Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:29 (GMT +7)
Khẳng định vị thế bằng giá trị khác biệt mới
Thứ 2, 03/03/2014 | 05:49:47 [GMT +7] A A
Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh vùng đất địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc có những ưu thế phát triển kinh tế khá nổi trội, bởi nằm trong Khu vực hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, cầu nối quan trọng của hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc... Khẳng định vị thế của một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc và đất nước, trong những năm qua, Quảng Ninh đã và đang tiếp tục tạo ra những giá trị khác biệt mới để thực sự là trung tâm kinh tế lớn, là hạt nhân của Vùng hỗ trợ các tỉnh phía Nam sông Hồng và vùng khác phát triển.
Hệ thống dịch vụ hậu cần tại cảng Cái Lân đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại. |
Bắc những “nhịp cầu vàng” kết nối
Để bắc những “nhịp cầu vàng” kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển, với các nhà đầu tư, trong những năm gần đây, Quảng Ninh đang tập trung mạnh mẽ cho việc khắc phục những “điểm nghẽn” về cơ sở hạ tầng. Trước tiên đối với hạ tầng giao thông, điện, nước, tỉnh đã tìm mọi biện pháp để huy động và ứng ngân sách trên 1.700 tỷ đồng để hoàn thành dứt điểm các tuyến đường huyết mạch, động lực cho phát triển các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa như Quốc lộ 18C lên cửa khẩu Hoành Mô, đường tỉnh lộ 340 lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp Quốc lộ 18A đoạn Uông Bí - Hạ Long… Đồng thời tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh cảng Cái Lân, nâng cấp các cảng du lịch, chuyên dùng và tổng hợp. Hiện đang tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng kêu gọi đầu tư Dự án sân bay Vân Đồn theo hình thức BOT; hoàn tất các thủ tục cấp phép đầu tư nước ngoài để triển khai Dự án đường cao tốc nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng bằng hình thức BT và BOT; nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện dự án và làm thủ tục cấp phép đầu tư để triển khai xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái với tổng vốn dự kiến trên 2,2 tỷ USD bằng hình thức BT.
Cùng với đó, tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ để đẩy nhanh việc hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng các nhà máy nhiệt điện đang thi công trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến 2015 nâng tổng công suất các nhà máy điện trên địa bàn đạt 5.700 MW (chiếm 15% tổng sản lượng điện cả nước). Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh, mương, hồ đập, đê điều thuỷ lợi và hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu, nuôi trồng thuỷ sản, phòng chống lụt bão với tổng đầu tư cho các lĩnh vực này gần 2.000 tỷ đồng trong ba năm (2011, 2012, 2013).
Riêng đối với việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế và hạ tầng thương mại, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư xây dựng phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) có vai trò động lực như: KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, KCN Việt Hưng, cảng biển Hải Hà, KCN Đầm Nhà Mạc. Đặc biệt kêu gọi đầu tư nước ngoài phát triển hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, vì thế đã hoàn thành và đưa vào sử dụng siêu thị Metro, đang triển khai xây dựng siêu thị Big C, Vincom Hạ Long. Tập trung đầu tư xây dựng Móng Cái giữ vai trò cửa ngõ giao lưu chính của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc và giữa Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng tại TP Hạ Long gắn với phát triển du lịch và dịch vụ.
Để xứng tầm của vùng kinh tế năng động, góp phần thu hút đầu tư và phục vụ các loại hình du lịch, việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho lĩnh vực xã hội cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm như triển khai xây dựng đề án thành lập bệnh viện quốc tế tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng những công trình phục vụ cho phát triển văn hoá như: Công viên trung tâm Lán Bè, Quảng trường Cột 3, nhà Thư viện - Bảo tàng tỉnh, giải phóng mặt bằng, san nền, triển khai đầu tư hạ tầng cho Trung tâm thể thao vùng Đông Bắc. Trong tâm thế phát triển mới hệ thống đô thị của tỉnh được định hướng phát triển theo mô hình “Một tâm - hai tuyến đa chiều và hai điểm đột phá” với tỷ lệ đô thị hoá hiện đạt 56% so với cả nước (32%).
“Tài sản” đảm bảo cho sự phát triển bền vững
Tiết kiệm đất đai, tài nguyên, nguồn lực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ tối quan trọng tỉnh Quảng Ninh đặt ra và phải thực hiện trong lộ trình phát triển của mình. Vì vậy, trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã tập trung cho công tác lập quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển, trong đó lấy năm 2012 là “Năm lập quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển”. Tỉnh đã ưu tiên bố trí trên 600 tỷ đồng cho công tác này trong năm 2012 và 2013. Đặc biệt nhằm tranh thủ kinh nghiệm quý báu của các đơn vị tư vấn nước ngoài và tạo tiền đề hấp dẫn thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, tỉnh đã xin Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch quan trọng, đến nay một số quy hoạch đã hoàn thành như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Xây dựng và hạ tầng (quy hoạch xây dựng vùng tỉnh), Tổng thể phát triển du lịch và đang xúc tiến khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, các khu kinh tế, khu công nghiệp.
“Tài sản” lớn nhất đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh đó là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng 2 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” đã được xây dựng và được Bộ Chính trị đồng ý về quan điểm, tư tưởng, nguyên tắc, mục tiêu, không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh và tăng cường hoạt động đối ngoại. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương và cho phép áp dụng 7 nhóm cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng, phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước, tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Nhất là trong việc tiếp tục hoàn thiện Đề án “Xây dựng thí điểm Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Móng Cái” để góp phần tìm ra mô hình phát triển kinh tế - xã hội đột phá tại những địa bàn có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh.
Phát huy tối đa những lợi thế vốn có, khẳng định vị thế của địa bàn kinh tế năng động, cực phát triển quan trọng của đất nước, Quảng Ninh đã và đang tạo ra những giá trị khác biệt mới trên cơ sở nền tảng từ vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng của đất nước.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()