Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:45 (GMT +7)
Khẳng định vai trò hoạt động trợ giúp pháp lý trong xã hội
Thứ 5, 25/08/2022 | 07:03:49 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, trở thành địa chỉ tin cậy của người dân, đặc biệt là những đối tượng chính sách.
Sau khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực, cùng với việc thực hiện Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 1/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025, tổ chức bộ máy của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã được đầu tư, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Hiện Trung tâm có 16 biên chế, trong đó 7 người là trợ giúp viên pháp lý và 9 cán bộ làm công tác, nhiệm vụ khác. Đơn vị kiện toàn tổ chức với 2 phòng chuyên môn gồm Phòng Nghiệp vụ và Phòng Hành chính tổng hợp. Đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, có trình độ chuyên môn, đảm bảo thực hiện tốt chất lượng vụ việc TGPL.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, hàng năm, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác tham mưu ban hành các kế hoạch hoạt động, văn bản triển khai trên địa bàn tỉnh cũng như chủ động triển khai công tác TGPL có hiệu quả trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đảm bảo quyền của người được TGPL khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật.
Đơn cử ngay từ đầu năm 2022, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 13/1/2022 về việc thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022, với các nội dung cụ thể như: Nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL; tiếp tục truyền thông về Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện TGPL ở cơ sở, lồng ghép kết hợp hoạt động TGPL với triển khai các đề án, chính sách dành cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn; tiếp tục cập nhật, công bố danh sách tổ chức thực hiện TGPL trên địa bàn, công khai niêm yết thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL.
Đơn vị cũng tham mưu cho Sở Tư pháp trình Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, ban hành Kế hoạch số 70/KH-HD ngày 27/12/2021 về hoạt động của Hội đồng năm 2022; trình UBND tỉnh Hồ sơ dự thảo Nghị quyết “Quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 ”; tham mưu cho Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 49/KH-STP ngày 13/5/2022 về việc tuyên truyền, vận động và TGPL cho người dân tộc thiểu số năm 2022...
Công tác truyền thông về TGPL luôn được Trung tâm chú trọng thực hiện để đưa chính sách TGPL đến với người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác. Bằng cách cung cấp Bảng thông tin và hộp tin TGPL để niêm yết tại các trụ sở UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh. Các Hộp tin TGPL được cung cấp mẫu đơn yêu cầu TGPL, danh sách người thực hiện TGPL, địa chỉ của Trung tâm TGPL nhà nước để người dân thuận tiện tìm hiểu và liên hệ khi có nhu cầu. Đơn vị cũng phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh duy trì chuyên mục trợ giúp pháp lý trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, thường xuyên cập nhật tin, bài cũng như các vụ việc tư vấn pháp luật mang tính phổ biến để cung cấp thông tin pháp luật cho người dân quan tâm, tìm hiểu. Ngoài ra, Trung tâm đã thiết lập và duy trì hoạt động của Đường dây nóng về TGPL để tạo một kênh thông tin liên lạc nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, thực hiện công bố số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong tờ gấp pháp luật miễn phí, đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận, liên hệ ...
Công tác truyền thông về TGPL trong hoạt động tố tụng vẫn được duy trì đều đặn theo các hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh. 100% trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ, trại tạm giam đều được niêm yết bảng thông tin, hộp tin về TGPL và cung cấp tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu TGPL, danh sách người thực hiện TGPL để người dân tìm hiểu khi có nhu cầu.
Đơn vị cũng bố trí phòng tiếp dân riêng và cán bộ tiếp dân có trình độ chuyên môn phù hợp, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận và thụ lý các vụ việc TGPL, nhất là đối với những vụ việc mà người yêu cầu TGPL có yêu cầu giữ bí mật, những vụ việc người được TGPL là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán người..., tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng để trình bày về vụ việc.
Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở, Trung tâm tích cực phối hợp cùng các địa phương, đơn vị, phòng ban tổ chức hội nghị TGPL với sự tham gia của hàng nghìn lượt người mỗi năm. Trung tâm cũng thực hiện biên soạn các loại tờ gấp pháp luật về TGPL với nội dung phong phú, đa dạng, gắn với đời sống của người dân để cấp phát miễn phí cho người dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân, ngày càng nhiều người tìm đến TGPL khi có vướng mắc pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật nói chung có những thay đổi tích cực.
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Các hoạt động TGPL như tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL luôn được Trung tâm thực hiện kịp thời, chất lượng và hiệu quả.
Từ năm 2018 đến hết tháng 6/2022, Trung tâm đã thụ lý 886 vụ việc/886 lượt người, trong đó thực hiện tư vấn 372 vụ việc, tham gia tố tụng để bào chữa 337 vụ việc, tham gia tố tụng bảo vệ 166 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 11 vụ việc. Thực hiện chủ trương chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, số lượng vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện tăng nhiều so với trước khi luật có hiệu lực.
Các trợ giúp viên pháp lý đã tích cực tham gia tố tụng tại các lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, hành chính với 301 vụ việc, chiếm 60% số vụ việc tham gia tố tụng. Tỷ lệ trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp quy định hàng năm được duy trì ở mức cao. Vụ việc TGPL được thực hiện đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được TGPL.
Hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, đã hạn chế đơn thư tranh chấp và các khiếu kiện không cần thiết. Kết quả đó góp phần đáng kể vào việc ổn định trật tự xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Người được trợ giúp pháp lý - Người có công với cách mạng. - Người thuộc hộ nghèo. - Trẻ em. - Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. - Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. - Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. - Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV. |
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()