Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:21 (GMT +7)
Khẩn trương di chuyển các cơ sở chế biến hàu ra khỏi khu dân cư
Thứ 2, 20/02/2023 | 08:32:32 [GMT +7] A A
Thời gian qua, nghề nuôi hàu trên địa bàn huyện Vân Đồn đã đem lại nguồn lợi kinh tế khá giả cho người dân. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến hàu lại đang gây ô nhiễm môi trường do tình trạng xả thải khá lộn xộn, gây bức xúc trong nhân dân. Đây là vấn đề cử tri xã Hạ Long nói riêng và cử tri của huyện Vân Đồn nói chung kiến nghị mong sớm được khắc phục.
Mục sở thị một vài cơ sở chế biến hàu trên địa bàn xã Hạ Long cho thấy kết cấu nhà xưởng khá sơ sài. Trang thiết bị sản xuất còn thô sơ, không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm chéo. Toàn bộ hàu được thu mua về sơ chế ngay trên nền đất, nước thải chảy qua một rãnh nhỏ và thu gom vào một bể phốt được che đậy rất sơ sài, bốc mùi hôi thối. Chưa kể số vỏ hàu được tập kết để đưa đi cấy con giống được chất cao ngất, ngay cạnh hệ thống mương thoát nước khu dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, đời sống người dân xung quanh.
Anh Nguyễn Hồng Thắng (thôn 8, xã Hạ Long) cho biết: Việc các cơ sở chế biến hàu nằm trong khu dân cư rất gây ô nhiễm môi trường. Những hôm trời mưa thì đỡ mùi, hôm nào trời nắng, oi bức rất khó chịu. Chúng tôi rất mong huyện sớm đưa các cơ sở chế biến hàu về một khu tập trung để quản lý giúp môi trường được đảm bảo.
Huyện Vân Đồn, nơi được coi là vựa hàu lớn nhất tỉnh với diện tích nuôi trồng khoảng 4.000ha. Không chỉ được tiêu thụ nội địa, hàu còn là sản phẩm thường xuyên được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với số lượng lớn. Hiện nay riêng địa bàn xã Hạ Long có khoảng 15 cơ sở chế biến hàu với công suất 4-7 tấn/ngày, trong khi lượng nước thải, chất thải như hiện nay đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Vân Đồn có tổng số 250 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Riêng cơ sở chế biến thủy, hải sản có 42 cơ sở. Như vậy, về lâu dài với sự tồn tại của các cơ sở này trong khu dân cư sẽ gây áp lực lớn đến môi trường. Qua sự việc trên cho thấy, thực trạng các cơ sở sản xuất, chế biến thủy, hải sản xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Hạ Long ảnh hưởng xấu tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Được biết, trước những bức xúc đã được phản ánh của nhân dân, UBND huyện Vân Đồn giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng tham mưu các điều kiện để triển khai chuẩn bị công tác di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư đến địa điểm phù hợp quy hoạch trên địa bàn huyện theo chủ trương của tỉnh.
Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo đầu tư xây dựng hạ tầng CCN tại xã Đoàn Kết, do Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô trên 52ha. Với các hạng mục đầu tư gồm: Văn phòng điều hành, khu xử lý nước thải, đường giao thông kết nối nội bộ, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thoát nước thải và quản lý chất thải rắn... Tính đến thời điểm này các đơn vị thi công đang gấp rút triển khai các hạng mục của CCN. Dự kiến đến 30/4/2023 có thể thu hút được các doanh nghiệp thứ cấp phải di dời theo quy hoạch, trong đó có các cơ sở chế biến thuỷ, hải sản để sản xuất đảm bảo môi trường.
Ông Nguyễn Sinh Lượng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Đồn cho biết: Trong những năm gần đây các cơ sở chế biến hàu phát triển rất nhanh. Bên cạnh sự phát triển đó là việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Để giải quyết triệt để vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 10/CT-UBND năm 2017 về việc thực hiện di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh ra khỏi khu dân cư, hiện nay huyện đã lựa chọn được nhà đầu tư triển khai dự án CCN tại xã Đoàn Kết. Sau khi CCN hoàn thiện, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân đến đăng ký thuê đất, di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp vào CCN đảm bảo quy hoạch, cũng như các điều kiện về môi trường, góp phần phát triển bền vững của địa phương.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()