Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 17:14 (GMT +7)
Khi âm nhạc truyền thống mang hơi thở hiện đại
Thứ 5, 31/10/2024 | 07:39:37 [GMT +7] A A
Nhiều ca khúc nhạc truyền thống được yêu thích trở lại nhờ những bản phối mới hiện đại hơn và được trình diễn tại các sân khấu hoành tránh của các chương trình “anh trai, chị đẹp”.
Đưa giới trẻ đến gần hơn với âm nhạc truyền thống
Mới đây, ca sĩ Tóc Tiên đã gây sốt với tiết mục “Liên khúc 3 nàng” mang đậm hơi hướng truyền thống tại sân khấu “Chị đẹp đạp gió 2024”. Với phong cách trình diễn hiện đại, nữ ca sĩ đã thể hiện bản mashup mượt mà của những ca khúc như “Bèo dạt mây trôi”, “Bài ca đất phương nam” cùng với “Em trong mắt tôi” và “Hello Vietnam”, nhận được rất nhiều lời khen ngợi của khán giả. Và Tóc Tiên chỉ là một trong số những nghệ sĩ trẻ đang làm cầu nối đưa khán giả trẻ tới gần hơn với âm nhạc truyền thống.
Tại chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, rất nhiều tiết mục như “Trống cơm”, “Đào liễu”, “Chiếc khăn piêu”... đã khiến nhiều khán giả trẻ phải vỡ òa khi được lắng nghe những ca khúc truyền thống theo một cách rất hiện đại, rất trẻ. Ở những chương trình này, những khán giả mới có dịp chứng kiến những nghệ sĩ trẻ như Soobin Hoàng Sơn hát “Chiếc khăn piêu”, hay rapper Binz hát chèo với “Đào liễu” cùng NSND Thu Huyền...
Những bài hát truyền thống đã quen thuộc với nhiều thế hệ nay được biến tấu trẻ trung mang đậm hơi thở hiện đại với vũ đạo và phần rap mới mẻ một lần nữa chinh phục được những người trẻ - những người vốn bị hấp dẫn bởi những ca khúc US-UK, trào lưu Kpop, hay những dòng nhạc Hiphop, Rap ở thời điểm hiện tại.
Bài hát “Trống cơm” của NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn, Cường Seven từng lọt Top thịnh hành trên kênh YouTube và tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Đây là điều khá bất ngờ khi một ca khúc dân gian có thể nhận được nhiều sự yêu mến đặc biệt là đối với những khán giả trẻ. Điều này được lý giải vì những giai điệu mới của “Trống cơm” được 3 nghệ sĩ biểu diễn một cách trẻ trung kết hợp vũ đạo nhưng không vẫn không làm mất đi giá trị dân tộc và bản sắc của ca khúc.
Bên cạnh những bản phối mới, sân khấu của những chương trình “anh trai, chị đẹp” được đầu tư hoành tráng, dàn dựng công phu khiến khán giả được thỏa mãn cả phần nghe lẫn phần nhìn và tạo thêm sức hút cho những tác phẩm này.
Lan tỏa văn hóa dân tộc
Bên dưới những video của các tiết mục như “Liên khúc 3 nàng”, “Trống cơm”, “Đào liễu”, “Mưa trên phố Huế”,... rất nhiều khán giả trẻ bày tỏ sự yêu thích và mong muốn những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến gần hơn nữa với giới trẻ như cách các nghệ sĩ đã truyền tải.
Lý giải về sức hút của âm nhạc truyền thống trong thời gian gần đây, nhạc sĩ Giáng Son cho rằng, sự kết hợp cùng âm nhạc hiện đại đã kéo khán giả trẻ tới gần hơn với âm nhạc truyền thống.
“Có thể khi nghe những ca khúc truyền thống theo bản cổ sẽ khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy không sôi động nên việc làm mới các ca khúc đó với phần dàn dựng hiện đại, cập nhật theo xu hướng mới sẽ khiến các bạn trẻ lắng nghe, cảm thấy hấp dẫn và lan tỏa ca khúc. Những bản phối mới mang nét hiện đại trẻ trung nhưng tinh thần dân tộc, giá trị truyền thống vẫn không hề mất đi. Đó là sự thành công của các nghệ sĩ”, nhạc sĩ Giáng Son nói.
Nhạc sĩ Giáng Son cũng nói thêm, sự thành công của những tiết mục này còn là việc lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân tộc tới người trẻ: “Thế hệ trẻ cũng nên được biết âm nhạc dân tộc, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cũng rất hay và nhiều điều để khai khác. Với việc làm mới lại những ca khúc cũ tôi nghĩ sẽ góp phần giúp âm nhạc Việt Nam được nâng tầm và hoàn toàn có thể vươn ra thế giới”.
Sự yêu thích của các khán giả trẻ với những ca khúc truyền thống thông qua các chương trình âm nhạc khiến chúng ta có thể tự tin vào những giá trị văn hóa truyền thống. Những tinh hoa của văn hóa dân tộc, cổ truyền sẽ luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()