Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:29 (GMT +7)
Khỉ Kong không thể giúp nhiều cho du lịch Việt Nam
Thứ 5, 16/03/2017 | 09:31:41 [GMT +7] A A
“Đừng kỳ vọng Hollywood quảng bá du lịch cho Việt Nam, họ chọn mình vì chi phí thấp mà thôi...".
Theo thống kê từ nhà phát hành CGV, sau 3 ngày công chiếu, bom tấn “Kong: Skull Island” đã thu hút hơn 700.000 lượt người xem, đem tới doanh thu hơn 62 tỷ đồng. Không riêng CGV, “Kong: Skull Island” đại phá các phòng chiếu khác, tạo nên một cơn sốt lớn ở Việt Nam. Và lý do lớn nhất kéo người dân đến rạp là để thấy Việt Nam lên phim Hollywood như thế nào.
Ngày 13/3, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chính thức nhận quyết định trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 – 2020. |
Nhờ hiệu ứng tích cực của bộ phim, đạo diễn phim Jordan Vogt-Roberts đã có ý bán nhà ở Mỹ sang Việt Nam sinh sống, nơi ông cho rằng “hoàn hảo về mặt thẩm mỹ với phong cảnh tuyệt đẹp và siêu thực". Ông còn được trao quyết định trở thành Đại sứ du lịch nhiệm kỳ 2017-2020 và là người nước ngoài đầu tiên đảm nhận vai trò này.
Trong ngày 14/3, Hà Nội đã không đồng tình với đề xuất dựng tấm phông lớn về khỉ Kong tại Hồ Hoàn Kiếm để người dân chụp ảnh và quảng bá du lịch. Trước đó, một nhà văn đã thẳng thắn phản bác đề xuất này vì cho rằng Hồ Hoàn Kiếm là chốn “không thể tùy tiện bầy biện. Nay lại mang quái thú ngoại lai làm ô uế chốn tôn nghiêm. Như thế là không hiểu văn hóa Hà Nội”.
Người ta chờ đợi gì ở “Kong: Skull Island”, bên cạnh những thành công về doanh thu bán vé? Là sau bộ phim bom tấn với kinh phí lên đến 190 triệu USD, những cảnh đẹp của Việt Nam như Ninh Bình, Hạ Long và Quảng Bình sẽ được giới thiệu với bạn bè toàn thế giới? Doanh thu du lịch nước nhà sẽ tăng, lượng khách quốc tế sẽ đổ dồn đến Việt Nam? Rồi sau “Kong: Skull Island”, Việt Nam sẽ trở thành phim trường quốc tế, không kém cạnh các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia...?
Bộ phim "Kong: Skull Island" được kỳ vọng sẽ quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam đến thế giới |
Khỉ Kong đang được tận dụng triệt để như một công cụ quảng bá, được kỳ vọng sẽ thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam. Và người ta hy vọng “Kong: Skull Island” sẽ mang lại nhiều tín hiệu tốt lành trong tương lai. Nhưng có một sự thật là sau hơn một năm đoàn làm phim của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chào tạm biệt Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có thêm dự án nào hoặc đoàn làm phim quốc tế nào đánh tiếng với chúng ta.
Câu chuyện thay đổi bộ mặt du lịch Việt, hình ảnh người Việt, quảng bá du lịch Việt vẫn là một bài toán đau đầu các nhà quản lý. Từ ngày 1/1/2017, hình ảnh của Hà Nội được đăng tải trên hãng truyền hình Mỹ CNN nhằm mời gọi các nhà đầu tư và quảng bá du lịch. Và cái giá chúng ta phải trả cho 2 năm quảng cáo là 2 triệu USD.
Tuy nhiên, không mất tiền mà lại được quảng cáo miễn phí, bởi chỉ mấy tháng trước, kênh truyền hình CNN phát đi phóng sự về bún chửi do nhà văn Mỹ Anthony Bourdain thực hiện ở Hà Nội. Du lịch Việt Nam, ở một khía cạnh nào đó, lại nổi tiếng theo những cách không ai ngờ đến. Theo một khảo sát của Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương, có đến 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam một đi không trở lại.
Phong cảnh Việt Nam xuất hiện trong phim "Kong: Skull Island" |
Ngành du lịch nước nhà đã sử dụng slogan “Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn” suốt 6 năm rồi sau đó thay thế bằng “Việt Nam – vẻ đẹp bất tận”. Việt Nam đẹp tiềm ẩn, đẹp bất tận là điều không ai bàn cãi, nhưng đẹp bền vững lại là một câu chuyện khác. Sự thật là từ Nam ra Bắc chúng ta không thiếu những phong cảnh hùng vĩ, những di sản thiên nhiên, kỳ quan văn hoá thế giới.
Thế nhưng, từ Nam ra Bắc, bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn tồn tại nạn chặt chém giá cả dịch vụ, khiến khách du lịch luôn phải dặn nhau mua gì cũng phải mặc cả trước, thậm chí bị đe doạ hành hung. Đó là câu chuyện văn hoá giao thông khiến sang đường là nỗi khiếp sợ với người nước ngoài. Đó là câu chuyện ô nhiễm môi trường, nạn xả rác bừa bãi, thực phẩm bẩn không an toàn; câu chuyện an ninh khi nạn cướp giật, ăn trộm vẫn diễn ra như cơm bữa.
Du lịch Việt Nam ở vị trí thấp so với các nước Thái Lan, Malaysia và Singapore mặc dù tiềm năng chúng ta không thua kém các nước bạn. Và lời giải cho bài toán đó là chỉ khi người Việt Nam thực sự quan tâm đến ngành du lịch, làm du lịch một cách bền vững và thực sự. Chứ đừng vội kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ thay đổi nhanh chóng nhờ marketing và quảng bá về khỉ Kong trong phim của một đạo diễn Hollywood.
Như những chia sẻ thẳng thắn của hoạ sỹ Vũ Huy - người Việt Nam duy nhất tham gia thiết kế bối cảnh trong “Kong Skull: Island” thì “Cảnh trong Kong: Skull Island xuất hiện rất nhanh, người ta xem phim hành động thì làm gì có thời gian mà ngắm cảnh Việt Nam. Đừng vội kỳ vọng Hollywood quảng bá du lịch cho Việt Nam, họ chọn mình vì chi phí thấp mà thôi”.
Theo Tố Uyên/VOV.VN
Liên kết website
Ý kiến ()