Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 12:02 (GMT +7)
Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng Quảng Ninh năm 2023: Khi công tác GPMB hướng đến sự đồng thuận của người dân
Thứ 2, 02/10/2023 | 10:01:17 [GMT +7] A A
Công tác giải phóng mặt bằng luôn là một trong những khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định thành công của việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển kinh tế, xã hội. Xác định tầm quan trọng đó, thời gian qua, thành phố Uông Bí đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt vướng mắc trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, công tác tuyên truyền, đối thoại hướng đến sự đồng thuận của người dân được các cấp ủy đảng và chính quyền thành phố đặc biệt chú trọng.
Hiện nay, thành phố Uông Bí có 3 dự án trọng điểm, động lực đang được tập trung cao độ thực hiện giải phóng mặt bằng, đó là Dự án đường Yên Tử kéo dài đoạn từ Quốc lộ 18A đến Quốc lộ 10 và đường 10 làn xe, thành phố Uông Bí; Dự án Cụm công nghiệp Phương Nam và Dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1). Các dự án này liên quan đến hơn 750 hộ dân phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB phục vụ các dự án trên địa bàn thành phố", trong đó, mục tiêu hàng đầu được xác định là đảm bảo tiến độ, đúng pháp luật, không hình thành điểm nóng khiếu kiện; với phương châm làm đúng, làm nhanh, làm tốt ngay từ đầu; bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật - Ban chỉ đạo GPMB thành phố đã được kiện toàn, do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 2 đơn vị chủ công là Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Uông Bí được UBND thành phố giao nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy và Ban chỉ đạo GPMB thành phố; phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, phường tập trung GPMB thực hiện các dự án trọng điểm, động lực.
Để có được sự đồng thuận trong nhân dân, Ban Chỉ đạo GPMB các cấp một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tính xung kích đi đầu của đảng viên, đoàn viên, hội viên trong công tác GPMB, tạo sức lan toả trong nhân dân; mặt khác, xác định rõ những khó khăn, thuận lợi để tìm các giải pháp phù hợp.
Địa bàn phường Phương Nam, nơi Dự án Tuyến đường Yên Tử kéo dài đi qua có 99 hộ dân bị ảnh hưởng, phải thu hồi đất thực hiện dự án, trong đó 60 hộ liên quan đến đất ở. Nhiều gia đình trước đây thực hiện việc tách thửa chia đất cho các con với hạn mức tối thiểu là 50m2 đất ở, tuy nhiên đa phần các hộ xây dựng nhà ở đều vượt diện tích cho phép. Quá trình kiểm đếm bồi thường, diện tích xây dựng lấn chiếm không được đền bù, điều này gây khó khăn cho công tác vận động tuyên truyền của địa phương. Ông Phạm Gia Trọng, Chủ tịch UBND phường cho biết, với đặc thù như vậy, địa phương xác định, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bước quan trọng nhất trong công tác GPMB là phải kiểm đếm đúng, đủ và xác định nguồn gốc đất xây dựng để lập phương án chính xác, làm căn cứ đền bù cho dân theo đúng quy định của pháp luật và tạo sự đồng thuận cho nhân dân. Đến nay, trên địa bàn phường đã có 63/99 hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Ông Bùi Khánh Chung, khu Hiệp An 2, một trong các hộ dân trong diện GPMB cho biết: “Ban đầu gia đình tôi chưa đồng thuận vì chúng tôi đã ở đây lâu năm, quen xóm quen làng; chúng tôi không muốn mất đất, mất nhà và không muốn bị xáo trộn cuộc sống khi phải chuyển đi nơi khác. Sau khi được tuyên truyền vận động, đặc biệt chính quyền địa phương thường xuyên tới tận gia đình để giải quyết các chế độ chính sách cũng như lắng nghe và tiếp thu những đề xuất của gia đình, chúng tôi đã nhận thức được việc xây dựng tuyến đường là để phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, chúng tôi đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng sớm để dự án được thực hiện.
Còn ông Lê Nguyễn Tám, cũng ở khu Hiệp An 2 cho biết, khi nhận phương án đền bù để GPMB, ông cũng đắn đo về giá bồi thường còn thấp, song khi được cán bộ địa phương và các ngành chức năng giải thích về nguồn gốc đất cũng như các chế độ GPMB, gia đình ông đã vui vẻ nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Là đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ GPMB thực hiện Dự án tuyến đường Yên Tử kéo dài trên địa bàn phường Phương Đông, ông Vũ Đức Yêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình thành phố cho biết: Với phương châm đặt lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất lên vị trí hàng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị đã phối hợp cùng chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực tuyên truyền đến các hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất thực hiện dự án; tư vấn, giải thích cho người dân hiểu về chính sách pháp luật về giải phóng mặt bằng cũng như những lợi ích của việc đầu tư tuyến đường, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích chung của nhà nước cũng như những quyền lợi của người dân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, đơn vị được giao GPMB Dự án tuyến đường Yên Tử kéo dài trên địa bàn phường Phương Nam cho biết, công tác đối thoại với các hộ dân được chia làm 2 bước. Trước hết, khi phương án GPMB được thống nhất, Trung tâm sẽ phối hợp với phường tổ chức đối thoại với các hộ dân, giải thích về nguồn gốc đất, về hệ số bồi thường đối với các vật kiến trúc, cây cối. Sau đối thoại lần đầu, nếu còn hộ dân nào chưa đồng thuận, lãnh đạo UBND thành phố sẽ trực tiếp làm việc, giải quyết các nội dung đối thoại của từng hộ dân; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phân loại các ý kiến tương đồng của các hộ, báo cáo UBND thành phố giải quyết và tham mưu các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hộ dân cố tình không chấp hành. Từ những cuộc đối thoại như vậy, người dân hiểu và nắm bắt rõ hơn các chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác GPMB, chấp thuận phương án đền bù; qua đó cũng góp phần kéo giảm các vụ việc khiếu kiện vượt cấp, đông người không đáng có. Sau những cuộc đối thoại, các phòng, ban, đơn vị thành phố đã kịp thời tham mưu về phương án bồi thường, bố trí vị trí tái định cư, chuyển mục đích đất nông nghiệp liền kề đất ở phục vụ tái định cư tại chỗ… điều đó làm cho nhân dân rất phấn khởi. Song song với công tác GPMB, thành phố cũng đồng thời phê duyệt dự án tái định cư một cách công khai, minh bạch với phương châm nơi ở mới của các hộ dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; tổ chức đưa các hộ gia đình tham quan khu tái định cư.
Nhờ sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo; trực tiếp đối thoại, kiểm tra thực địa để giải quyết các tình huống cụ thể một cách kịp thời, thấu đáo, công tác GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Uông Bí đã nhận được sự đồng thuận của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đến nay, đã có 105/152 hộ dân trong diện đền bù GPMB thuộc Dự án Đường Yên Tử kéo dài, đoạn từ Quốc lộ 18A đến Quốc lộ 10 và đường 10 làn xe, thành phố Uông Bí nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng với diện tích đủ điều kiện bàn giao đạt 74,6%. Dự án Cụm Công nghiệp Phương Nam đã có 62/63 hộ và 4/4 tổ chức nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao diện tích đất cho chủ đầu tư, đạt 92,6% khối lượng GPMB. Dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) cũng đã có 471/475 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Cũng với cách làm trên, trong năm 2023, thành phố Uông Bí đã hoàn thành việc xây dựng, bố trí khu dân cư 2 bên đường Trần Hưng Đạo phục vụ cho các dự án tái định cư trên địa bàn; đồng thời, kết thúc các dự án khác như: Dự án ĐTXD kinh doanh hạ tầng khu dân cư đô thị tại phường Trưng Vương của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm; Dự án Khu biệt thự Sông Uông tại phường Trưng Vương và phường Quang Trung; đặc biệt là tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài kết nối với đường ven sông dài trên 3,05 km - Công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023).
Thanh Hương, Trung tâm TTVH TP Uông Bí
Liên kết website
Ý kiến ()