Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:27 (GMT +7)
Khẩn trương sửa Thông tư 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành quy định gây khó doanh nghiệp
Thứ 5, 24/08/2023 | 07:13:00 [GMT +7] A A
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9) theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn hoàn thành trong ngày 25/8.
Đó là một trong những nội dung của văn bản số 756/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký gửi NHNN ngày 23/8 về việc đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên xem xét thu hồi lại Thông tư này để tạo điểu kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bất động sản phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Phía Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng: Các quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư 06 đã bổ sung thêm 4 trường hợp khách hàng có nhu cầu vốn không được cho vay tín dụng; trong đó có một số quy định chưa thật hợp lý, chưa sát thực tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số quy định pháp luật.
Ví dụ tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06 quy định tăng từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng. Ngoài ra, Thông tư 06 được ban hành trước Nghị quyết 97 nên cần được xem xét sửa đổi để NHNN thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt...
“Thông tư 06/2023 sẽ khiến tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP không được đảm bảo, thể hiện một cách rõ ràng và quyết liệt mục tiêu tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản Việt Nam. Thông qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và đầu tư thuận lợi trong khâu tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, các dự án khả thi, hiệu quả sẽ có cơ hội được thực hiện, góp phần cải thiện nguồn cung cho thị trường”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính nhận định.
Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu Thông tư 06/2023 được áp dụng, sẽ gây ra một số bất cập như sau: Thứ nhất, các dự án đang bị vướng mắc pháp lý hoặc đang thiếu vốn chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp. Nếu không được cho vay, doanh nghiệp không có cơ hội xoay chuyển.
“Hiện nay mua bán và sáp nhập (M&A) đang được xem là một kênh góp phần hỗ trợ tích cực, mở ra lối thoát cho doanh nghiệp và cho cả thị trường. Khi các chủ đầu tư gặp khó khăn, đứng trên nguy cơ “chết chìm trên đống tài sản” có thể bán bớt một phần tài sản để cứu phần tài sản còn lại. Nhờ đó các dự án có cơ hội được tái khởi động. Nguồn cung trên thị trường cũng từ đó ra tăng. Thay vì tạo điều kiện, nới nỏng và hỗ trợ cho hoạt động M&A, Thông tư 06 có nguy cơ sẽ khiến hoạt động này trở lên khó khăn hơn”, TS Nguyễn Văn Đính phân tích.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yê cầu NHNN nghiên cứu kỹ lưỡng kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng, các nội dung liên quan được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh ở một số điểm.
Căn cứ Luật NHNN, Luật các TCTD và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế để tiếp thu, khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư số 06 ngày 28/6, theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, các TCTD, người dân, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau.
Mục đích chính sách làm sao giờ phải được ban hành nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng, ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phải hoàn thành trong ngày 25/8; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để tránh các vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra.
"Thống đốc NHNN theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt kịp thời, tích cực trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, quan tâm chỉ đạo ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mộ, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ", nội dung văn bản số 756 của Thủ tướng Chính phủ nêu.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()