và 2.000MW là điện gió trên bờ; trong giai đoạn 2021-2030 là 2.500MW (ngoài khơi là 500MW và trên bờ là 2.000MW). Từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang “xanh" của tỉnh, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững theo Nghị quyết số 30 (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()