Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:29 (GMT +7)
Nâng cao năng lực, vị thế doanh nghiệp nông nghiệp Khẳng định vai trò trọng tâm, động lực, dẫn dắt sự phát triển
Thứ 3, 12/10/2021 | 10:40:50 [GMT +7] A A
So với nhiều lĩnh vực kinh tế khác, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp Quảng Ninh không nhiều. Tuy nhiên, thời gian qua, các đơn vị này được ghi nhận có bước tăng trưởng ổn định, ngay cả trong bối cảnh bị tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp của Quảng Ninh đã phát huy vai trò trung tâm, động lực, dẫn dắt của mình, tháo nhiều nút thắt, điểm nghẽn nông nghiệp cho tỉnh, tạo nên một khu vực kinh tế nông nghiệp sôi động, qua đó đã và đang góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp Quảng Ninh.
Từ chuyện xóa "điểm nghẽn" con tôm giống
Tháng 5/2017, ngay khi Tập đoàn Việt Úc đặt nhát cuốc đầu tiên khởi công dự án Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao Đầm Hà (đơn vị quản lý là Công ty TNHH Việt - Úc Đầm Hà, địa chỉ xã Tân Lập, huyện Đầm Hà), niềm tin về một ngành hàng tôm phát triển ở Quảng Ninh đã được định hình. Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực thời bấy giờ phân tích, cơ sở của niềm tin bởi Việt Úc là doanh nghiệp đầu ngành tôm của cả nước, sở hữu hệ thống các dự án tôm hiệu quả dọc nam chí bắc. Đặc biệt, đơn vị này sản xuất con giống tôm sạch bệnh, khỏe mạnh, khâu mà Quảng Ninh thiếu và yếu, đây là điểm nghẽn, kéo lùi sự phát triển ngành hàng tôm của tỉnh nhiều năm qua.
Không phụ sự kỳ vọng của Quảng Ninh, 2 năm sau, Việt Úc thành công đưa ra thị trường mẻ tôm giống đầu tiên, chính thức tháo điểm nghẽn tôm giống. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Thành công này của Việt Úc đồng thời giải quyết vấn đề đang tồn tại nhiều năm qua là tôm giống trôi nổi, không nguồn gốc, thay vào đó là cung ứng giống tôm ưu thế nhất so với các giống tôm “chính hãng” trên thị trường, do được sản xuất, thích ứng điều kiện tại chỗ, phù hợp lập địa Quảng Ninh.
Theo con số báo cáo của Việt Úc, trong 3 năm qua kế từ 2019, mỗi năm đơn vị xuất 500 triệu - 1 tỷ tôm giống ra thị trường Quảng Ninh và các tỉnh, thành lân cận. Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh gặp khó vì dịch bệnh, Việt Úc vẫn xuất được trên 700 triệu con, gấp 2 lần so với năm 2020.
Từ con giống tôm Việt Úc, hoạt động sản xuất tôm thương phẩm trên toàn tỉnh có bước phát triển mới. Thể hiện qua các thông số giảm dịch bệnh, tăng số lượng, chất lượng, tăng các mô hình nuôi tôm hiện đại, tăng giá trị con tôm. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đang là trung tâm vùng tôm khu vực phía bắc với diện tích nuôi hơn 20.000ha, trong đó 4.000ha nuôi công nghiệp, sản lượng đạt 17.000-20.000 tấn/năm, doanh thu tiệm cận 2.000 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực sản xuất tôm giống, Việt Úc đang tích cực hoàn thiện để đưa ra sản phẩm tôm giống chịu lạnh. Mục tiêu là giúp các hộ nuôi tôm Quảng Ninh hoạt động phủ kín các mùa trong năm thay vì phải nghỉ đông như hiện nay, qua đó nâng sản lượng, giá trị ngành hàng tôm lên thêm 30% so với hiện nay. Thời điểm hiện tại, Việt Úc đang xây dựng khu nuôi thương phẩm giống tôm chịu lạnh để đánh giá chất lượng con giống trước khi đưa ra thị trường.
Đến vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp
Cùng với Việt Úc, doanh nghiệp nông nghiệp Quảng Ninh còn có những cái tên tiểu biểu khác đã và đang làm tốt vai trò dẫn dắt, là trung tâm, động lực phát triển kinh tế nông nghiệp toàn tỉnh.
Có thể thấy, nếu như Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường là đơn vị đầu ngành giữ giống vật nuôi, cây trồng gốc, đồng thời nghiên cứu các giống mới ưu thế cho tỉnh từ hàng chục năm qua, thì Công ty TNHH Nấm Long Hải trở thành doanh nghiệp lớn trong toàn quốc về cung ứng nấm ăn cao cấp. Công ty CP Thông Quảng Ninh chiếm ưu thế trong thị phần xuất khẩu dầu thông và tùng hương ra nước ngoài của Việt Nam. Công ty TNHH Phú Lâm đã vươn lên nằm trong số ít các doanh nghiệp tiềm lực về chăn nuôi, chế biến bò thịt nhập ngoại của Việt Nam…
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Phú Lâm bị tác động bởi tình trạng khó khăn chung khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi đó sức mua của thị trường, giá bán ra sản phẩm thành phẩm giảm. Con số tính ra là thời điểm tháng 9, giá thức ăn đã tăng 56%, giá bán sản phẩm bò giảm 20%. Điều này do tác động từ nhiều phía, đặc biệt là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển trong 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19.
Khó khăn bủa vây là vậy, tuy nhiên năm 2021 lại được coi là có bước phát triển đột phá của Công ty TNHH Phú Lâm khi đơn vị này đã nhân rộng hệ thống chuồng trại, tăng số lượng đầu bò nhập, mở cơ sở giết mổ và chế biến thịt mát, tăng thị phần sản phẩm bán ra tại nhiều thị trường chính trong cả nước… Hiện nay Phú Lâm có gần 18.000 con bò thịt nhập ngoại, chiếm đến 37% về tổng đàn và chiếm trên 45% về tổng giá trị đàn bò của toàn tỉnh.
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Chăn nuôi Quảng Ninh đang nỗ lực chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, như vậy chỉ cần trên địa bàn có một số doanh nghiệp lớn đã là có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Công ty CP Thông Quảng Ninh ra đời và lớn mạnh kể từ khi tiến hành cổ phần hóa từ năm 2000 đến nay. Hiện doanh nghiệp này không chỉ có năng lực bao tiêu 100% sản phẩm nhựa thông trên toàn tỉnh mà còn thu mua nguyên liệu từ nhiều tỉnh thành khác để đáp ứng nhu cầu và chiến lược phát triển của mình. Doanh nghiệp đang mở rộng dây chuyền sản xuất, chế biến sản phẩm sau tùng hương, mục tiêu là đứng đầu nhóm doanh nghiệp tiềm lực nhất cả nước về ngành hàng này.
Cũng vì vậy mà hàng chục năm qua, Công ty CP Thông Quảng Ninh đã cùng với các địa phương nhân rộng vùng trồng thông Quảng Ninh, con số đến nay đã đạt cả ngàn ha, tạo sinh kế bền vững đến 50 năm cho người trồng, khai thác rừng. Theo báo cáo cổ đông của Công ty CP Thông Quảng Ninh, trong 9 tháng năm 2021, vượt qua những tác động từ đại dịch, doanh nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng lớn, doanh thu, lợi nhuận tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Có thể thấy, từ những định hướng đúng, những giải pháp thực hiện phù hợp và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, nông nghiệp Quảng Ninh đang dần có vị thế trong cơ cấu kinh tế chung của toàn tỉnh, cũng như trong khu vực kinh tế nông nghiệp của toàn quốc. Đây chính là cơ sở, nền tảng, điều kiện quan trọng để Quảng Ninh có thể kỳ vọng vào nền nông nghiệp phát triển hiện đại và giá trị cao.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()