4
18
/
827372
Khi 9X "đứng mũi chịu sào"
longform
Khi 9X "đứng mũi chịu sào"

 


 

 

 

Tháng 10, hoa dong riềng nở đỏ rực cả đường đi, những vườn dong lá xanh mướt đung đưa trong màu nắng hanh hao của mùa thu trải dọc tuyến đường thôn. Đó cũng là thời điểm, chị Hà Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu cùng bà con tất bật công việc chăm bón cho những vườn dong mong một mùa năng suất cao.

 

 

Đón chúng tôi ở vườn dong thôn Bản Cáu - vườn dong điểm của xã Lục Hồn, tay chân vẫn đang lấm đất chị Yến vui vẻ chia sẻ: Mình vừa cùng bà con tỉa lá khô, bón phân cho vườn. Vì đây là vườn dong điểm của xã nên mình thường xuyên xuống đây cùng bà con kiểm tra, chăm bón, theo dõi sự phát triển của dong để còn rút kinh nghiệm cho những vườn trồng khác. Bà con trong xã cơ bản đã quen với kỹ thuật canh tác cây dong rồi nhưng để đạt được năng suất, chất lượng cao thì quy trình kỹ thuật sẽ phải tốt hơn hiện tại nhiều. Bà con trong xã trông chờ nhìn vào mô hình điểm này để học tập, nhân rộng nên mình muốn dành nhiều thời gian, chăm chút hơn nữa, với đà sinh trưởng nhưng hiện tại mình hy vọng vụ dong năm nay vườn điểm ở thôn Bản Cáu sẽ đạt năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất.

Được biết để cây dong riềng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân, năm 2017, chị Yến đã mạnh dạn lựa chọn mô hình “Vận động hội viên nông dân thôn Bản Cáu tích cực trồng và tham gia mô hình trồng thâm canh cây dong riềng”. Bên cạnh hướng dẫn hội viên, bà con phương pháp trồng, chăm sóc cây chị Yến còn tích cực kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp để thu mua, tạo đầu ra ổn định cho dong riềng. Đến nay, diện tích trồng dong riềng trên địa bàn xã đạt 58,3/55ha, đạt 106% kế hoạch được giao. Nhiều hộ nhờ cây dong riềng đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Vừa trò chuyện, chúng tôi vừa trở về phòng làm việc của chị ở UBND xã. Về đến cơ quan, chị lại tranh thủ làm báo cáo tình hình sản xuất của địa phương và hoàn thiện hồ sơ vay vốn của hội viên. "Bà con ở xã vùng cao trình độ nhận thức, dân trí còn có nhiều hạn chế nên dù việc to hay nhỏ bà con đều gọi điện hỏi. Mà bà con đã hỏi không chỉ trả lời ngay, đúng mà còn phải hướng dẫn, giảng giải tỉ mỉ để bà con hiểu và làm được. Lúc mới làm công tác Hội, mình cũng bỡ ngỡ, lúng túng lắm nhưng giờ thì quen rồi, ngày nào không nhận được "a lô" của bà con thấy thiếu thiếu"-chị Yến tâm sự.

Để nhận được sự tín nhiệm của các hội viên, chị Yến cũng trải qua nhiều thử thách.

 Chị Yến kể: “Thời gian đầu mới làm công tác Hội, mình xuống thôn vận động hầu như bà con không nghe đâu vì mình còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Một phần, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên việc đưa giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng gặp những khó khăn. Phần khác, vì các hộ dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỉ lại, hoạt động sản xuất mang tính chất tự cung tự cấp là chủ yếu chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng dần dần cứ mỗi ngày vận động một chút, nhiệt tình và trách nhiệm, cộng với hiệu quả của những việc mà mình vận động, hướng dẫn bà con làm nên giờ mình nói cũng dễ, bà con tin tưởng mình hơn”.

Dù chỉ đáng tuổi  con, tuổi cháu của nhiều hội viên nhưng sức trẻ và kiến thức của một cử nhân ngành Sinh học lại là thế mạnh giúp Chủ tịch Hội Nông dân xã Lục Hồn Nguyễn Thị Yến đã khẳng định năng lực của mình trong vai trò tập hợp, vận động, hướng dẫn bà con nông dân trong xã trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn... 

Cũng ở tuổi 28 nhưng anh Tằng Dảu Quay đã có thâm niên gần 4 năm làm Trưởng thôn và hơn 1 năm kiêm thêm Bí thư chi bộ tại thôn 1, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà từ khi thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020”.

 

Tuổi đời còn rất trẻ, tuổi đảng thì đếm trên đầu ngón tay nhưng đảng viên trẻ Tằng Dảu Quay luôn tự tin: “Bà con đã tin tưởng bầu mình thì phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cho tốt. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, mình giúp được việc gì, cái gì tốt cho bà con mình phải làm”.

Những chuyện mà anh Quay bộc bạch với chúng tôi toàn chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Đó là những ngày anh loanh quanh không biết bao nhiêu vòng trong thôn vì công việc xóm này, xóm kia. Công việc của cán bộ thôn “2 vai” nhiều khi chiếm hết thời gian chăm lo gia đình của anh.

Đều đặn một ngày, hai ngày, người dân trong thôn lại thấy anh trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ khi thì ở nhà này hướng dẫn phát triển chăn nuôi, khi thì ở nhà kia vận động hiến đất, góp ngày công xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi của thôn. Nhờ thế, mới đây con đường bê tông liên thôn dài gần 2km đã được hoàn thành. Những ngôi nhà mới hai tầng được xây dựng hai bên đường ngày càng nhiều hơn làm thay đổi diện mạo làng quê thêm khang trang.

Chỉ theo anh một đoạn đường ngắn đi thăm tuyến mương của thôn đang triển khai xây dựng mà vừa đi chúng tôi thấy anh liên tục gọi điện. Bởi vì thấy có nhà đang đổ đá xây dựng anh gọi nhắc nhở để vật liệu gọn gàng tránh ảnh hưởng tới đi lại của người dân; hay vì đoạn đường này cỏ mọc nhiều anh gọi điện nhắc chị chi trưởng phụ nữ cuối tuần vận động bà con ra quân dọn vệ sinh.... Quả thật, từ việc lớn đến việc nhỏ, người cán bộ trẻ đều sâu sát, quan tâm từng chút một, đủ thấy tấm lòng, sự tâm huyết của trưởng thôn, bí thư chi bộ 9X này.

 “Nói phải củ cải cũng nghe”, đó là quan niệm của anh Tằng Dảu Quay. Mọi công việc tuyên truyền, vận động nhân dân anh đều dày công đến từng ngõ, gõ từng nhà. Theo anh Quay, điều quan trọng nhất là mình phải làm gương cho mọi người thấy trước, phải làm cho người dân hiểu được rằng công việc ấy, hành động ấy là lợi ích lớn cho chính mỗi gia đình, cho cộng đồng thôn, xóm.

Dù công việc của thôn bận rộn nhưng có thời gian là anh tranh thủ đi đây đi đó học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế mới để bà con học tập. Đến nay, gia tài của hai vợ chồng anh là 10 con bò, 2ha rừng trồng keo, một mẫu ruộng cấy lúa xen canh và một cửa hàng tạp hóa nhỏ, phục vụ nước giải khát. Mô hình nuôi bò kết hợp trồng cỏ vừa để phục vụ chăn nuôi tại gia đình đồng thời xuất bán cho các công ty chăn nuôi của anh được bà con học tập rất nhiều, mang lại thu nhập đáng kể, ai cũng phấn khởi.

Qua rà soát năm 2018, toàn thôn 1 đã giảm từ 9 hộ nghèo xuống còn 3 hộ, 20 hộ cận nghèo xuống còn 9 hộ, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm đáng kể. Cùng với đó, việc tổ chức ma chay, cưới hỏi có nhiều thay đổi, không còn rình rang kéo dài nhiều ngày như trước, bà con đã nâng cao nhận thức trong thực hiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.....

Những chuyện thường ngày như thế của cán bộ 9X ở thôn, xã như chị Yến, anh Quay kể ra còn rất nhiều vì họ là những cán bộ “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”. Kết quả đạt được trong quá trình lãnh đạo của những cán bộ trẻ đã chứng minh sự sáng suốt của cấp ủy, chính quyền cũng như niềm tin mà nhân dân gửi gắm. Bởi lẽ, những người làm việc cho dân, vì dân với sự tâm huyết, trách nhiệm thì sẽ luôn tạo nên sức mạnh đoàn kết và thành công. 

 

Xác định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ trong công tác lựa chọn, đào tạo cán bộ đặc biệt là những cán bộ trẻ tuổi có trình độ, năng lực. Đặc biệt, việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ từ cấp cơ sở đã và đang góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, các phong trào thi đua ở cơ sở trong giai đoạn mới.

Đồng chí Bùi Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, cho biết: Hiện nay, việc đào tạo và phân công cán bộ trẻ vào các vị trí trong tổ chức Đảng, chính quyền đã được địa phương triển khai và tạo điều kiện tối đa. Các cán bộ trẻ đang công tác đều là những người có năng lực, được người dân và lãnh đạo tin tưởng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt công việc được giao. Họ có cách làm việc khoa học, nhanh nhẹn, trách nhiệm, sử dụng tốt các trang thiết bị hiện đại, cập nhật thường xuyên tình hình của địa phương, cơ sở để báo cáo, tham mưu, giúp xã kịp thời giải quyết triệt để các vấn đề. Để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trẻ, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên tạo điều kiện để cán bộ có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chính trị, trang bị kiến thức giúp họ tự tin, mạnh dạn khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ trẻ những nội dung và công việc khó, tạo môi trường để cán bộ trẻ phát huy năng lực, sức sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh bằng những việc làm cụ thể cũng thể hiện rất rõ vai trò chăm lo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ Đoàn làm nòng cốt, xây dựng nguồn cán bộ cho ấp ủy, chính quyền địa phương.

Bí thư Tỉnh Đoàn Lê Hùng Sơn khẳng định: Những thanh niên 9X được chi bộ, nhân dân bầu giữ những chức vụ của thôn, khu đã chứng tỏ uy tín, năng lực, phẩm chất của họ. Thực tế cũng chứng minh thời gian qua tại nhiều địa phương của tỉnh, chính đội ngũ cán bộ Đoàn được lựa chọn đảm nhận những cương vị chủ chốt của thôn, khu đã phát huy khá tốt vai trò, tinh thần xung kích trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, Đề án 196 của tỉnh... đạt nhiều kết quả tích cực được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XI cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn trên địa bàn dân cư. Theo đó, việc tổ chức tốt các hoạt động Đoàn từ cơ sở sẽ là môi trường, điều kiện thuận lợi để đoàn viên, thanh niên, cán bộ Đoàn rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm công tác, từ đây tạo dựng đội ngũ cán bộ nguồn kế cận cho địa phương.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ cống hiến, các cấp, các ngành cần xem xét, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường về địa phương làm việc. Đồng thời, tăng thêm cơ chế chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ thôn/khu nói chung và cán bộ trẻ nói riêng. Qua đó, giảm bớt những áp lực về thu nhập, kinh tế lo cho bản thân, gia đình để có thời gian, tâm huyết cống hiến cho nhiệm vụ chung.

Trọng trách được giao cho những cán bộ 9X ấy vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đồng thời cũng là điều kiện để mỗi thanh niên vươn lên tự khẳng định mình, là cơ sở để Đảng, chính quyền và nhân dân tin tưởng giao cho thế hệ trẻ đảm nhiệm những nhiệm vụ lớn lao hơn trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

 

“Tre già măng mọc” đó là quy luật của tự nhiên và cũng là quy luật của đời người, tin tưởng rằng với sự “vun xới”, chăm lo chu đáo, lớp lớp cán bộ trẻ sẽ không ngừng khẳng định năng lực, trí tuệ và sức trẻ trên chặng đường bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước. Thông qua những việc làm rất cụ thể, những cán bộ trẻ 9X đang trở thành những người tiên phong, lực lượng nòng cốt đi đầu trong việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới với “Tâm trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn. Họ không chỉ là minh chứng sống động cho tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, xung kích, sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ mà hơn thế nữa, họ còn góp phần khẳng định quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đó là Nghị quyết 19, Đề án 25 của Quảng Ninh “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, trong đó thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu; đó là Nghị quyết 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”...

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu